01:01, 29/01/2017

Ly cà phê dưới vòm xanh xưa

Nha Trang bây giờ là thành phố của cà phê giải khát với hàng ngàn quán lớn nhỏ, từ vỉa hè cho tới tận đỉnh những tòa cao ốc vút sang trọng. Có nơi chỉ vài cái ghế trụi thì cũng có nơi khách cảm giác như ngồi trong vườn thượng uyển xưa, hay những view sang trọng trong không gian bát ngát…

Nha Trang bây giờ là thành phố của cà phê giải khát với hàng ngàn quán lớn nhỏ, từ vỉa hè cho tới tận đỉnh những tòa cao ốc vút sang trọng. Có nơi chỉ vài cái ghế trụi thì cũng có nơi khách cảm giác như ngồi trong vườn thượng uyển xưa, hay những view sang trọng trong không gian bát ngát… Vậy mà trở lại 30 năm trước, cũng những giọt cà phê như hôm nay nhưng lại có cảm giác rất khác...

 

 


Nha Trang đón tôi lần đầu tiên vào cuối thập niên 70 với ly nước ngọt uống đá, ăn với bánh gato mềm mại thơm mùi trứng trong một cửa hàng giải khát ở dưới chân Lầu 7! Người chú uống ly cà phê đá đen nhánh với những viên đá trong veo như thủy tinh. Vậy đấy!  Thời điểm này Nha Trang bắt đầu thực sự là nền kinh tế XHCN. Cái gì cũng ở Cửa hàng Mậu dịch quốc doanh và ly cà phê hay chai nước ngọt, cốc kem cho trẻ nhỏ cũng thế. Nha Trang hiền hòa nhưng chỉ có lác đác quán cà phê còn sót từ trước giải phóng như: Chiều Tím (đường Bà Triệu), quán 56 (đường Hai Chùa -  Tô Vĩnh Diện)… Còn tất cả chỉ có Cửa hàng Mậu dịch! Vì lúc đó hạt cà phê ngang với hàng quốc cấm, dân không được kinh doanh. Thế nên có những người lên Tây Nguyên trở về, muốn luồn qua cửa kiểm soát của quản lý thị trường ở nhiều trạm, họ may áo trấn thủ để nhét hạt cà phê, hay dùng đủ phương pháp che giấu nên hạt cà phê nào về tới phố thì phải cõng theo bắp, đậu nành, gạo… vì thế có khi uống cà phê chính là uống ngũ cốc rang cháy!


Để phục vụ nhu cầu của người dùng, khi đó có hẳn một công ty chuyên lo việc này có tên là Công ty Ăn uống và Khách sạn với trụ sở đóng ở đường Hoàng Văn Thụ. Vì thế xuất hiện rất nhiều “quán cà phê quốc doanh”: Khương Hải (đường Yết Kiêu), Hoàng Yến (đường Thống Nhất), 33 Lê Lợi - Đông Thành (đường  Lê Lợi), Phương Câu (đường Phương Câu - Hoàng Văn Thụ), 26 Trần Phú… Khác với ngày nay, khách uống cà phê chỉ có 2 loại đen và sữa, tất cả đều được pha sẵn. Có giai đoạn khó khăn bán kèm thuốc lá đen. Khách chỉ uống cà phê hay ăn kèm bánh ngọt chứ không có phục vụ trà đá miễn phí như hôm nay. Bởi khi đó đá cũng là sản phẩm hạn chế do điện thiếu nghiêm trọng. Hình như quán cà phê mậu dịch không có nhạc, tất cả chỉ vào ngồi uống, tán gẫu hết chuyện rồi đi, vì thực ra ai cũng tất bật, không phải nhâm nhi chiêm nghiệm hay làm thơ bên phin cà phê như sau này.

 

1
Cây bàng thập niên 90 bên bờ biển Nha Trang


Đầu những năm 1990, đất nước mở cửa, hạt cà phê không còn là thứ cấm. Nước đá cũng thoải mái sản xuất, vì trước đó người ta chỉ cần chạy chọt xin mỗi ngày được mua một cây nước đá đem về bán lẻ là đủ ngang với lợi nhuận của một quán hàng xén! Lúc đó rất hiếm tủ lạnh mà mùa hè thì vẫn nóng như muôn thuở. Quán cà phê mọc lên như nấm, chỉ có điều khác bây giờ quán đều có xu hướng “quây kín”, ngay cả cửa hàng Bốn Mùa cũng chăng dây kẽm gai rồi trồng dương bám theo để… cho du khách uống bên trong không bị người đi bên ngoài nhìn vào; khác xa bây giờ quán đều mở toang để người uống nhìn người đi trên phố, vì đó là hình ảnh sống động của cuộc sống. Các quán khác cũng quây kín như một quán nổi tiếng trong miếng đất của Thư viện tỉnh ngã ba Trần Phú - Lý Tự Trọng kín tới mức che tranh rồi phủ giấy dầu nên như trại tị nạn, rồi sau đó nảy sinh ra cà phê  “chuồng” cho các bạn trẻ tâm sự!


Khỏi phải nói những quán cà phê thời mở cửa thỏa cơn khát của bao người, nhất là các bạn trẻ vì tới đây được ngồi trên ghế mây ngả lưng, uống cà phê phin điệu đàng, hút điếu thuốc Sài Gòn xanh thơm lừng, đặc biệt được ngắm cô thu ngân xinh đẹp tóc dài tới lưng có khuôn mặt thiên thần! Quán lúc này được mở nhạc thả giàn, vì chỉ nơi đây mới được nghe những bản nhạc của: ABBA, Boney M, Modern Talking, Michael Learn To Rock… hay những danh ca: Michael Jackson, Whiney Houston, Madona… với âm thanh chất lượng nhất. Tất nhiên, tùy theo giờ, nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An cũng được mở trong những buổi chiều phố biển êm dịu. Thế nên, cùng với người chuyên pha chế đồ uống thì có cả người chuyên phụ trách âm nhạc, bởi vì nhạc hay có khi còn lấn cả chất lượng đồ uống.

 

Một góc cửa hàng Bốn Mùa. Ảnh: S.T
Một góc cửa hàng Bốn Mùa


Tuy quán tư nhân mở nhiều nhưng những quán quốc doanh vẫn tồn tại song song tới gần cuối thập niên 90 mới chấm dứt khi Công ty Ăn uống và Khách sạn giải thể. Nói thế bởi những quán: Khương Hải, Hoàng Yến hay 33 Lê Lợi… vẫn đông khách bình dân ngồi uống. Bình dân nhưng lãng mạn nhất là quán 26 Trần Phú (giờ là khách sạn Sheraton), những người lao động vẫn thích đến ngồi trên chiếc ghế vải bố dưới vòm cây bàng thay lá uống ly cà phê đen pha sẵn đậm đà hương vị. Thế đấy, uống cà phê là uống những ký ức nên ai nấy đều cố giữ cho mình những kỷ niệm. Bởi vậy khi Bốn Mùa bị giải tán thì thương hiệu cùng hương vị của cà phê nơi đây tản mát khắp Nha Trang nhưng lại trở thành hút nhất, vậy có chăng là niềm tiếc nuối nên ai cũng muốn thưởng thức cái đã mất?  


Cho đến bây giờ, giữa muôn vàn quán cà phê sang trọng đầy đủ tiện nghi nhưng những ngày cuối năm hay đầu xuân đều muốn ra một góc phố vỉa hè dưới tán cây lổ đổ nắng rơi ngồi uống ly cà phê đen, hút điếu thuốc. Với họ đó là ly cà phê xưa - thời gian khó mà đậm tình. Người ta ngồi với nhau có thể nói hoặc im lặng nhưng vẫn hướng về nét mặt, hơi thở của nhau qua giọt cà phê rơi trong tách, khác hẳn bây giờ ngồi ồn ào nhưng hồn phách mỗi người một phương qua thiết bị cầm tay thời thượng.


Mùa xuân về. Chiếc lá bàng chao nghiêng trên phố chập chờn, qua giọt cà phê trầm mặc hiện nên ký ức về bầu trời xuân dạt dào cánh én. Đó là niềm hạnh phúc hiếm hoi mà không phải ai cũng có được.  

                                        
Nha Trang xuân Đinh Dậu!


Dương Trang Hương