Bằng tầm nhìn vượt thời đại của một thiên tài, giữa những năm đất nước còn chia cắt, miền Bắc còn bom rơi đạn nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trăn trở về vấn đề bảo vệ môi trường. Ý tưởng về một phong trào trồng cây gây rừng được Người cụ thể hóa thành Tết trồng cây. Một phong tục đẹp của đất nước đến nay vừa tròn 60 năm.
Bằng tầm nhìn vượt thời đại của một thiên tài, giữa những năm đất nước còn chia cắt, miền Bắc còn bom rơi đạn nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trăn trở về vấn đề bảo vệ môi trường. Ý tưởng về một phong trào trồng cây gây rừng được Người cụ thể hóa thành Tết trồng cây. Một phong tục đẹp của đất nước đến nay vừa tròn 60 năm.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Lời dạy của Người không chỉ là kim chỉ nam cho ngành Giáo dục mà còn trở thành vấn đề thời sự của nhân loại nói chung trong thời kỳ biến đổi khí hậu hôm nay.
Ngày 30-5-1959, với bút danh Trần Lực, Bác đã viết bài “Nông dân phải trồng cây chuẩn bị làm nhà ở” đăng trên Báo Nhân Dân số 1901. Bác viết: “Muốn làm cửa nhà tốt, phải ra sức trồng cây, chúng ta chuẩn bị từ nay, dăm năm sau, sẽ bắt tay dựng nhà”. Ngày 28-11-1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng và mong muốn trong 10 năm đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, đồng thời đề nghị tất cả nhân dân miền Bắc mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt.
Sáng ngày 11-1-1960, Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng xuân được tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (hiện nay là Công viên Thống Nhất). Để rồi từ đó, hàng năm cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, Bác Hồ thường tham gia cùng nhân dân trồng cây. Sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu 1969, tuy sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng Bác vẫn đến chúc Tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Vật Lại, Ba Vì.
Ngày nay, trên khắp mọi miền của đất nước, sau những ngày Tết cổ truyền là “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác”. Tết trồng cây đã trở thành một phong tục đẹp của dân tộc, mở đầu cho một năm trồng cây, theo đúng ý nguyện của Người: “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”.
Tuy nhiên trong những năm qua, nhiều nơi, nhiều địa phương đã thực hiện Tết trồng cây một cách hình thức. Hình thức thái quá đến độ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã phải trực tiếp phê phán. Đó là tình trạng đào cây cổ thụ ở nơi khác về trồng, đó là việc các vị lãnh đạo đi găng tay trắng, cầm xẻng dán giấy xanh giấy đỏ xúc vài xẻng đất như diễn để quay phim, chụp hình… Việc phô trương hình thức ấy làm mất đi ý nghĩa của Tết trồng cây mà Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, trái với tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Sau lần phê bình trực tiếp ấy của Tổng Bí thư trên truyền hình, những hình thức khó coi đó cơ bản đã được khắc phục.
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cũng là dịp chúng ta kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ phát động Tết trồng cây. Trong dịp này các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều có kế hoạch tổ chức Tết trồng cây hết sức chu đáo. Các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đều có kế hoạch trực tiếp tham gia với các địa phương… Một phong tục đẹp ngày xuân đang được các thế hệ nối tiếp nhau bồi đắp.
Thủy Ngân