Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (1910-1985) là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, nhà ngoại giao xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của Đảng ta. 75 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã để lại dấu ấn sâu sắc trên nhiều cương vị, đặc biệt là trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người đã thay mặt Nhà nước ta ký kết Hiệp định Paris lịch sử năm 1973.
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh (1910-1985) là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, nhà ngoại giao xuất sắc, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất của Đảng ta. 75 tuổi đời, gần 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã để lại dấu ấn sâu sắc trên nhiều cương vị, đặc biệt là trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, người đã thay mặt Nhà nước ta ký kết Hiệp định Paris lịch sử năm 1973.
Coi nhà tù đế quốc là trận tuyến mới
Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15-7-1910 trong một gia đình nông dân ở xã Nghi Thọ, nay là xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào đấu tranh chống ách thống trị của đế quốc và phong kiến.
Năm 1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Lúc này, cao trào cách mạng 1930-1931, mà đỉnh cao là Xô viết - Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi. Ở huyện Nghi Lộc, thực dân Pháp khủng bố dữ dội, các đồng chí trong Huyện ủy lần lượt bị địch bắt. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã bí mật liên lạc với tổ chức để thoát khỏi vòng vây, khôi phục phong trào cách mạng ở quê hương. Đồng chí tham gia làm Bí thư Chi bộ rồi Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng tại đây. Nhưng khi phong trào vừa nhóm lên thì bị thực dân Pháp khủng bố, đồng chí bị địch bắt vào cuối năm 1931 và kết án 13 năm tù khổ sai.
Tháng 5-1945, đồng chí tham gia vận động khởi nghĩa ở thành phố Vinh và Huế. Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng các cơ sở cách mạng, với vai trò là hạt nhân đứng đầu lãnh đạo phong trào cách mạng, tập hợp đoàn kết các tầng lớp nhân dân để chuẩn bị lực lượng sẵn sàng khi thời cơ đến đứng lên giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí được cử giữ nhiều trọng trách như: Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy khu V, kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ.
Tháng 2-1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Đến tháng 8-1955, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng; tới năm 1956, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị và được phân công giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng; năm 1958, được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước.
Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước... Tháng 4-1965, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị phân công giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Sau khi đất nước thống nhất, đồng chí tiếp tục được phân công giữ những chức này cho đến năm 1980. Đồng chí còn là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Chiến thắng của nền ngoại giao non trẻ
Từ giữa năm 1965, với cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao của đất nước. Tháng 1-1967, Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đề ra chủ trương mở mặt trận đấu tranh ngoại giao để cùng các mặt trận quân sự và chính trị tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc thắng lợi. Người dân cả nước đã nức lòng khi đồng chí Nguyễn Duy Trinh ra Tuyên bố ngày 28-1-1967, nêu rõ: Chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và các hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện. Tuyên bố này là một đòn tấn công ngoại giao lớn, làm thất bại luận điệu “đàm phán không điều kiện”, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Cuộc đàm phán tại thủ đô Paris (Pháp) về Việt Nam từ tháng 5-1968 đến tháng 1-1973 là cuộc đàm phán mang tính lịch sử quan trọng để chấm dứt một cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX. Sau gần 5 năm đấu tranh bằng trí tuệ và bản lĩnh với hơn 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán đã kết thúc. Ngày 27-1-1973, đồng chí Nguyễn Duy Trinh - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đại diện Nhà nước ta chính thức ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang của đàm phán Paris và Hiệp định Paris đã buộc quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam Việt Nam, mở đường cho Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ xây dựng lại đất nước sau hơn 30 năm bị chiến tranh tàn phá, ngành Ngoại giao Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa tranh thủ sự hỗ trợ của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè thế giới, vừa đấu tranh chống bao vây cấm vận. Chính trong thời kỳ khó khăn ấy, Việt Nam đã trở thành thành viên của Liên hợp quốc. Ngày 21-7-1977, đồng chí Nguyễn Duy Trinh thay mặt Đảng, Nhà nước ta tham gia Lễ thượng cờ tại trụ sở tổ chức này. Đồng chí cũng chính là người kiến tạo các chuyến thăm của lãnh đạo nước ta với các nước trong khu vực, dẫn tới việc Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 1995.
Ghi nhận công lao, đóng góp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh đối với sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước đã trao tặng đồng chí Huân chương Sao vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí là nhà ngoại giao xuất sắc và mãi là niềm tự hào của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Việt Nam.
Theo Hanoimoi