Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ và đề ra nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ và đề ra nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ cán bộ nữ trong các vị trí lãnh đạo, quản lý.
Phấn đấu nâng tỷ lệ cán bộ nữ
Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đến nay, việc quy hoạch, tạo nguồn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đã dần đi vào nề nếp; tính dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ đã được thực hiện nghiêm túc; từ đó, đã phát hiện, đề bạt, bổ nhiệm một số cán bộ trẻ, cán bộ nữ có năng lực, trình độ để bố trí, cơ cấu vào những vị trí quan trọng hơn. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ qua các kỳ đại hội đảng các cấp, tham gia cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều không đạt tỷ lệ theo quy định; một số nơi hầu như không có cán bộ trẻ, cán bộ nữ dẫn đến nguy cơ hẫng hụt đội ngũ cán bộ kế cận ngày càng rõ và đang là vấn đề bức xúc cần sớm khắc phục. Đến tháng 8-2017, tổng số cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý có 346 đồng chí, trong đó nữ chỉ có 56 đồng chí, chiếm 16,18%. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, ở cấp huyện, trong 315 cấp ủy viên có 45 cán bộ nữ, chiếm 14,28%; trong 92 ủy viên ban thường vụ có 12 cán bộ nữ, chiếm 13,04%. Ở cấp tỉnh, trong 52 Tỉnh ủy viên chỉ có 2 cán bộ nữ, chiếm 3,85% và trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy không có cán bộ nữ.
Vì thế, để xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, có năng lực công tác tốt, có triển vọng phát triển, đảm bảo tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ theo đúng quy định, đáp ứng nhu cầu cán bộ lãnh đạo trước mắt và lâu dài, ngày 21-11-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án “Xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ đảm nhiệm các chức vụ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và lãnh đạo chủ chốt tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo”. Trong đó, phấn đấu đến nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt tiêu chí tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 25% trở lên (trong đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đạt từ 15% trở lên), đại biểu HĐND các cấp đạt từ 35% trở lên; có cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ ở mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương; riêng đối với các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên phải có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Phương châm giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm cán bộ là nếu điều kiện tương đồng thì ưu tiên giới thiệu cán bộ nữ.
Nhiều giải pháp
Theo ông Phan Được - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến nay, các cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận thức rõ trách nhiệm trong việc triển khai, xây dựng, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ có trình độ chuyên môn, triển vọng phát triển; tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch từ tỉnh đến cơ sở đã có bước chuyển biến đáng kể. Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Bên cạnh công tác quy hoạch, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực. Nhờ đó, lực lượng cán bộ, công chức, viên chức nữ có trình độ, được đào tạo cơ bản ngày càng được tăng cường, bổ sung, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bước đầu đáp ứng được tiêu chuẩn và yêu cầu nhiệm vụ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhằm nâng cao tính thực tiễn, kỹ năng trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ chủ chốt đương chức của tỉnh cũng như cán bộ quy hoạch vào các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý để chuẩn bị tốt cho công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo, từ ngày 1 đến 8-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và quy hoạch các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý khóa I, II năm 2018. Trong số 371 học viên tham gia lớp có 96 học viên nữ.
Về công tác sử dụng cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh đã quan tâm, chăm lo, bồi dưỡng tạo nguồn và đưa vào quy hoạch để đào tạo, luân chuyển, bố trí sử dụng cán bộ nữ tham gia vào các lĩnh vực công tác phù hợp. Trong năm 2017, đối với cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu thực hiện quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động cán bộ, chỉ định bổ sung, chuẩn y, hiệp y, đề nghị kéo dài thời gian giữ chức vụ đối với 49 trường hợp, trong đó nữ có 5 trường hợp. Ngoài ra, ban đã tham mưu văn bản về việc cho ý kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ, hiệp y bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ cấp phòng đối với 92 trường hợp, trong đó có 21 cán bộ nữ.
Theo ông Phan Được, để tăng tỷ lệ nữ trong các vị trí quản lý, lãnh đạo các cấp cần thực hiện các giải pháp: Thứ nhất, thực hiện quán triệt sâu sắc các quan điểm, mục tiêu công tác bình đẳng giới trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, tạo bước chuyển biến rõ rệt về hiệu quả công tác tạo nguồn, quy hoạch nữ cán bộ lãnh đạo các cấp. Thứ hai, nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách cụ thể về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển đối với cán bộ nữ; có chính sách đặc thù đối với cán bộ nữ công tác ở vùng cao, là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ đi học có con nhỏ. Thứ ba, tăng cường công tác luân chuyển cán bộ nhất là cán bộ nữ, để đào tạo qua thực tiễn giúp họ sớm trưởng thành, chuẩn bị dự nguồn cho các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Thứ tư, các cấp ủy đảng thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ trẻ trong quy hoạch, nhất là cán bộ nữ có chiều hướng phát triển tốt để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ nữ mang tính chiến lược, lâu dài. Thứ năm, nâng cao nhận thức về vai trò, nhiệm vụ của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng. Việc đào tạo, bồi dưỡng phải dựa trên cơ sở quy hoạch, phải xác định rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của từng bộ phận, từng chức danh để tiến hành các loại hình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; tăng cường các loại hình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho từng chức danh, từng loại hình cán bộ định kỳ hàng năm.
KHÁNH NINH
Quy hoạch Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhiệm kỳ 2021 - 2026:
Cấp tỉnh:
- Quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 92 đồng chí (không tính các đồng chí đương nhiệm đủ tuổi tái cử), trong đó có 27 nữ, chiếm 29,35%;
- Quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025 có 16 đồng chí, trong đó có 3 nữ, chiếm 18,75% (theo quy định không dưới 15%);
- Quy hoạch chức danh Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 4 đồng chí, trong đó có 1 nữ, chiếm 25%.
Cấp huyện:
- Quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện 422 đồng chí, trong đó có 122 nữ; Ủy viên Ban Thường vụ cấp huyện 84 đồng chí, trong đó có 20 nữ; chức danh Bí thư cấp ủy cấp huyện có 15 đồng chí, trong đó có 1 nữ; chức danh Chủ tịch HĐND cấp huyện có 15 đồng chí, trong có 2 nữ; chức danh Chủ tịch UBND cấp huyện có 15 đồng chí, trong đó có 1 nữ; chức danh Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện có 19 đồng chí, trong đó có 6 nữ; chức danh Phó Chủ tịch UBND cấp huyện có 21 đồng chí, trong đó có 7 nữ.