Tiểu thuyết Tây Du ký của Ngô Thừa Ân từ bao đời nay được lớp lớp độc giả Việt Nam say mê đón nhận. Hai nhân vật Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới như là hai phẩm chất, hai mặt đối cực của con người, đó là chất anh hùng nghĩa hiệp bên cạnh những ham muốn bản năng.
Tiểu thuyết Tây Du ký của Ngô Thừa Ân từ bao đời nay được lớp lớp độc giả Việt Nam say mê đón nhận. Hai nhân vật Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới như là hai phẩm chất, hai mặt đối cực của con người, đó là chất anh hùng nghĩa hiệp bên cạnh những ham muốn bản năng. Nếu không có nhân vật Trư Bát Giới ham ăn, háo sắc, khôn vặt… Tây Du ký sẽ tẻ nhạt biết chừng nào.
Tây Du ký càng trở nên gần gũi, sinh động với bạn đọc Việt Nam hơn khi đầu những năm 1990, tivi phát sóng bộ phim Tây Du ký 25 tập do Đài Truyền hình Trung Quốc chuyển thể, dàn dựng mà người ta quen gọi là bản năm 1986 để phân biệt với những phim sau này. Hình ảnh chàng ngốc Trư Bát Giới dưới hình hài chú heo mõm dài, tai rộng, bụng bự trở nên quá sinh động, quá hấp dẫn nhờ tài diễn xuất của diễn viên Mã Đức Hoa. Những hình ảnh về 4 thầy trò Đường Tăng của bộ phim này đã trở thành khuôn mẫu, ăn sâu vào tâm thức của mọi người, những phim sau này khó có thể vượt qua.
Các nhà phê bình cho rằng, Ngô Thừa Ân xây dựng hình ảnh bốn thầy trò Đường Tăng là biểu tượng cho nhân sinh. Đường Tăng là đại diện tinh thần tích cực hướng tới tương lai, Tôn Ngộ Không là đại diện cho sức mạnh và trí tuệ, Sa Tăng là sự chân thành, kiên nhẫn. Trong khi đó, Trư Bát Giới là đại diện của dục vọng và lòng tham của con người, những tâm tính bản năng khuất sâu trong con người chỉ chờ dịp là nổi dậy.
Từ đầu tới cuối tác phẩm, Tôn Ngộ Không là nhân vật anh hùng, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, đấu tài đấu trí, hàng yêu phục ma. Sa Tăng cần mẫn, trung hậu nhưng như một cái bóng mờ nhạt. Trư Bát Giới là nhân vật phức tạp nhất, nhiều chất “người” nhất, kể cả tính tốt lẫn tính xấu và là nhân vật sinh động nhất trong tác phẩm. Trong suốt chặng đường đến Tây Trúc đã gây cho người xem các trận cười thoải mái. Đích thị đó là một anh nông dân với thấp thoáng bóng của chính ta, qua cách nghĩ, cách hành xử rất chất phác, khôn vặt, tham ăn, tham ngủ, háo sắc... dù dưới cái lốt hòa thượng và đi đến tận Lôi Âm để diện kiến Phật tổ. Đến ngay cả vũ khí của y cũng được tác giả cho vác cây đinh ba, một nông cụ quen thuộc của nhà nông dù cho có vẽ rồng vẽ rắn về bảo bối nọ kia.
Dẫu cho xuất thân của Trư Bát Giới là Thiên bồng nguyên soái cai quản tám vạn thủy binh trên sông Thiên hà, nhân hội Bàn Đào say rượu trêu ghẹo Hằng Nga, bị Thượng đế xử tội chết nhưng sau lại “tha chết đánh cho hai nghìn chùy... phóng sinh đuổi khỏi chốn thiên cung...” thì suốt tác phẩm, Trư là một anh nông dân chính cống. Xuất gia theo sư phụ thỉnh kinh mà lòng Trư Bát Giới vẫn nặng trĩu chuyện vợ con, y dặn bố vợ “trông nom nhà con cẩn thận, hễ lấy không được kinh, con lại hoàn tục về nhà làm ăn như trước...” làm mọi người không khỏi phì cười. Có lẽ chính vì lý do này mà mỗi khi Đường Tăng gặp nạn, Trư Bát Giới chuyên bàn lùi và nằng nặc đòi chia tài sản để về nhà.
Nếu suốt chặng đường Tây du thỉnh kinh Phật, chỉ toàn những chuyện Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại hàng phục yêu ma, dám lên tận Thiên đình, xuống Long cung hay diện kiến Phật tổ để vạch trần chân tướng đám yêu ma... thì chắc là tẻ nhạt lắm. Phải có những phút giây rất “đời thường” của chàng Trư, những lời nói cục mịch, những hành xử ngốc nghếch mà cười chảy nước mắt… cuộc hành trình thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng mới cuốn hút thế gian đến thế. Bao nhiêu tai họa mà thầy trò gặp phải bắt đầu bởi thói tham ăn, háo sắc của chàng ngốc. Có ai nhịn được cười khi thầy trò đến Quán Ngũ trang của đạo sĩ Trần Nguyên Tử, Ngộ Không đi ăn trộm 3 trái nhân sâm về chia nhau, chàng Trư vội đút tọt vào miệng nuốt chửng, chả kịp nhận ra mùi vị, lèm bèm nài xin thêm nên mới vỡ lở chuyện. Làm sao mà không mỉm cười khi suốt cả hành trình gian khó, chàng Trư luôn đâm thọc, nói thêm nói bớt với sư phụ để sư huynh bị trách phạt nặng hơn, rồi quay đi che mõm cười khi thấy sư phụ khẩn Cô nhi chú làm sư huynh đau lăn lộn.
Chàng ngốc thật thà, khôn vặt đến tận phút chót của tác phẩm. Khi thầy trò thành chính quả, được Như Lai Phật tổ phong thành Phật, còn chàng ngốc chỉ là Tịnh đàn Sứ giả vì “tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết...”, Bát Giới cũng chỉ biết lầu bầu: “Mọi người đều thành Phật, tại sao mỗi mình con là Tịnh đàn Sứ giả?”. Khi nghe Phật tổ giải thích đại ý: Nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp nơi trong 4 đại châu người theo Phật rất đông, cúng dường nhiều, làm chức này chính là chức phẩm được ăn uống nhiều… là chàng ngốc tươi tỉnh trở lại ngay.
Con người khó thoát khỏi vòng tục lụy tham, sân, si. Hình ảnh chàng ngốc như một triết lý nhân sinh về đời người. Con người dẫu ở phương Đông hay phương Tây, bên cạnh những phẩm chất trí tuệ cao quý vẫn còn đó những dục vọng bản năng, có như vậy mới là con người. Chính vì thế mà nhân vật Trư đã khiến cho Tây Du ký “đời” hơn, gần gũi hơn và cuốn hút hơn.
Với riêng tôi, Tây Du ký mãi là hình ảnh chàng ngốc thật thà, áo phanh bụng, vai vác bồ cào, hớn hở dắt ngựa cho sư phụ trong tiếng nhạc “Đường thiên trúc còn quá xa, Bao khó khăn ta vượt qua…”.
Thủy Ngân