Đó là Văn Tấn Hoàng Vỹ - chàng trai 8X, cựu học sinh Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang). Van Houston - trường do Vỹ mở theo mô hình "after school" mới được hơn 2 năm đã trở thành một địa điểm kết nối những thế hệ người Việt ở Mỹ…
Đó là Văn Tấn Hoàng Vỹ - chàng trai 8X, cựu học sinh Lê Quý Đôn (TP. Nha Trang). Van Houston - trường do Vỹ mở theo mô hình “after school” mới được hơn 2 năm đã trở thành một địa điểm kết nối những thế hệ người Việt ở Mỹ…
1. 10 giờ tối bên Houston, Vỹ online nói chuyện với tôi. Thật bất ngờ và thú vị khi biết Vỹ chính là em trai của Văn Đinh Hồng Vũ - nhân vật trong bài viết “Ước mơ của Vũ” trên Đặc san Xuân Khánh Hòa năm 2017, cô gái đạt giải cao nhất tại một cuộc thi dành cho ngành công nghiệp sáng tạo lớn nhất nước Mỹ với sản phẩm là phần mềm ứng dụng dạy phát âm tiếng Anh. Cũng học giỏi như chị, năm lớp 10 Vỹ đã giành học bổng du học Anh. Tốt nghiệp trong top 3 khoa toán tại ngôi trường danh tiếng hàng đầu Anh quốc Imperial College London, Hoàng Vỹ bắt đầu sự nghiệp dạy học tại Houston. “Thú thật ba mẹ chỉ muốn tôi trở thành bác sĩ nhưng không hiểu vì sao tôi lại có niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ trở thành nhà giáo. Có thể vì từ bé tôi đã mơ ước như vậy, cũng có thể những tháng ngày theo chân các giáo sư đi giảng dạy tình nguyện cho những khu dân cư nghèo ở Anh đã khiến tôi cảm thấy mình có duyên với nghề sư phạm”, Vỹ chia sẻ.
Câu chuyện Vỹ mở trường của riêng mình có nhiều điều thú vị. Nó bắt nguồn từ niềm khao khát của một thầy giáo trẻ luôn muốn mỗi ngày đến trường của học sinh là một niềm vui, không bị áp lực từ điểm số và mớ kiến thức nhồi nhét vào đầu. Lẽ ra, nếu chỉ đơn thuần là thầy giáo, Vỹ đã an phận khi trở thành giáo viên dạy toán, rồi sau đó là trưởng bộ môn này ở trường cấp ba Sam Houston, ngoại ô bang Texas. Khi đứng trên bục giảng, tiếp xúc với nhiều cô cậu học trò từng xem môn Toán là nỗi ám ảnh, Vỹ đã kiên trì truyền lửa cho các em cách… thích học bằng đủ chiêu trò, thậm chí là sáng tác bài hát để ghi nhớ các công thức hình học. Cùng học, cùng chơi, lắng nghe các em chia sẻ, Vỹ nhận ra rằng giáo dục bằng sự yêu thương sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
2. Cũng chính từ những tháng ngày đứng lớp ấy, Vỹ nhận ra những điểm tương đồng giữa học sinh của Trường Sam Houston - với phần lớn là dân nhập cư và học sinh con em người Việt ở đây. Trong các gia đình người Việt ở Mỹ, phụ huynh thường có tâm lý muốn con phải học thật giỏi, điểm thật cao nhưng rào cản ngôn ngữ lại khiến bố mẹ và con cái có khoảng cách, thế nên vô tình tạo áp lực cho trẻ. Quyết định mở trường “after school” của Vỹ bắt đầu từ ý tưởng sẽ giúp hóa giải mối quan hệ này, hơn hết là giúp các em học sinh củng cố kiến thức để có thể hòa nhập một cách tốt nhất với môi trường giáo dục ở Mỹ. “Khi nghe về ý định mở trường tư, ba mẹ và các chị hơi bị hoài nghi nhưng họ đều ủng hộ và tin là tôi sẽ làm được. Mọi thứ tất nhiên đều phải có quá trình chuẩn bị nhưng quan trọng nhất là cái tâm và sự đam mê của chính bản thân mình…”, Vỹ nói. Mô hình trường học after school của Vỹ là sau 15 giờ chiều, các em học sinh các cấp khi rời trường chính sẽ đến học ở Trường Van Houston. Ở đây, giáo viên sẽ hệ thống lại kiến thức theo kiểu học mà chơi, chơi mà học, tạo hứng khởi cho học sinh trong học tập. Điểm đặc biệt ở ngôi trường này là toàn bộ giáo án đều do Vỹ biên soạn. Vị hiệu trưởng trẻ tuổi ấy không muốn kiến thức chỉ là những con số, dữ liệu khô khan mà muốn bọn trẻ tiếp thu bằng cái nhìn trực quan sinh động, dễ hiểu dễ nhớ, từ đó kích thích sự sáng tạo, đam mê trong quá trình học tập.
“Tôi hiểu tâm lý của phụ huynh và tâm lý của bọn trẻ. Ở đây, các bậc phụ huynh người Việt vẫn mang nặng suy nghĩ quan trọng điểm số và thành tích cao ở trường. Điều này vô tình làm cho các em học sinh hiểu sai mục đích và đánh mất đam mê trong việc học. Cha mẹ nói tiếng Việt, con cái nói tiếng Anh, suy nghĩ khác biệt đã dẫn đến những khoảng cách trong các gia đình người Việt. Nhưng có thể nói, từ khi gửi gắm con em đến Trường Van Houston, phụ huynh yên tâm hơn, ít ra là cũng hiểu bọn trẻ hơn…”, Vỹ kể. Điều này có thể thấy rõ trên trang cá nhân của anh, khi có nhiều phụ huynh chia sẻ về những tiến bộ vượt bậc của con họ. Được giải cờ vua, giải thể thao hay những điểm A về môn Toán…, có thể trước đây những cô cậu học sinh này chưa bao giờ đạt được nhưng từ khi theo học ở Trường Van Houston, những niềm vui nho nhỏ như thế này cũng làm các em phấn chấn hơn, ham học hơn. Chỉ thế thôi nhưng theo Vỹ, đó mới chính là thành công của anh và các cộng sự, bởi mục đích cuối cùng của giáo dục không gì cao siêu, đơn giản chỉ là tạo động lực cho các em học tốt.
3. Có thể ai đó nhìn Vỹ sẽ nghĩ rằng, quản lý một ngôi trường tư trên đất Mỹ như thế này chắc sẽ không còn thời gian để làm công việc mình yêu thích. Một ngày của anh ở trường bắt đầu từ 9 giờ sáng đến tận chiều tối, thế nhưng Vỹ vẫn dành thời gian lên lớp, gặp gỡ học sinh, cùng chơi và trò chuyện với các em. Trong mắt bọn trẻ, vị hiệu trưởng này rất giản dị và gần gũi, rất tâm lý. Vỹ có thể ngồi cả tiếng đồng hồ để lắng nghe một cậu bé lớp 4 tâm sự, để hiểu vì sao cậu học trò này lại có những phản ứng ngỗ nghịch ở trường. Ba mẹ chia tay, em ở với bà. Bà cũng lo làm để kiếm tiền, không có thời gian trò chuyện cùng cháu. Vì thế, em lúc nào cũng muốn nổi loạn, không muốn học, muốn làm mọi cách để người khác chủ ý đến mình. Khoảng thời gian học ở Van Houston, nói chuyện với thầy Vỹ, cậu bé ấy đã dần thay đổi. Thầy Vỹ không “lên lớp” nhưng lại cảm hóa được cậu bé ấy bằng trái tim, bằng sự quan tâm chân thành như một người bạn lớn.
Ở Mỹ, PSAT và SAT là những kỳ thi quan trọng bậc nhất đối với học sinh trung học, vì nếu đậu các em sẽ được nhận học bổng danh giá tại Mỹ. Mỗi năm có khoảng 1,6 triệu học sinh thi, thì chỉ có 7.500 học sinh đạt học bổng. Cuối tháng 10-2017, Trường Van Houston có 50 học sinh dự thi PSAT, hơn một nửa trong số này đã đạt điểm 1.400/1.520; có 3 em đạt điểm 1.580/1.600 của kỳ thi SAT. Với thành tích này, Trường Van Houston đã được Nghị viện thành phố Houston tuyên dương. |
Có rất nhiều những cô cậu học trò người Việt sau một thời gian học ở Van Houston đã tiến bộ hẳn, cảm thấy thích học hơn. Các em chia sẻ, Van Houston chính là ngôi nhà chung thứ 2 của mình, bởi ở đây giáo viên và học sinh có thể thoải mái chia sẻ mọi thứ, kể cả những điều mà bọn trẻ chưa từng tâm sự với cha mẹ. Ngược lại, các bậc phụ huynh cũng cảm thấy giảm bớt áp lực và hiểu con mình hơn, yên tâm vì các con được tiếp thu kiến thức một cách vững chắc, được trang bị những kỹ năng mềm, yêu thích việc học hơn và thay đổi thái độ sống… - những điều hết sức cần thiết để có thể tạo lập tương lai trên đất Mỹ. Vỹ nói, học sinh Việt Nam rất hiếu học và thông minh, chỉ cần khơi đúng nguồn, tạo cho các em sự đam mê thì sẽ thành công ở tương lai. Chính vì vậy, triết lý giáo dục của Vỹ là muốn thay đổi tư tưởng của các phụ huynh, rằng mục đích chính của việc học là để tích lũy kiến thức và kỹ năng, đồng thời xây dựng niềm đam mê trong việc học, chứ không phải là điểm số và chạy theo thành tích.
Liệu sau này Vỹ sẽ đem mô hình Trường Van Houston về quê hương? Vỹ nói, anh đang ấp ủ nhiều dự án giáo dục, trước mắt là sẽ thành lập trường tư chính thức ở Mỹ vào năm nay nên cần nhiều thời gian và công sức để thực hiện. Khi những mô hình này phát triển tốt, anh sẽ đưa về Việt Nam. Với Vỹ, giáo dục đơn giản là tạo động lực học tập. Thế nên, mỗi lần được đứng trên bục giảng, anh luôn có nhiều hứng khởi truyền lửa cho học trò, từ những điều đơn giản nhất.
“Đến trường là một niềm vui, tôi luôn muốn học sinh của mình thích thú với việc ấy. Van Houston chắc chắn sẽ là ngôi nhà thú vị của lũ trẻ. Chị biết không, đã 2 năm rồi chúng tôi đón Tết Việt Nam với nhau, dẫu không đầy đủ như quê nhà nhưng cảm thấy rất xúc động và ấm cúng. Đây cũng là dịp để các em không quên cội nguồn của mình…”, Vỹ nói và cho tôi xem bức ảnh thầy trò quây quần bên nhau trong ngày mùng Một Tết, với những nụ cười rạng rỡ trên môi...
HẢI NGUYỆT
Văn Tấn Hoàng Vỹ từng được bầu chọn là giáo viên xuất sắc nhất năm tại Trường Trung học Sam Houston, trở thành trưởng bộ môn toán trẻ nhất lịch sử trường, được vinh danh trên tạp chí giáo dục uy tín tại Houston. Trường Van House do anh thành lập từ năm 2015, khi ấy chỉ có vài chục giáo viên và học sinh; đến nay đã có hơn 300 học sinh theo học. Trường dạy các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 với các môn chính như: toán, đọc, viết, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội…