Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng an ninh của tỉnh Khánh Hòa luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm, triển khai hiệu quả.
Những năm qua, công tác giáo dục quốc phòng an ninh (QPAN) của tỉnh Khánh Hòa luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt quan tâm, triển khai hiệu quả. Qua đó, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Hàng năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, ngành đều tích cực triển khai công tác giáo dục QPAN, đưa công tác này ngày càng đi vào nề nếp và có hiệu quả. Để thực hiện tốt công tác giáo dục QPAN, tỉnh luôn coi trọng củng cố, kiện toàn hội đồng giáo dục QPAN các cấp, bổ sung đủ các chức danh theo quy định, đảm bảo cơ cấu hợp lý, đúng thành phần. Chất lượng hoạt động, năng lực tham mưu của hội đồng giáo dục QPAN các cấp ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các thành viên trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo tổ chức mở lớp, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy, thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng kiến thức QPAN cho cán bộ các đối tượng và cho toàn dân.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục QPAN, phù hợp với tình hình mới, tỉnh luôn quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố giảng đường, thao trường, bãi tập, trang thiết bị cho môn học giáo dục QPAN; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, báo cáo viên; cập nhật văn bản mới, văn bản hiện hành vào chương trình bồi dưỡng, nhất là các chuyên đề về “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo”, “Vấn đề dân tộc, tôn giáo và đấu tranh chống địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng trên địa bàn Quân khu 5”. Hàng năm, Hội đồng giáo dục QPAN tỉnh luôn triển khai tốt công tác khảo sát, nắm chắc số lượng các đối tượng chưa được bồi dưỡng kiến thức QPAN theo quy định; chú trọng nâng cao số lượng, chất lượng bồi dưỡng kiến thức QPAN cho đội ngũ cán bộ, chức sắc, chức việc các tôn giáo và chỉ đạo mở rộng bồi dưỡng cho các đối tượng khác theo nhu cầu thực tế của địa phương. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu tư liệu, bổ sung nội dung, đổi mới phương pháp giới thiệu, phổ biến mô hình mới có hiệu quả cho các lớp bồi dưỡng kiến thức QPAN để người học nghiên cứu vận dụng, nâng cao chất lượng học tập.
Năm 2018, toàn tỉnh có hơn 3.900 người thuộc các đối tượng 1, 2, 3, 4; hơn 300 chức sắc, chức việc các tôn giáo và già làng, trưởng họ tộc; khoảng 59.000 học sinh, sinh viên và một số đối tượng khác... được bồi dưỡng kiến thức QPAN. |
Cùng với đó, công tác phổ biến kiến thức QPAN cho toàn dân, tuyên truyền giáo dục quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân luôn được chú trọng đẩy mạnh và đổi mới, với nhiều hình thức phong phú, phương pháp linh hoạt, phù hợp với từng vùng miền và địa phương.
Đại tá Lê Công Chín - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết: “Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng giáo dục QPAN tỉnh; thời gian qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tham mưu tốt cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức bồi dưỡng kiến thức QPAN cho các đối tượng, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Để công tác giáo dục QPAN ngày càng có chiều sâu và hiệu quả, thời gian tới, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiếp tục chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Hội đồng Giáo dục QPAN tỉnh tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả các văn bản của Đảng và Nhà nước về công tác giáo dục QPAN trong tình hình mới; đồng thời tích cực đổi mới nội dung và hình thức nhằm nâng cao chất lượng toàn diện công tác giáo dục QPAN cho các đối tượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.
THẾ ANH