11:01, 28/01/2017

Trường Sa - Vọng tiếng chuông chùa

Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa là hình ảnh thể  hiện tín ngưỡng truyền thống của người Việt nơi đảo xa, gắn liền với khát vọng cuộc sống yên lành, hòa bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của nhân dân Việt Nam.

Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa là hình ảnh thể  hiện tín ngưỡng truyền thống của người Việt nơi đảo xa, gắn liền với khát vọng cuộc sống yên lành, hòa bình và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của nhân dân Việt Nam.


Đến nay, nhiều địa phương, đơn vị và người dân trong và ngoài nước đã góp sức tôn tạo 6 ngôi chùa tại các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh và Sinh Tồn. Những ngôi chùa này không chỉ là công trình thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần, tâm linh của quân và dân sống trên quần đảo cũng như ngư dân cả nước trong những chuyến đánh bắt trên vùng biển khơi xa, mà còn là những điểm hẹn văn hóa. Những năm qua, quân dân trên các đảo đã đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước ra thăm, trong đó có nhiều vị khách tăng ni, Phật tử và những Việt kiều xa quê hương.

 

Đoàn công tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các đoàn công tác tại đảo Trường Sa
Đoàn công tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các đoàn công tác tại đảo Trường Sa


Đặc điểm chung của những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa đều được xây dựng thoáng đãng, theo phong cách truyền thống, một gian hai chái, hay ba gian hai chái, mái cong có đầu đao và sử dụng nhiều loại gỗ quý chịu được độ mặn của nước biển. Chánh điện uy nghi với những pho tượng Phật được chế tác công phu bằng đá quý và gỗ quý; tất cả những dòng chữ trên hoành phi, câu đối đều được sơn son thếp vàng, viết bằng chữ quốc ngữ. Cùng với điện thờ Phật, các ngôi chùa ở Trường Sa đều có các ban thờ anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Các hoạt động lễ hội, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân và các đồng bào tử nạn trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa được các chùa tổ chức hàng năm.

 

Cổng chùa đảo Trường Sa
Cổng chùa đảo Trường Sa


Chùa Trường Sa tọa lạc giữa khu trung tâm thị trấn Trường Sa, trên đảo Trường Sa Lớn. Khuôn viên chùa khá rộng, cùng với Nhà tưởng niệm Bác Hồ, tượng đài liệt sĩ là một quần thể kiến trúc, văn hóa, lịch sử, tâm linh tiêu biểu trên đảo Trường Sa. Phật điện chùa Trường Sa Lớn có pho tượng Phật bằng đá quý màu trắng, gốc là Phật ngọc chùa Vàng ở Myanmar. Đây là món quà của Liên đoàn Phật giáo thế giới tặng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông đã tặng lại nhà chùa.

 

Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca
Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca

 
Chùa Song Tử Tây có quy mô hoành tráng, cảnh quan thoáng đãng. Những hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng ghi bằng chữ quốc ngữ như: “Mây lành che đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa/Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử. Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh/Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam”. Chùa Song Tử Tây cùng với tượng đài Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, ngọn hải đăng tạo thành một quần thể kiến trúc, lịch sử, văn hóa, tâm linh tiêu biểu. Ngư dân trên những chuyến tàu cá với hải trình dài ngày trên biển thường ghé vào âu tàu nghỉ ngơi, thăm viếng chùa, cầu nguyện cho những chuyến đi trời yên biển lặng.

 

Chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết
Chùa Nam Huyên trên đảo Nam Yết


Chùa Sơn Linh trên đảo Sơn Ca tọa lạc giữa triền cát trắng, tiếp giáp với ngọn hải đăng phía đông. Chùa có kiến trúc rất đẹp, các tòa nhà đều được xây dựng rất công phu với những mái ngói cong vút cùng các bộ hoành phi, câu đối được trạm trổ cầu kỳ. Phật điện chùa có pho tượng Phật ngọc. Cổng chùa hướng ra vùng biển rộng mênh mông, xanh ngắt.

 

Chùa Sinh Tồn
Chùa Sinh Tồn


Chùa Vinh Phúc trên đảo Phan Vinh tọa lạc trước bờ biển trên đảo, cổng chùa  cách bờ biển khoảng 2m, phía tây là trạm rada T44. Phật điện chùa Phan Vinh có pho tượng Phật ngọc, các pho tượng trong chùa đều bằng đá thạch anh trắng và 1 pho tượng thạch anh hồng cao 1m.


Chùa Sinh Tồn tọa lạc gần khu dân cư trên đảo, có diện tích khoảng 500m2, mang dáng vẻ một ngôi chùa làng điển hình đồng bằng Bắc Bộ, một gian hai chái, tường bao trổ hoa và vườn chùa xinh xắn, với những cây phong ba, cây bồ đề xanh mát được trồng trong sân chùa. Chùa là nơi thờ cúng các liệt sĩ Trường Sa đã anh dũng hy sinh, trong đó có anh linh của 64 chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma trong cuộc chiến ngày 14-3-1988.


Trong khi đó, chung quanh chùa Nam Huyên tại đảo Nam Yết có rất nhiều loại cây xanh che bóng mát. Phật điện chùa có pho tượng Phật ngọc. Chùa Nam Huyên cùng với các công trình nhà văn hóa, tượng đài, trạm hải đăng… là quần thể kiến trúc, lịch sử, văn hóa, đã tạo nên sức sống mãnh liệt nhưng rất đỗi yên lành trên đảo này.


Những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa luôn được chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Tôn giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh quan tâm, tạo điều kiện về các hoạt động Phật sự, đáp ứng nhu cầu tâm linh của quân dân trên quần đảo và ngư dân đánh bắt xa bờ. Nhiều chư tăng được bổ nhiệm trụ trì tại các chùa đã kết nối với các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh có những đóng góp xây dựng cảnh quan chùa và đảo, hỗ trợ một số vật chất cho quân và dân trên đảo, đồng thời là những tuyên truyền viên đắc lực trong công tác tuyên truyền về biển đảo.


Những ngôi chùa ở Trường Sa thể hiện đời sống tâm linh của người Việt nơi đầu sóng ngọn gió. Mỗi người khi đặt chân đến Trường Sa, giữa biển trời mênh mông, nghe tiếng chuông chùa ngân vang, cảm giác gần gũi thiêng liêng đến lạ thường, nghe trong tim mình như có linh hồn của Tổ quốc...

Hoàng Lê