02:02, 18/02/2018

Đồn biển vào xuân

Ngày cuối năm, nhưng không khí Tết ở Đồn Biên phòng Đầm Môn vẫn chưa rõ rệt, nếu không tính cây mai trước sân. Thiếu tá Phạm Tuấn Hùng - Phó Đồn trưởng cười xòa:"Đồn còn tập trung lo cho dân trước, xong mới đến đồn. Có như vậy, năm mới mới khởi sắc".

Ngày cuối năm, nhưng không khí Tết ở Đồn Biên phòng Đầm Môn vẫn chưa rõ rệt, nếu không tính cây mai trước sân. Thiếu tá Phạm Tuấn Hùng - Phó Đồn trưởng cười xòa:“Đồn còn tập trung lo cho dân trước, xong mới đến đồn. Có như vậy, năm mới mới khởi sắc”.

 

Tuần tra bảo vệ biên giới biển.

Tuần tra bảo vệ biên giới biển.


Gắn kết tình quân dân


Dẫn chúng tôi đi qua mấy đường thôn, doi cát ven biển Đầm Môn lộng gió, hanh hao nắng cuối năm, Thiếu tá Hùng cho biết, cơn bão số 12 khiến không ít người dân gặp khó khăn. Từng nóc nhà đan xen nhiều màu ngói mới lợp lại. Mái tôn ở đồn bay tan tác; nhiều thiết bị bị hư hỏng. Dù vậy, ngay khi cơn bão quần thảo dữ dội nhất, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng vẫn kiên cường đến từng nhà dân đưa người già, trẻ nhỏ vào nơi trú bão an toàn. Sau bão, họ lại chia nhau đi lợp lại mái cho trường học và hộ dân, đưa người đi cấp cứu... trong khi vẫn bảo đảm tuần tra trên biển.

 

Đến nay, cuộc sống của người dân đã ổn định trở lại phần nào, nhưng khó mong có cái Tết sung túc như mọi năm. “Biết vậy, nên những ngày trước Tết, cán bộ, chiến sĩ thường lui tới nhà người dân. Đôi khi, chỉ vài lời thăm hỏi cũng đủ ấm lòng. Với những hộ khó khăn, gia đình chính sách, đồn chuẩn bị bánh, mứt, dầu ăn… làm quà Tết hoặc báo cáo cấp trên hỗ trợ kịp thời. Để hộ dân bị thiếu đói dịp Tết, chúng tôi thấy có lỗi lắm”, Thiếu tá Hùng chia sẻ.


Đại úy Nguyễn Văn Trường - Trưởng trạm Kiểm soát biên phòng Khải Lương kể, trong cơn bão, trạm trực tiếp lo ăn, ở hơn 10 ngư dân Vạn Giã có lồng bè nuôi thủy sản ở thôn Khải Lương (Vạn Thạnh). Trạm đúc bằng bê tông nên trụ vững trong cơn bão và trở thành nơi tập kết hàng cứu trợ. Phần tường bao bị đổ đến nay vẫn chưa xây lại bởi còn ưu tiên lo cho dân. Thôn có 5 nhà sập hoàn toàn, 90% nhà bị xô mái, tốc mái. Căn nhà do bộ đội biên phòng xây tặng hộ ông Nguyễn Văn Vân 3 năm trước cũng bị xô mái, vừa được bộ đội khắc phục. “Trạm như nhà đại đoàn kết của dân đảo vậy”, ông Vân tự hào nhận định. Còn bà Đỗ Thị Kim Xuyến xúc động: “Nhà tôi bị xô ngói nhưng không có đàn ông nên loay hoay lắm. Nhờ đồn biên phòng mà Tết này, 3 mẹ con tôi có căn nhà ấm đón xuân”.


Không chỉ hỗ trợ người dân khắc phục sau bão, đồn còn tích cực thực hiện tốt mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Ngoài ra, đồn đã vận động xây dựng 32 nhà mái ấm cho người nghèo nơi biên giới với tổng trị giá 1,28 tỷ đồng và đóng góp hàng trăm ngày công cho chủ hộ; giúp nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường qua chương trình Nâng bước em tới trường...


Đi trên con đường bê tông phẳng lì chạy quanh thôn Ninh Đảo, ông Nguyễn Văn Tấn kể, gia đình ông thuộc hộ nghèo. Căn nhà trước quá cũ nên bị sập, cả nhà phải đi ở nhờ. “Trong mơ, tôi cũng không nghĩ có ngày được căn nhà khang trang như vậy. Tất cả nhờ bộ đội biên phòng. Con đường bê tông này cũng do bộ đội xây dựng năm 2012. Tết đến, bộ đội biên phòng lại đến từng thôn đảo, tặng quà các hộ khó khăn. Tết năm trước, đồn cũng tặng quà người cao tuổi, hộ chính sách, hỗ trợ ngư dân nghèo. Biết ơn bộ đội, chúng tôi chỉ biết nỗ lực vươn lên...”, ông Tấn cho biết.  

 

Các em nhỏ ở đảo rất thân thiết với cán bộ, chiến sĩ của đồn.

Các em nhỏ ở đảo rất thân thiết với cán bộ, chiến sĩ của đồn.

 

Vui xuân cùng bà con


Ngày Tết, các chiến sĩ vẫn bảo đảm trực 24/24 giờ, tuần tra dọc các xóm chài, âu thuyền... Đại úy Nguyễn Văn Trường bảo, với anh em ở trạm, khác biệt lớn nhất giữa ngày Tết và ngày thường là có thêm bánh mứt, trái cây, còn công việc không đổi. “Chúng tôi vừa ăn Tết với dân vừa phải đảm bảo nhiệm vụ. Người lính xa nhà, ngày Tết nhớ nhất cảm giác sum họp gia đình. Được ăn Tết cùng người dân, cảm giác cũng ấm cúng như trong gia đình vậy”, Đại úy Trường nói.

Thượng tá Phạm Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Đồn Biên phòng Đầm Môn quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn 6 xã cánh bắc huyện Vạn Ninh, trong đó có 4 thôn đảo. Thời gian qua, đồn đã tham gia củng cố tốt cơ sở chính trị, quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 6 xã phụ trách. Đặc biệt, đồn đã hỗ trợ xây dựng mái ấm cho người nghèo nơi biên giới và nhiều công trình dân sinh trên đảo; khám, chữa bệnh cho người dân; đỡ đầu các học sinh nghèo; vận động nhân dân chấp hành chủ trương pháp luật..., thực hiện được mục tiêu “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân.


Ở Trạm Kiểm soát biên phòng Khải Lương, việc chuẩn bị Tết khá đơn giản: không mổ heo, luộc bánh chưng, vì mọi thức ăn dùng ngày Tết đều được đồn gửi ra. Nhưng tiệc tất niên ở thôn đảo không vì thế kém xôm. Đó là nhờ bàn tay đầu bếp của các chị phụ nữ trong thôn. Hôm đó, chiến sĩ ngoài ca trực và trai tráng thành phụ bếp hết. Tối tất niên, trạm kiểm soát luôn đông khách. Bên bàn tiệc “cây nhà lá vườn” của trạm có nhiều người thân của các ngư dân đang đánh bắt trên những ghe thuyền trên biển. Nhưng cho dù không khí có sôi nổi, ồn ào bao nhiêu, chỉ cần thấy tiếng máy điện đàm rọt rẹt dò sóng là tất cả ngưng bặt. Trong âm thanh xao động của gió biển, tất cả đều xúc động lắng nghe tiếng chúc rộn rã và cả những lời nhắn gửi dồn dập của bạn thuyền ở bên đầu dây. Ông Phan Ngọc Hải cười, mắt ánh niềm vui: “Tết nào, cán bộ trạm cũng đến nhà chúc Tết người dân, thăm hỏi người già yếu, khó khăn. Chuyện vui, buồn, chuyện con cái đi làm ăn xa..., các anh đều tường tận. Có họ, chúng tôi được giúp đỡ rất nhiều và an tâm đón Tết”.  


Ở Đồn Biên phòng Đầm Môn, đã thành lệ, khoảng 25 - 26 tháng Chạp lại tổ chức gói bánh chưng để có quà Tết đặc trưng cho chiến sĩ và người dân. Đêm 30 Tết nhất định phải luộc thêm một nồi bánh chưng nữa. Nhưng cho dù lần nào, quanh mấy thau nếp, đậu, lúc chụm củi luộc bánh, không thể thiếu vắng người dân quanh đồn. Quân với dân cùng luộc bánh và trò chuyện, văn nghệ mới có sự gắn bó. Sáng mùng 1 Tết, cán bộ, chiến sĩ các trạm đều tề tựu về đồn làm lễ chào cờ đầu năm. Người dân các thôn cũng về đây dự lễ và chúc mừng năm mới. Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn Đầm Môn) bày tỏ: “Được cùng cán bộ, chiến sĩ biên phòng làm lễ dưới cờ Tổ quốc ngày đầu năm, chúng tôi thấy thiêng liêng lắm”.


Đầm Môn đang đón năm mới với niềm tin xuân sang sẽ tốt đẹp, thuận hòa.


NGUYỄN VŨ