Mỗi vùng đất luôn có những lời hát, vần thơ khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên, hồn cốt văn hóa đã được gìn giữ qua bao thăng trầm của thời gian. Có nhiều bài hát hay về miền thùy dương cát trắng, nhưng nói đến Nha Trang là phải nhắc đến bộ 3 ca khúc: Nha Trang, Nha Trang ngày về, Nha Trang mùa thu lại về đã làm say lòng người từ bao năm tháng!
Mỗi vùng đất luôn có những lời hát, vần thơ khắc họa vẻ đẹp thiên nhiên, hồn cốt văn hóa đã được gìn giữ qua bao thăng trầm của thời gian. Có nhiều bài hát hay về miền thùy dương cát trắng, nhưng nói đến Nha Trang là phải nhắc đến bộ 3 ca khúc: Nha Trang, Nha Trang ngày về, Nha Trang mùa thu lại về đã làm say lòng người từ bao năm tháng!
Bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp
“Nha Trang là miền quê hương cát trắng. Có những đêm nghe vọng lại. Ầm ầm tiếng sóng xa đưa. Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát. Hương quê dâng lên ngào ngạt, hòa cùng sức sống yên vui…”. Đó là những ca từ trong sáng của ca khúc Nha Trang của Minh Kỳ - Hồ Đình Phương. Lớn lên ở miền thùy dương cát trắng, nhạc sĩ Minh Kỳ (tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Mỹ, sinh năm 1930 tại Nha Trang) đã từng đắm mình trong tiếng sóng biển, trong ánh nắng vàng xứ sở. Thế nên, khi bén duyên với âm nhạc, người nghệ sĩ gốc hoàng tộc ấy đã dành nhiều tâm sức để viết những bài hát ngợi ca vẻ đẹp của quê hương, trong đó ca khúc Nha Trang được nhiều người yêu thích hơn cả. “Còn đâu những chiều vui xưa. Còn đâu những chiều say sưa. Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông. Còn đâu Tháp Bà êm mơ. Còn đâu đá Chồng bơ vơ. Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ”. Những ca từ trong sáng, tả cảnh đẹp thơ mộng của Nha Trang được chuyển tải bằng giai điệu nhẹ nhàng, du dương như làn sóng biển êm đềm đã mời gọi lữ khách đến với xứ Trầm hương. Nhạc sĩ đã khép lại ca từ thiết tha, dịu ngọt: “Ai ơi người về cho ta nhắn với. Nha Trang quê hương dịu hiền, ngàn đời lòng tôi mến yêu”.
Hơn 60 năm qua, ca khúc Nha Trang đã trở thành bài hát nằm lòng với người dân, du khách yêu mến thành phố biển. Còn nhớ, trong đêm khai mạc Festival Biển Nha Trang - Khánh Hòa 2015, ca sĩ Đức Tuấn đứng trên chiếc xe mô hình chiếc thuyền chạy ngang Quảng trường 2-4 để cất lên lời hát ngợi ca “Nha Trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát” làm say lòng bao khán giả.
… nơi khắc ghi cuộc tình
Nếu như Nha Trang là một bức tranh thiên nhiên thơ mộng, Nha Trang ngày về của Phạm Duy là hoài niệm về mối tình đã qua. “Nha Trang ngày về. Mình tôi trên bãi khuya, tôi đi vào thương nhớ, tôi đi tìm cơn gió, tôi xây lại mộng mơ năm nào. Bờ biển sâu, hai đứa tôi gần nhau. Đêm xưa biển này, người yêu trong cánh tay. Đêm nay còn cát trắng, đêm nay còn tiếng sóng...”. Những lời ca ấy đã in vào lòng người nên thật khó để không nhắc đến tình khúc này khi nói đến mối lương duyên giữa Nha Trang và âm nhạc.
Nha Trang ngày về được Phạm Duy viết năm 1969 tại thành phố biển. Từ trước đến nay, không ít người yêu nhạc nói chung và người xứ Trầm hương nói riêng đã muốn biết về “hình bóng giai nhân” đằng sau ca khúc để đời này. Còn nhớ, trong lần nhạc sĩ Phạm Duy về giao lưu tại Nhà sách Phương Nam Nha Trang, có khán giả ái mộ hỏi về vấn đề này, nhưng nhạc sĩ chỉ hé lộ đó là ca khúc nằm trong loạt tình ca một mình của ông. Mãi về sau, khi nhạc sĩ Phạm Duy cho xuất bản hồi ký, bạn đọc mới biết đó là ca khúc ông viết để tưởng nhớ Alice - người tình, tri kỷ một thời của ông.
Theo hồi ức của Phạm Duy, giữa nhạc sĩ và Alice có một tình yêu khá trong sáng, theo kiểu tri âm tri kỷ nhiều hơn là bạn tình. Trong suốt 10 năm trời, họ thường gặp nhau hàng tuần, mỗi lần gặp nhau họ thường nói chuyện về thơ, nhạc. “Tôi cố gắng để tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là trinh nữ khi xa rời tôi để về nhà chồng. Là một nghệ sĩ, tôi cần tình yêu để sáng tác, giống như con người cần khí trời để thở.”, nhạc sĩ viết.
Mối tình sâu nặng với Alice, cùng những cảm xúc khi trở về phố biển đã hội tụ thăng hoa thành một trong những tình khúc hay nhất nhạc sĩ Phạm Duy. Nhiều nghệ sĩ đã thành công với Nha Trang ngày về, nhưng có lẽ không ai hát hay hơn Ngọc Lan - người ca sĩ lớn lên ở thành phố biển. Tiếng hát thần sầu của Ngọc Lan như làm sâu thêm những cung bậc cảm xúc vốn đã chất chứa trong khúc ca hoài niệm này!
Ca khúc của mùa thu cách mạng
Đỉnh cao trong các nhạc phẩm viết về thành phố biển là Nha Trang mùa thu lại về của nhạc sĩ Văn Ký. “Ơi nha Trang mùa thu lại về. Trong nụ cười và trong tiếng hát say mê. Cờ đỏ tung bay cuộc đời mới. Buồm căng gió lộng thuyền ra khơi xa. Biển quê ta rộng mở chân trời”. Những lời ca rạo rực, say mê ấy đã đi vào lòng người suốt mấy chục năm qua; trở thành niềm tự hào của người dân xứ Trầm hương.
Trong chương trình Giai điệu tự hào tháng 9-2016, nhạc sĩ Văn Ký cho biết, sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975 khoảng 3 tháng, ông có một chuyến đi xuyên Việt. Khi đến Nha Trang, vẻ thơ mộng, thanh bình của thành phố biển đã khiến ông trào dâng cảm xúc. Ấn tượng đó theo mãi đến năm 1977 đã thăng hoa, kết tinh thành ca khúc Nha Trang mùa thu lại về. Giai điệu đẹp, lời ca mượt mà nên ca khúc nhanh chóng được khán, thính giả cả nước yêu mến. Nha Trang mùa thu lại về! Mùa thu ở đây không phải chỉ nói về mùa thu của thiên nhiên, mà là mùa thu cách mạng của cả một đất nước, một mùa thu đã làm thay đổi số phận của cả một dân tộc. “Mùa thu sang, em cùng anh lên đường. Đi xây dựng mảnh đất quê hương. Theo nhịp bước của đoàn quân chiến thắng”... “Tôi mượn Nha Trang để nói lên một giai đoạn mới của cuộc đời, của cách mạng. Ở đây cái riêng đã hòa vào cái chung, trái tim của tôi đã rung lên cùng với cuộc đời, với đất nước…”, nhạc sĩ Văn Ký bày tỏ trong chương trình Giai điệu tự hào. Hơn 40 năm qua, Nha Trang mùa thu lại về đã trở thành ca khúc nằm lòng với người dân Nha Trang cũng như những ai yêu mến mảnh đất này.
Một mảnh đất sẽ cằn khô và nghèo đi nếu không có những tác phẩm nghệ thuật đồng hành theo lịch sử của mình. Nha Trang - Khánh Hòa thật hạnh phúc khi có những tác phẩm âm nhạc đặc sắc như: Nha Trang, Nha Trang ngày về, đặc biệt là Nha Trang mùa thu lại về - bản hòa ca đầy sức sống của thiên nhiên và lòng người.
Xuân Thành