10:03, 17/03/2017

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng

Ngày 17-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 17-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các ông: Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
 

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đánh giá toàn diện kết quả đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; thực trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã và kiến nghị Trung ương một số nội dung.


Đổi mới trên nhiều phương diện


Về kết quả thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cụ thể trên nhiều phương diện: đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của hệ thống chính quyền ở địa phương; đổi mới công tác cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hoạt động của cơ quan tư pháp; đối với hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; tiếp tục đổi mới phong cách lề lối làm việc. Trong đó, về thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy cấp huyện lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thông qua quy chế, quy định cụ thể; đảm bảo chủ trương của Tỉnh ủy, của các cấp ủy được quán triệt đầy đủ, cụ thể hóa thành mục tiêu, nhiệm vụ và biện pháp thực hiện của chính quyền; giải quyết công việc đúng thẩm quyền, không bao biện làm thay.

 

Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị
Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị


Về đổi mới công tác cán bộ, đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản thực hiện xong, đảm bảo yêu cầu. Hàng năm, cán bộ diện quy hoạch đều được đánh giá, rà soát để đưa ra khỏi danh sách quy hoạch những người không còn đủ tiêu chuẩn, bổ sung những nhân tố mới. Trên cơ sở quy hoạch, các cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ; từng bước bổ nhiệm, giới thiệu nhân sự theo quy hoạch, khắc phục dần tình trạng quy hoạch mang tính hình thức. Việc lựa chọn nhân sự để đề bạt, giới thiệu ứng cử được xem xét toàn diện. Một số cán bộ trẻ qua luân chuyển, thử thách đã được bổ nhiệm, trúng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh đến cơ sở...


Những kết quả về đổi mới phương thức lãnh đạo của Tỉnh ủy, của các cấp ủy đã góp phần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, nâng cao năng lực, chất lượng lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, chất lượng của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.


Một số bất cập, hạn chế


Về tổ chức, bộ máy của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, mô hình tổ chức đảng theo lãnh thổ thuận lợi cho tổ chức đảng, đảng viên trong công tác phát triển đảng viên, sinh hoạt, học tập nghị quyết; tổ chức đảng theo ngành dọc lại có thuận lợi là gắn công tác đảng với công tác chuyên môn. Riêng mô hình đảng ủy khối cấp tỉnh đang có bất cập khi không lãnh đạo tổ chức công đoàn cùng cấp. Về tổ chức, bộ máy của chính quyền, đầu mối các cơ quan, đơn vị thuộc chính quyền các cấp đã từng bước được thu gọn. Hệ thống tổ chức, bộ máy của UBMT các cấp được tăng cường về số lượng và chất lượng. Công tác cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, có chất lượng, hiệu quả.


Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng chỉ ra những vướng mắc, bất cập như: mô hình tổ chức đảng với mô hình tổ chức chính trị, xã hội của các cơ quan cấp huyện, đảng bộ khối trực thuộc Tỉnh ủy, tổ chức đảng đặc thù chưa đồng bộ, thống nhất; vai trò lãnh đạo và mối quan hệ của đảng đoàn, ban cán sự đảng với đảng ủy cơ quan, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng; cơ quan tham mưu công tác nội chính không có ngành dọc đến cấp huyện, chưa có hướng dẫn cụ thể nên chất lượng, hiệu quả công tác phụ thuộc vào thường trực cấp ủy cấp huyện… Ông Lê Đức Vinh nhận xét: “Vấn đề tổ chức bộ máy liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực nhưng hiện nay còn chưa đồng bộ, thống nhất giữa địa phương và ngành; phân cấp nhiệm vụ phải đi đôi với nguồn lực nhưng thực tế có những nhiệm vụ xuyên suốt nhưng nguồn lực lại nửa vời. Khánh Hòa đã xây dựng đề án vị trí việc làm nhưng quản lý, đánh giá từng vị trí việc làm như thế nào cho hiệu quả? Bên cạnh đó, mô hình các ban cán sự đảng, đảng đoàn cũng cần nghiên cứu xem xét lại cho phù hợp…”.


Theo ông Ngô Truyện - Giám đốc Sở Nội vụ, tuy số đầu mối cấp sở không tăng nhưng đầu mối trực thuộc các sở, ngành lại tăng tới 33 đầu mối, nhất là các chi cục. Về các hội, hiện nay, toàn tỉnh có tới 110 hội, trong đó, nhiều hội muốn trở thành hội đặc thù để được giao biên chế. Đối với cấp xã, số lượng cán bộ, công chức cấp xã không tăng nhưng tăng mạnh số lượng người hoạt động không chuyên trách (riêng các thôn, tổ dân phố ước tính toàn tỉnh gần 10.000 người)…

 

Về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến năm 2016, khối đảng có 701 người, khối chính quyền có 2.141 người, Mặt trận và các đoàn thể có 432 người; viên chức có 24.915 người. Về tinh giản biên chế, đến năm 2011, toàn tỉnh đã tỉnh giản được 719 trường hợp; từ năm 2015 đến nửa đầu năm 2017 tinh giản 177 trường hợp. Ở cấp xã, có 1.441 cán bộ, 1.285 công chức, 3.526 người hoạt động không chuyên trách.

Từ thực tiễn tổng kết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiến nghị Trung ương nghiên cứu, tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức đảng bộ khối cơ quan cấp huyện; Ban Bí thư cần có quy định về tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của loại hình này. Bên cạnh đó, cần có quy định, chế tài cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức của Đảng, bộ, ngành Trung ương, cơ quan hành chính địa phương trong cải cách hành chính; đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 92 và 29 để địa phương có cơ sở thực hiện việc bố trí các chức danh và tinh giản biên chế đối với đội ngũ cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Ngoài ra, đề nghị Ban Bí thư nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quy định 183 theo hướng làm rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Ban Nội chính Tỉnh ủy trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; đề nghị nghiên cứu, xác định mô hình ban cán sự đảng, đảng đoàn vì thực tế hoạt động của các ban cán sự đảng, đảng đoàn lúng túng, không hiệu quả…


Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải có ý thức đổi mới phương thức lãnh đạo; các cơ quan tham mưu của Tỉnh ủy cũng cần đổi mới công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy; các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn cần hoàn thiện quy chế hoạt động. Ông Nguyễn Tấn Tuân giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp các ý kiến để báo cáo Trung ương.


N.D