01:02, 19/02/2018

Tết của người già

Tết này chưa qua, ba đã bảo năm sau ba muốn về quê ăn Tết.

Tết này chưa qua, ba đã bảo năm sau ba muốn về quê ăn Tết.


Ấy là bởi ba bắt gặp phút giây chộn rộn của cả nhà người bạn hàng xóm trẻ hơn mình một giáp chuẩn bị khăn gói về quê ăn Tết. Ông bạn hàng xóm kể, giữa năm vừa rồi về quê giỗ mẹ, thủ thỉ bên cha, cha bảo có cuốn sổ tiết kiệm gần 200 triệu đồng. Tết này ông cụ không gửi ngân hàng lấy lãi nữa mà rút ra thêm tiền cho thằng Năm mua chiếc xe tải để làm ăn. Còn dăm chục góp vào cho thằng Tư nâng nền nhà, bởi đợt triều cường vừa rồi chỉ còn mỗi nhà nó lội bì bõm, xung quanh người ta nâng nền hết rồi. Nghe cha già nhắc đến Tết này, ông bạn thấy lòng nao nao. Cũng chỉ là một chuyến bay thôi. Một chuyến bay cho nguôi ngoai những hồi cố của tuổi già, những trông ngóng của cha, cho anh em, cháu con tụ hội trong mấy ngày Tết. Vậy nên khi nghe con gái út nói năm nay trường cho nghỉ sớm và dài ngày, mới giữa tháng 10 âm lịch, ông đã đặt vé máy bay cho cả nhà 4 người về quê, từ 23 Tết. Một ông già tuổi sắp 60 về quê ăn Tết với cha già cũng đã chạm ngưỡng 97 tuổi. Khỏi phải nói ông cụ mừng vui đến cỡ nào. Rồi thì tui với bà nhà cùng các con sẽ thay cha về Duy Tiên thăm bên ngoại; xuống Hà Nội thăm các chú nay cũng chạm ngưỡng 90; về Hưng Yên thắp nén nhang cho người anh đã hy sinh ở nghĩa trang dòng họ, cho các con biết tổ tông, nguồn cội. Rồi cả nhà sẽ lang thang trên các con phố lạ ngày giáp Tết, với những gương mặt người cũng rộn rã như mình, trong sắc thắm của những cành đào, chậu cúc. Tui sẽ lại cùng anh trai gói những chiếc bánh chưng xanh, chồng vợ cháu con quây quần bên cha trong đêm giao thừa, nghe cha kể chuyện Tết xưa... Tết của một thời gian khó những năm đầu 80, thuở mẹ vẫn còn. Những cái Tết bôn ba nơi xứ lạ khi cha có năm ở với đứa này, năm ở với đứa kia, chẳng năm nào niềm vui được trọn...


Trong ý nghĩ của ông bạn, Tết trong mấy ngày tới của gia đình mình sẽ là như thế, là sự sum vầy mà ở tuổi gần đất xa trời ấy của ông cụ, biết ông có bao nhiêu lần được đón Tết bên cha già như thế nữa!


Không biết trong ý nghĩ của ba, Tết quê trong 365 ngày tới có khác mấy không? Ba giờ đã trải qua 70 năm cuộc đời. Gần 40 chục năm xa quê, Tết quê đến với ba cũng chỉ đôi lần. Ba nhớ lắm chứ, cuối thập niên 80, ba dẫn đứa con gái út mới 2 tuổi đầu về Tết. Cái thời đói khổ ấy, rét mướt, tàu dừng ở ga xép lúc tờ mờ sáng, cách nhà còn mấy chục cây số, ba chẳng biết loay hoay thế nào, cứ bế con đang ngủ trên tay đi dọc đường tàu. May sao gặp nhóm công nhân đường sắt cho hai cha con ngủ nhờ trong lán trại, với nắm cơm lót lòng, rồi cha lại bồng con xuôi theo đường tàu ra lộ bắt xe về xóm nhỏ. Về đến nhà, cả nhà vừa mừng vừa thương hai cha con đường xa lặn lội trong gió rét. Lần gần đây nhất ba về cũng dễ chừng 15 năm rồi, ngày còn ông bà nội. Còn lại mấy chục năm, Tết nơi phố thị nối Tết ở quê chỉ là ít phút hỏi thăm người này người nọ ngày tất niên, hay mấy câu chúc Tết đêm giao thừa qua những cú điện thoại. Để rồi những ngày cuối tháng Chạp, nghe vợ chồng con cái nhà hàng xóm chộn rộn áo xống, quà cáp cho cái Tết quê, ba nghe trong mình có những điều thật lạ.


Ừ thì năm sau ba sẽ về. Về căn nhà nhỏ bên sông có con ngõ dài đầy lá rụng, nghe con Mực sủa inh lên, rồi thì thể nào cũng có một mái đầu bạc ra ngõ đón bước chân người về. Để những ngày giáp Tết, ba sẽ lại cùng chị, nay cũng chạm ngưỡng 75 ra chợ làng như ngày nào mấy chị em lon ton theo mẹ; sẽ lại cặm cụi gói dăm cái bánh chưng, cây giò. Bao năm ở phố đấy, nhưng chưa năm nào ba quên gói bánh chưng, làm cây giò ngày Tết. Cũng nếp cái hoa vàng mua ở công ty lương thực, cũng thịt mỡ, đậu xanh, cũng cả buổi ngồi rửa lá dong, chẻ lạt, gói gói nắn nắn cho chiếc bánh vuông tròn. Ở quê, chắc chiếc bánh ba gói sẽ xanh hơn, ngon hơn bởi gói cả tình người tình quê trong đó. Cặp gà cúng tất niên đã có cô Út đem lên. Thịt bò, thịt dê có đứa em kề ba trên thị xã mang về. Cành đào, bánh mứt có khi là chú Tư cả nhà dâu rể từ Hà Nội chở về trên chiếc xe con mua mấy năm nay. Rau thì đầy một vườn nhà. Ba sẽ muối thêm hũ hành ngâm nữa thế là đủ đầy. Ngày Tết, thể nào mấy chị em cũng làm món hành hương của má ngày xưa. Ấy là món ăn má làm từ hành tăm trụng, cuộn kèm miếng thịt ba chỉ, tôm luộc, trứng rán, giò lụa, tất cả đều thái sợi, thêm cọng rau mùi, húng cho bắt mắt. Nhìn miếng ăn xắp đều trong đĩa như một đóa hoa nhiều màu sắc với màu đỏ của tôm, vàng của trứng, xanh của hành. Gắp một miếng mà vị ngọt của hành, của thịt, tôm, trứng cứ quyện vào nhau. Tiếc là hồi xưa đói khổ, mãi những năm sau này má mới làm món ấy. Có phải má biết thể nào trong những đứa con của má cũng có đứa đi xa mà làm món hành hương như nhắn nhủ các con đi đâu rồi cũng phải biết về lại cố hương. Cái nghèo cái đói giờ cũng qua rồi nhưng ba chẳng bao giờ quên, để món xưa má làm giờ vẫn hiện hữu trong mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà những ngày Tết.


Tết ở xóm nhỏ ấy chắc chẳng có chậu cúc mâm xôi như ở trong này, cũng chẳng có chậu mai cứ vàng hoa nhiều năm nay ba nhờ một người bạn đồng hương mát tay chăm hộ, hay bao loài hoa lạ rực rỡ sắc màu từ ngoài cổng đến trong nhà như ở phố. Có chăng chỉ mấy chậu vạn thọ nhỏ, cây bông trang, vài màu hoa dại trước vườn nhà hay chậu hồng bạch đặt trên cái sân tường bám đầy rêu phong ấy như một thời Tết cũ trong ba vẫn chưa xa.


Tết ở xóm nhỏ ấy cũng chẳng có pháo hoa đâu để người ta cùng nhau đổ ra đường trong đêm trừ tịch, cũng không có bữa tiệc đón giao thừa ở các tầng cao của các khách sạn, cao ốc; đường phố giăng đầy đèn led đủ kiểu, đủ màu. Ở đó chỉ có những gương mặt người đã sạm màu sương gió, dâu rể, cháu con đề huề, móm mém nói cười bên nhau trong ngôi nhà nhỏ nhìn ra sông. Họ cứ thế lặng ngắm những gương mặt thân quen giờ đã không còn trẻ nữa mà tự hỏi mình còn được bao nhiêu lần như thế trong đời. Mặc cho ngoài kia với cái giá lạnh tê người của ngày Tết xứ Bắc, mặc dòng sông nước đục với dập dềnh lục bình trôi dạt vào tận bến, mặc tiếng gió rít qua khóm tre còn sót lại bên bến sông cứ ăn dần vào mảnh vườn trước nhà, bao hương vị Tết xưa ùa về trong mỗi người già. Những Tết xưa thuở còn mẹ cha, mấy anh em xúm xít quanh nồi bánh chưng, chảo mứt, xúm xít theo chân mẹ đi chợ Tết, hay Tết một thời ở chiến trường ác liệt, Tết đầu tiên xa nhà nơi mảnh đất phương nam đầy nắng gió…


Mà có khi trong mường tượng của một người già là ba, Tết quê ấy chỉ đơn giản là phút mừng mừng tủi tủi bên người chị, người em bao lâu nay chỉ gặp nhau qua giọng nói vọng ra từ chiếc điện thoại, nay đón một người đi xa trở về; là cái cảm giác có một nơi, một mái nhà ấm áp để trở về sau năm dài tháng tận nơi xa.


Tôi bây giờ cũng ở vào ngưỡng tuổi của ba thời đó, chỉ khác là từ nhỏ đã luôn có ba má kề bên, không phải một mình bôn ba nơi xứ lạ như ba. Nhưng tôi thấm chứ, 2 chữ trở về trong những ngày Tết, từ thuở đi học xa nhà nôn nao những ngày giáp Tết về với ba má, từ cái mạch đời cứ lặng lẽ thấm vào mình khi nhìn những đứa con tha hương nào đấy trong nỗi ngùi ngùi đặt chân lên mảnh đất quê nhà.


Ừ thì năm sau ba sẽ về. Để trước mắt tôi ẩn hiện một cái Tết quê bình dị trong 365 ngày nữa, trong những nôn nao chờ đợi của một người già.


ĐĂNG QUỲNH