12:07, 23/07/2020

"Thủ phủ" cây ăn quả của tỉnh Khánh Hòa

5 năm qua, Khánh Sơn đã từng bước trở thành "thủ phủ" cây ăn quả của tỉnh Khánh Hòa với các loại cây như: Sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, mía tím… Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng bền vững; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch.

 

5 năm qua, Khánh Sơn đã từng bước trở thành “thủ phủ” cây ăn quả của tỉnh Khánh Hòa với các loại cây như: Sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, mía tím… Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng bền vững; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch.


Vùng đất của các loại trái cây ngon


Ngược ngàn lên Khánh Sơn mùa này, thấp thoáng trong những vườn cây xanh mướt, lúc lỉu quả là những căn nhà khang trang mới được cất lên sau những vụ mùa bội thu của nông dân địa phương. Ở Khánh Sơn bây giờ, bên cạnh những tỷ phú sầu riêng người Kinh, ngày càng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng vươn lên làm giàu nhờ trồng cây ăn quả… Ông Bo Bo Ngọc Huyễn ở thị trấn Tô Hạp là một ví dụ. Từ một hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo, cuộc sống khấm khá hơn nhờ trồng sầu riêng. Ông Huyễn cho biết, trên diện tích chừng 1ha đất, trước đây ông trồng đủ loại cây nhưng thu nhập chẳng được bao nhiêu. Từ khi cây sầu riêng bén duyên với mảnh đất Khánh Sơn, ông đã mạnh dạn trồng mấy chục cây, trung bình mỗi vụ thu được 4 - 5 tấn quả, mỗi năm thu nhập hơn 230 triệu đồng. Ông dự tính sẽ tiếp tục trồng thêm 100 cây sầu riêng nữa. Nhờ trồng sầu riêng mà gia đình ông đã xây được nhà, sắm được xe máy, tivi, tủ lạnh để cuộc sống tiện nghi hơn.

 

Cùng chúng tôi đến thăm các nhà vườn ở xã Sơn Bình, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn chia sẻ, với lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, địa phương đã tập trung phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Khánh Sơn đang từng bước vươn mình trở thành vùng đất của các loại trái cây ngon, vùng trồng cây ăn trái tập trung lớn nhất của tỉnh. Hiện nay, trung bình 1ha đất sản xuất mỗi năm mang lại thu nhập đến 80 triệu đồng cho người dân. Có những mô hình canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao, lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi héc-ta. Có thể nói, cây ăn quả đã tạo bước đột phá về phát triển kinh tế - xã hội của huyện Khánh Sơn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi trên địa bàn.

 

Người dân Khánh Sơn thu hoạch sầu riêng.

Người dân Khánh Sơn thu hoạch sầu riêng.

 

Hiện nay, Khánh Sơn đã trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất Nam Trung Bộ, với tổng diện tích lên đến hơn 2.700ha. Toàn huyện đang có hơn 1.500ha sầu riêng, hơn 330ha bưởi da xanh, gần 70ha chôm chôm và hơn 450ha các loại cây ăn quả khác như: Măng cụt, mít nghệ, cam, quýt đường, bơ booth… Các loại trái cây của Khánh Sơn ngon nức tiếng, đặc biệt sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, được bình chọn là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam; mía tím Khánh Sơn đã được xây dựng thương hiệu, nhiều loại cây ăn quả khác được nông dân sản xuất sạch, áp dụng theo chuẩn VietGAP.


Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch


Những năm qua, sản xuất nông nghiệp đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện; tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến nay đã chiếm hơn 70% giá trị sản xuất của kinh tế địa phương. Cùng với sự nổi tiếng của các loại trái cây ngon, Khánh Sơn còn được mệnh danh là “Đà Lạt” của Khánh Hòa, nhờ khí hậu ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: Thác Tà Gụ, thác Kô Róa, rừng thông Sơn Hiệp - Sơn Bình, đèo Ba Cụm Bắc… Khánh Sơn còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Đàn đá Khánh Sơn, căn cứ địa thị trấn Tô Hạp, sân bay Tà Nĩa, cùng với đó là sự đa dạng về văn hóa, bản sắc dân tộc của người Raglai bản địa. Đây là những điều kiện thuận lợi để Khánh Sơn định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn tới.


Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Giai đoạn 2020 - 2025, địa phương sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “nông nghiệp - dịch vụ, du lịch - tiểu thủ công nghiệp”, phấn đấu sớm đưa Khánh Sơn thoát khỏi huyện nghèo. Để làm được điều này, huyện sẽ phát huy lợi thế của mình để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch cũng như phát triển các cơ sở dịch vụ, du lịch; hình thành các trang trại trồng cây ăn quả, xây dựng các nhà vườn kiểu mẫu, các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan miệt vườn; quảng bá thương hiệu nông sản để thúc đẩy phát triển du lịch địa phương…


HẢI LĂNG

 


 

Mục tiêu đến năm 2025, Khánh Sơn sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao lên 3.493ha (tăng 789ha so với hiện nay). Trong đó, có 2.030ha sầu riêng, 485ha bưởi da xanh, 123ha chôm chôm, 55ha măng cụt, 100ha các loại cây ăn quả khác như: Mít, quýt đường, bơ, vú sữa…. Riêng cây mía tím sẽ duy trì diện tích 240ha. Các loại cây trồng trên địa bàn sẽ phát triển theo hướng sản xuất sạch, chất lượng cao.