05:02, 09/02/2019

Hẹn ước mùa xuân

Họ đi bên nhau những ngày cuối năm. Phố biển gió vẫn thổi về dào dạt trên những hàng dừa còn sót lại bên bờ kè đá. Nắng vẫn hào phóng chảy tràn khắp trời đất bao la. Người xe vẫn đan xen tấp nập trên đường. Bóng dáng họ lẫn trong dòng người ấy.

Họ đi bên nhau những ngày cuối năm. Phố biển gió vẫn thổi về dào dạt trên những hàng dừa còn sót lại bên bờ kè đá. Nắng vẫn hào phóng chảy tràn khắp trời đất bao la. Người xe vẫn đan xen tấp nập trên đường. Bóng dáng họ lẫn trong dòng người ấy. Người đàn ông tuổi chừng 70, dáng đi khó nhọc của tuổi tác, của một người đã từng bị tai biến. Người phụ nữ tóc bới gọn gàng cùng tà áo dài màu đỏ đô khuôn lấy dáng vóc còn lưu chút dấu vết thuở xuân thì thanh mảnh xa xưa. Họ nắm chặt tay nhau, đi dọc ven bờ biển, nơi hàng dừa nghiêng bóng che mát như đang lắng nghe những lời tâm tình họ thủ thỉ với nhau.

 


 Họ là hai đồng đội của đơn vị Thanh niên xung phong 931 và vừa mới gặp lại nhau sau gần 50 năm xa cách. Sau phút bổi hổi của cuộc gặp mặt, họ nắm chặt tay và đi bên nhau như trong một giấc mơ trên đường phố biển chiều nay.


Tháng 12-1965, cả nước hừng hực khí thế ra trận. Tại một xã nhỏ của tỉnh Thái Bình, đại đội thanh niên xung phong được thành lập. Trong đoàn quân ấy, có Tâm, cô gái vừa tròn 17 tuổi, với khuôn mặt sáng như trăng rằm bởi nụ cười tươi và đôi mắt đen láy. Cô đã viết đơn xung phong ra tiền tuyến. Và có cả Tuấn, chàng trai quê Hà Nội theo gia đình sơ tán về đây. Sau lễ ra quân tại huyện nhà, đại đội được huấn luyện cấp tốc một tuần tại Hòa Bình rồi hành quân vào Hàm Rồng, Thanh Hóa để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ con đường vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam của ta.


- Anh còn nhớ không? Ngày làm đường tránh Tào Xuyên, rồi Feribot Nam Ngạn, rồi lại Đò Lèn, bom đạn gầm rú suốt ngày, chúng mình đã thức thâu đêm để dọn đường, đắp thêm đường tránh… để đảm bảo giao thông, có khi làm thông cả 72 tiếng. Ngày ấy sao ai cũng khỏe thế nhỉ? Rồi lại còn những buổi học văn hóa của các bạn chưa học hết cấp 2 nữa.


- Ừ, lớp trưởng lớp 5A Lê Thị Tâm luôn học nhanh nhất, chăm học nhất, nhỉ!


- Anh lại trêu em. Ngày ấy em ham học vì bố mất sớm, nhà có năm chị em, em khao khát đi học vô cùng. Mà cũng vì thầy giáo dạy giỏi quá. Bà khẽ cười, ánh nhìn trẻ trung không ngờ.


- Anh nhớ lần đem cuốn “Thép đã tôi thế đấy” đến, em tinh nghịch giật lấy rồi chạy biến, anh đuổi theo. “Bùng” một cái, chúng mình bị đẩy sấp xuống giao thông hào. Lát sau mọi người lôi lên, chỗ khi nãy mình đứng là một hố bom sâu hoắm.


- Đúng vậy. Paven Coocsaghin đã cứu mạng chúng mình.


- Anh còn nhớ…


- Em nhớ là…


Ngày xưa cứ thế lần lượt được họ ôn lại. Gần hai năm cùng đồng đội lăn lộn ở cung đường đó, đại đội của ông bà đã hy sinh gần hai chục người. Những Thúy, Diệp, Thanh, Hùng… đều mới chớm đôi mươi và chưa có người yêu. Còn bà, cô lớp trưởng lớp bổ túc đã thầm yêu thầy giáo của mình nhưng vì e thẹn nên bà không dám nói ra. Còn ông cũng rung động. Nhưng chứng kiến cái sống cái chết cận kề, những gian khổ và cả sự hy sinh của đồng đội khi bảo vệ cung đường khiến ông nghĩ: “Chiến tranh như thế này, không biết sống chết như thế nào. Lỡ yêu mà có chuyện gì thì khổ cho người ở lại”, nên cũng cố kìm lòng lại mỗi khi gặp ánh nhìn chờ đợi từ đôi mắt trong veo của Tâm. Mùa xuân năm 1967, đơn vị có sự thay đổi. Một số cán bộ, chiến sĩ nam được điều động sang lực lượng bộ đội công binh, trong đó có Tuấn. Buổi chia tay, họ nắm chặt tay nhau. Tình yêu nồng nàn trong ánh mắt nhớ thương của Tâm. Chị đứng nhìn theo bóng anh khuất dần sau khúc ngoặt con đường đầy vết cày xới của bom Mỹ. Sau đó, chị được cử ra trường của Tổng đội Thanh niên xung phong ở Hà Nội để học tập; anh thì theo đơn vị vào tận chiến trường miền Đông Nam Bộ, rồi sang Campuchia. Chiến tranh khốc liệt, họ bị mất liên lạc với nhau nhưng tình yêu thầm lặng vẫn âm ỉ trong lòng. Có nhiều lần Tâm dò thông tin của Tuấn mà không được, mãi sau mới phong thanh nghe nói anh bị thương rất nặng và đã về Hà Nội cùng gia đình. Nghe thì nghe vậy, với chị, Hà Nội mênh mông, tìm được anh e là rất khó. Rồi có một người - cũng là bộ đội đã giải ngũ - thương yêu chị. Chị đã nhận lời làm vợ. Cuộc sống gia đình thời bao cấp đầy khó khăn nhưng có bàn tay tần tảo, khéo thu vén của chị rồi cũng tạm ổn. Trong một trận chiến đấu ác liệt tại chiến trường K, Tuấn bị thương nặng. Anh được ra Bắc chữa bệnh, rồi ra quân. Vết thương trên đầu với một mảnh đạn vẫn găm ở trong thường đau nhức mỗi khi trở trời. Anh thi và đậu Đại học Y khoa Hà Nội. Trong một lần cùng các bạn đi thực tế ở bệnh viện, anh gặp chị đang bế con đi chữa bệnh. Sững sờ anh hỏi:


- Em! Em bế con ai đấy?


- Dạ, con em, anh… Chị nghẹn ngào mãi mới thốt lên lời.


Đúng lúc đó, bác sĩ gọi anh vào để thực hành chẩn đoán, thăm khám bệnh nhân. Anh chỉ kịp vỗ vỗ lên bàn tay chị đang ôm con gái và nói vội:


- Anh phải vào học rồi. Gặp em sau nhé.


Vậy mà sau đó, bệnh của bé Trâm trở nặng, chị phải cho con chuyển viện cấp cứu rồi lại lo chữa bệnh cho con. Chồng chị cũng đổ bệnh theo. Ba má chồng ở Quảng Ngãi liền khuyên anh chị chuyển gia đình về quê sinh sống để ông bà gần gũi hỗ trợ. Vậy là chị về quê chồng và sống ở đó. Ba năm sau, vết thương cũ của chồng chị trở chứng nên anh đã ra đi. Hơn hai chục năm qua, Tâm vừa làm cha vừa làm mẹ cho con mình. Và giờ Tâm đã là bà ngoại. Có một ngày, khi bà đang ở chơi nhà con gái ở Nha Trang, con bé Na vừa đi học về đã hối hả:


- Bà ngoại ơi! Hôm nay có ông cựu chiến binh đến trường con nói chuyện. Ông ở Hà Nội vào…


- Sao? Cựu chiến binh ở Hà Nội? Tự nhiên bà thấy tim mình rộn lên khác thường.


- Vâng, ông Tuấn! Ông nói chuyện với mẹ con rồi nhắc đến bà ngoại. Ông nói…


Con bé còn líu ríu những gì nữa, nhưng bà không nghe hết. Là ông thật ư?


…Vậy nên họ gặp nhau ở đây, thành phố biển thơ mộng và hiền hòa này. Và câu chuyện của họ cứ rỉ rả suốt dọc đường. Sau lần gặp bà và con gái đó, hết buổi hội chẩn, ông quay ra thì mẹ con bà đã chuyển viện do cô bé phải cấp cứu. Ông bận rộn nên mấy tháng sau mới đến địa chỉ nhà bà còn lưu lại trong bệnh án. Nhìn thấy người đàn ông bế con gái đi trong sân, ông quay về với ý nghĩ “Cô ấy đã có một gia đình êm ấm”. Ông tiếp tục học lên, rồi thành Trưởng khoa Tim mạch của một bệnh viện có tiếng. Mải mê sự học, ông vẫn đi về cô quạnh một mình, cho đến khi nghỉ hưu.


Tiễn ông về khách sạn, nơi đoàn cựu chiến binh thành phố đang nghỉ ngơi, bà lại nắm tay ông. Nhìn sâu vào mắt người thầy giáo năm nào của mình, bà nói khẽ:


- Trời khuya có gió lạnh đấy. Ông nên giữ gìn sức khỏe.


- Bà yên tâm đi! Biết bà ở đây rồi, chuyến này quay ra thu xếp mấy việc xong, Tết tôi sẽ vào đây nữa. Vẫn còn kịp mùa xuân, Tâm nhỉ?


- Vâng! Anh Tuấn!


Tự nhiên cả hai người cùng gọi tên nhau như mùa xuân năm nào họ đã gọi. Biển vẫn dào dạt từng con sóng ngoài kia như phụ họa với ông bà.


. Truyện ngắn của Bích Thiêm