04:02, 04/02/2019

Chú trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững

Trước thềm năm mới 2019, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho Báo Khánh Hòa cuộc trao đổi đầu xuân về một số thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật trong năm 2018, cũng như định hướng phát triển của tỉnh năm 2019 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm.

Trước thềm năm mới 2019, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã dành cho Báo Khánh Hòa cuộc trao đổi đầu xuân về một số thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật trong năm 2018, cũng như định hướng phát triển của tỉnh năm 2019 với mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm.

 

 - Thưa ông, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2018 là thực hiện việc khắc phục hậu quả nặng nề của cơn bão số 12 diễn ra vào cuối năm 2017. Xin ông cho biết công tác này đã đạt được những kết quả như thế nào?

 

-  Ngày 4-11-2017, cơn bão số 12 đổ bộ vào Khánh Hòa gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, tổng thiệt hại toàn tỉnh ước 14.700 tỷ đồng, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018. Để khắc phục hậu quả nặng nề đó, toàn hệ thống chính trị của tỉnh và người dân đã không ngừng nỗ lực khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Trước hết, đối với công tác hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách, hộ có hoàn cảnh khó khăn có nhà sập, hư hỏng, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 54 tỷ đồng để hỗ trợ 7.179 nhà sập, nhà hư hỏng nặng và hư hỏng rất nặng. Đối với những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã tạm ứng ngân sách tỉnh với tổng kinh phí hơn 264 tỷ đồng để chi cho các địa phương hỗ trợ người dân bị thiệt hại thuộc lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản). Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét, cho phép chi từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ cho các hộ nuôi lồng, bè bị thiệt hại trên biển do cơn bão số 12 không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định Nghị định số 02/2017 với tổng số 2.366 hộ và mức hỗ trợ là 7 triệu đồng/hộ.

 

 

Về sửa chữa các công trình y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi, trụ sở cơ quan, hạ tầng kỹ thuật khác, nguồn vốn đầu tư công cấp tỉnh quản lý đã phân bổ hơn 648 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương hỗ trợ 260 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, khắc phục các công trình bị thiệt hại do cơn bão số 12 và mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh. Hầu hết các địa phương, đơn vị đã hoàn thành công tác sửa chữa, khắc phục các công trình. Việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 12 của ngành Ngân hàng đã được các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh chủ động phối hợp với UBND các cấp lập biên bản xác định thiệt hại do thiên tai và giá trị vốn vay bị thiệt hại để lập hồ sơ đề nghị khoanh nợ. Rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại do mưa bão, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp khách hàng khôi phục và ổn định sản xuất như: đã cho vay mới khôi phục sản xuất 1.433 khách hàng, với số tiền 1.271 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 429 khách hàng, với số tiền hơn 436 tỷ đồng; miễn giảm lãi suất cho 48 khách hàng cá nhân, với số tiền hơn 1 tỷ đồng… Đến thời điểm này, có thể nói công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 12 đã cơ bản hoàn thành. Các tổ chức, cá nhân đã dần ổn định sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão đã từng bước được cải thiện.


- Năm 2018 được xem là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn 2015 - 2020. Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực kinh tế - xã hội tỉnh thời gian qua?


- Năm 2018, mặc dù gặp nhiều khó khăn phát sinh do thiên tai xảy ra vào thời điểm cuối năm, ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo của toàn dân, toàn quân trong tỉnh; sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương; sự nỗ lực, phấn đấu của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018. Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2018 tăng 7,02% so cùng kỳ năm trước (Nghị quyết HĐND tỉnh là 3 - 3,5%). Trong đó, GRDP theo ngành kinh tế tăng 7,06% (Nghị quyết HĐND tỉnh là 6,5-7%); GRDP bình quân đầu người ước đạt 62 triệu đồng (Nghị quyết HĐND tỉnh là 59,8 triệu đồng). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2018 ước tăng 7% so cùng kỳ năm trước (Nghị quyết HĐND tỉnh là 6,5%). Một số sản phẩm chủ yếu có chỉ số sản xuất năm 2018 tăng so với cùng kỳ như: đường các loại tăng 29,83%; đóng tàu thuyền tăng 27,27%; nước yến và nước bổ dưỡng khác tăng 40,41%... Hoạt động thương mại ở địa phương phát triển sôi động và tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh ước đạt 95.000 tỷ đồng, tăng 12,85% so cùng kỳ năm trước. Ngành Du lịch tiếp tục phát triển với doanh thu hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh ước được 21.524 tỷ đồng, tăng 20,73% so cùng kỳ năm trước. Khách lưu trú ước được 6,338 triệu lượt, tăng 16,73%; trong đó khách quốc tế ước được 2,787 triệu lượt, tăng 37,83% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước được 1.300 triệu USD tăng 10,59% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước được 770 triệu USD, tăng 10,79% so cùng kỳ năm trước. Năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều tăng so cùng kỳ năm trước. Trong năm không có xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Toàn tỉnh đã thu hút được 35 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 6.691 tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.699 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 18.200 tỷ đồng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước được 41.200 tỷ đồng, tăng 12,1 % so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước ước được 22.062 tỷ đồng, tăng 8,8% so cùng kỳ năm, bằng 150,4% dự toán Trung ương giao.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Tỉnh đã khai trương và đưa vào hoạt động Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đã phối hợp tổ chức tốt Chương trình đối tác Thái Bình Dương (PP18); tổ chức thành công chương trình xúc tiến du lịch Khánh Hòa tại Hàn Quốc và Hội nghị xúc tiến đầu tư, du lịch, thương mại Nha Trang - Khánh Hòa tại Nhật Bản…; việc thực hiện 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh đã và đang được triển khai, bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực ở khu vực nông thôn, miền núi, đô thị cũng như đối với đội ngũ nhân lực của địa phương; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số PCI tăng 1 bậc (từ vị trí 24 lên vị trí 23/63 tỉnh, thành); công tác cải cách hành chính có chuyển biến rõ nét tăng 6 bậc (từ vị trí 12 lên vị trí 6/63).


- Tuy đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn, thách thức. Trong năm 2019, tỉnh sẽ có định hướng như thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?


- Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trước hết, ngành nuôi trồng thủy sản được xem là một thế mạnh của tỉnh đang thiếu vốn đầu tư, chi phí nguyên liệu tăng cao nên sản lượng nuôi trồng thủy sản giảm so với cùng kỳ. Chúng ta còn lúng túng trong công tác quản lý hoạt động thanh toán điện tử đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch nước ngoài qua thiết bị POS di động, qua mã phản hồi nhanh (QR code) do chưa có giải pháp quản lý công nghệ và quy định pháp luật cụ thể đối với hình thức thanh toán này. Lượng khách du lịch tăng trưởng nóng đã dẫn đến một số hệ lụy ảnh hưởng tới đời sống xã hội như: tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường tại các giờ cao điểm ở TP.Nha Trang; giá tiêu dùng tăng cao. Trong năm 2018 cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại về tài sản. Vấn nạn khai thác tài nguyên, khoáng sản (đất, cát, lâm sản) trái phép vẫn còn diễn ra tại một số địa phương, chưa có giải pháp để xử lý triệt để. Công tác tuyên truyền, ứng phó với lũ lụt còn hạn chế dẫn đến hậu quả nhiều người bị chết vì lũ lụt trong cơn bão số 8, thiệt hại rất lớn về tài sản của người dân và doanh nghiệp.


Bước vào năm 2019, là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020), là Năm Du lịch Quốc gia Nha Trang - Khánh Hòa, đồng thời triển khai thực hiện nhiều chủ trương lớn của Trung ương. Tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Chính phủ về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Chú trọng tăng trưởng chất lượng; nâng cao năng suất lao động; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển khoa học công nghệ, phát huy đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh khởi nghiệp.


Bên cạnh đó, nỗ lực phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước tăng 6,5 - 7%, trong đó GRDP theo ngành kinh tế ước tăng 7 - 7,5%%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 67,57 triệu đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6 - 6,5%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.350 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước trên địa bản tỉnh ước đạt 16.795 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 46.200 tỷ đồng…


- Thưa ông, để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh sẽ tập trung các giải pháp chính yếu nào?


- Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Triển khai có hiệu quả Đề án các cơ chế, chính sách của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 sau khi được ban hành, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; thu hút đầu tư tại Cụm công nghiệp sông Cầu, Trảng É, Khu công nghiệp Ninh Thủy, Khu công nghiệp Diên Phú. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư lĩnh vực công nghiệp; hướng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, đạt trình độ tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức cạnh tranh của sản phẩm và hàng hóa xuất khẩu.


Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, theo hướng sẽ chuyển giao, nhân rộng những mô hình tái cơ cấu thành công, kinh nghiệm hay để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm và ứng dụng. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá thương hiệu, giới thiệu thông tin về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đến khách hàng. Tổ chức tốt Năm Du lịch quốc gia 2019 và Chương trình Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2019. Tăng cường các giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.


Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trong ngân sách và ngoài ngân sách, phấn đấu hoàn thành cơ bản và đưa vào khai thác một số công trình trọng điểm, công trình đường băng số 2, thông tuyến Nguyễn Thiện Thuật, Tô Hiến Thành và các nút giao thông kết nối vào khu sân bay Nha Trang, các dự án khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, dự án nhà ở, khu đô thị tại TP. Nha Trang; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.


Xin cảm ơn ông!


Nhân Tâm (Thực hiện)