Khi tuổi đời đang độ xuân sắc, học hành là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng với người đã vào tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn cần mẫn với luận văn thạc sĩ lại là chuyện xưa nay hiếm.
Khi tuổi đời đang độ xuân sắc, học hành là chuyện quá đỗi bình thường, nhưng với người đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn cần mẫn với luận văn thạc sĩ lại là chuyện xưa nay hiếm.
Làm luận văn thạc sĩ ở tuổi 70
Về xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa, hỏi lão nông ham học - Lương Tuyển không ai là không biết. Dù đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng lão nông này vẫn ngày đêm chong đèn đọc sách và lặn lội vào TP. Hồ Chí Minh để hoàn thành luận văn thạc sĩ ngành Luật học của Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.
Ông Tuyến bên vợ trong ngày nhận tấm bằng đại học Luật |
Ngồi nhâm nhi bên ly trà nóng, ông Tuyển kể về chuyện học khá đặc biệt và không ít khó khăn của mình. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ lại mất sớm nên 3 anh em ông ở với ông bà ngoại; cũng vì khó khăn nên việc học của ông bị gián đoạn. Thời gian sau năm 1975, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhận thấy việc học là quan trọng nên dù bận rộn với việc đồng áng, ông vẫn học hành chăm chỉ. Việc học với ông Tuyển không bao giờ là quá muộn. Năm 35 tuổi, ông Tuyển mới học trung cấp ngành chăn nuôi thú y ở Phú Yên. Đến năm 54 tuổi, ông Tuyển mới tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Trường Đại học Mở Bán công TP. Hồ Chí Minh và sau đó là tốt nghiệp Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh khi 63 tuổi. Khi có được 2 tấm bằng đại học trong tay, ông quyết định tiếp tục học cao học để có bằng thạc sĩ trong sự thán phục của nhiều người.
Một ông lão đã 70 tuổi nhưng vẫn ngày ngày đam mê đèn sách, hẳn khiến nhiều người ngạc nhiên và tò mò. Ông Tuyển tâm sự: “Khi đi học cao học, nhiều người cho rằng tôi bị gàn. Nhưng kệ. Người trẻ học 1 tiếng thì mình học 2 tiếng. Người già muốn học được cần phải biết sắp xếp thời gian học một cách khoa học và kiên trì. Trí nhớ không phải tự nhiên mà có, luyện tập mãi cũng thành công”. Xác định nhiều tuổi, học hành khó khăn, ông chọn thời điểm vào buổi khuya và sáng sớm để nghiên cứu bài giảng. Đặc biệt, ông luôn ấn định thời gian học tập vào giờ cố định để não có phản xạ tự nhiên nhằm nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, khi học cao học, ông luôn liên hệ các bài giảng trực tiếp với thực tế để dễ nhớ và lâu quên.
Viết tiếp giấc mơ
Tuổi càng cao, sức khỏe càng giảm sút, song cái sự ham học lại càng bùng cháy trong con người ông. “Nhiều người từng hỏi tôi làm Hợp tác xã và trang trại ở nhà thì cần gì mà phải học nhiều thế, tôi nói đã là học thì biết bao nhiêu cho đủ. Tôi lựa chọn học những ngành học mà thấy cuộc sống của mình rất cần thiết. Việc học giúp tôi giải quyết công việc tốt hơn, cũng có thể giúp đỡ được nhiều người hơn. Đam mê học của tôi cũng có ích khi truyền thêm cảm hứng cho thế hệ con cháu”, ông Tuyển giãi bày.
Tuy 70 tuổi nhưng ngày ngày ông Tuyến vẫn chăm lo đèn sách |
Nói về việc học của chồng, bà Trần Thị Sương (vợ ông Tuyển) tự hào: “Từ ngày lấy nhau đến nay, lúc nào ổng cũng đam mê học. Thấy những lúc chồng vất vả quá thì cũng chỉ biết động viên ổng cố gắng học. Mình làm vợ thì cố gắng gánh hết trách nhiệm ở nhà để chồng an tâm ăn học. Mình không học được thì trợ giúp cho chồng cố gắng học để cho con cháu sau này noi theo”.
Vừa học vừa làm, giờ đây vợ chồng ông có được một cơ ngơi với diện tích khoảng 10ha trồng lúa, bưởi, măng, mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Không những vậy, ông còn trau dồi thêm kiến thức nông nghiệp, thường xuyên lên mạng tìm hiểu những đổi mới trong khoa học kỹ thuật để hỗ trợ bà con trong xã sản xuất, phát triển kinh tế. Với tư cách là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Quang, ông luôn tìm những hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho xã viên. Những xã viên vướng mắc các vấn đề về pháp luật, luôn được ông tư vấn nhiệt tình. Đối với thanh niên ở địa phương, mỗi khi tiếp xúc, ông đều đem những câu chuyện về luật pháp để răn dạy nhằm hướng lớp trẻ khỏi sa ngã vào con đường sai trái.
Một ngày làm việc ở trang trại của lão nông ham học |
Ngồi trò chuyện với lão nông Lương Tuyển, ông nói bể học luôn là vô tận và không có điểm dừng. Tuy tuổi cao nhưng ông vẫn còn phong thái nhanh nhẹn, năng động và rất lạc quan. Việc học đối với ông vừa nhẹ nhàng, vừa say mê; luôn có ma lực ghê gớm. Tự hào về công việc của mình và giờ ông còn tự hào hơn nữa khi sắp hoàn thành việc học với tấm bằng thạc sĩ khi tuổi đã xế chiều. Bất ngờ hơn, mặc cho “chuyến xe cuộc đời” đi gần về ga cuối, song việc chinh phục đỉnh cao tri thức trong con người nông dân mộc mạc này vẫn chưa hề dừng lại. Trong sâu thẳm lòng mình, ông ước một ngày không xa sẽ có tấm bằng tiến sĩ trong tay để cho con cháu thấy rằng, học không bao giờ là muộn, không gì là không thể khi con người có quyết tâm. Cũng chính từ tinh thần học hỏi của mình, các con ông như được truyền thêm ngọn lửa ham học từ tấm gương người cha. Trong số 4 người con của ông Tuyển, hiện có 3 người đã tốt nghiệp đại học.
Chia tay lão nông ham học Lương Tuyển khi bóng chiều đã xế, trong tiết trời cuối năm, hình ảnh về một người nông dân đã qua tuổi 70 nhưng vẫn ngày ngày miệt mài đèn sách đã gây ấn tượng mạnh trong tâm trí chúng tôi...
L.A