08:02, 20/02/2015

Cuốn sách cũ và tấm lòng với biển đảo

Những ngày cuối năm, xếp lại các tư liệu cũ, tôi chợt thần người trước những cuốn sách đã sờn mép, ngả màu. Đây là những tư liệu cũ mà chúng tôi đã tiếp nhận từ độc giả Báo Khánh Hòa. Mỗi cuốn sách là một minh chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Những ngày cuối năm, xếp lại các tư liệu cũ, tôi chợt thần người trước những cuốn sách đã sờn mép, ngả màu. Đây là những tư liệu cũ mà chúng tôi đã tiếp nhận từ độc giả Báo Khánh Hòa. Mỗi cuốn sách là một minh chứng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.


Từ cuốn sách cũ...

 

Tôi còn nhớ mãi những ngày sóng gió nổi lên ở vùng biển Hoàng Sa khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Giữa trưa tháng 6-2014, Tòa soạn bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ TP. Cam Ranh. Ở đầu dây bên kia, giọng bác Bùi Văn Minh rành rọt: “Tôi đang lưu giữ một cuốn sách cũ, do nhà xuất bản của Trung Quốc ấn hành, trong đó có in bản đồ của Trung Quốc nhưng không có các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nay tôi muốn trao lại cho Báo để có thêm thông tin, căn cứ góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”. Nghe vậy, chúng tôi vội tìm đến nhà bác Minh ở tổ dân phố Phú Hải (phường Cam Phú, TP. Cam Ranh) để tiếp nhận cuốn sách này.

 

1
Thầy Thích Tâm Nhãn bên các tư liệu liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa.


Bác Minh kể: “Cuốn sách viết bằng chữ Hán, là của một bậc cao niên trong tổ dân phố. Tôi mượn về xem, tình cờ phát hiện cuốn sách có in tấm bản đồ Trung Quốc không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi nghĩ đây là một căn cứ quan trọng để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, chúng tôi bàn nhau trao cuốn sách cho Báo Khánh Hòa để có thêm tư liệu tuyên truyền, đấu tranh với luận điệu sai trái của Trung Quốc”. Nói rồi, bác Minh lần giở trang sách đã nhuốm màu thời gian. Đến trang có tấm bản đồ, bác dịch cho chúng tôi nghe từng câu, từng chữ. Tấm bản đồ có tên là Trung Hoa dân quốc tối tân địa đồ, xuất bản năm Canh Tuất - 1930, điểm cực Nam của bản đồ này là đảo Hải Nam (hoàn toàn không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - PV). “Bản đồ do Trung Quốc in, khẳng định đất nước họ không có Hoàng Sa, Trường Sa. Vậy mà họ vẫn tìm cách để đổi trắng thay đen. Tuy không biết cuốn sách có giá trị như thế nào nhưng đây là cách để chúng tôi thể hiện trách nhiệm của người dân, thể hiện tình yêu của mình đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - bác Minh tâm sự.

 

1
Tấm bản đồ thời nhà Thanh (Trung Quốc) trong tư liệu do thầy Thích Tâm Nhãn cung cấp


Tiếp thêm câu chuyện về cuốn sách cũ, bác Phạm Đành, chủ nhân cuốn sách nhớ lại: “Năm 1965, một lần vào Sài Gòn thăm người thân, tôi ghé qua khu chợ bán đồ cũ của người Hoa ở Chợ Lớn, thấy có cuốn sách lịch, xem ngày giờ tốt xấu hay nên mua về. Khi đó, tôi cũng không để ý lắm đến tấm bản đồ. Mãi sau này khi ông Minh phát hiện trong cuốn sách tấm bản đồ Trung Quốc không hề có Hoàng Sa và Trường Sa, ông đã nài nỉ tôi giao lại cho ông. Thú thực, tôi cũng rất quý cuốn sách này, nhưng tôi biết nếu được giao cho ông Minh có thể nó sẽ hữu dụng vì biết đâu đó sẽ là tư liệu quý về chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, vì thế tôi đã đồng ý”.


Tiếp nhận từ bác Minh, bác Đành cuốn sách không còn nguyên vẹn nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được ở họ trọn vẹn tình yêu Hoàng Sa - Trường Sa. Hy vọng những tư liệu này sẽ có ích cho những nhà nghiên cứu để đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của đất nước.


... đến “cột mốc chủ quyền” trong tim

 

Cầm được tư liệu liên quan đến chủ quyền của đất nước, để khảo cứu toàn bộ thông tin trong tư liệu này, chúng tôi đã tìm đến thầy Thích Tâm Nhãn - Ban phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam của chùa Long Sơn (TP. Nha Trang). Vốn là người kiệm lời, nhã nhặn, nhưng khi nghe chúng tôi đề cập đến vấn đề biển, đảo và chủ quyền mà Trung Quốc đang xâm phạm, bỗng sư thầy trở nên bức xúc: “Thật phi lý, họ cho mình cái quyền tự thiết lập bản đồ quốc gia họ. Bao đời nay, người Việt nào cũng biết Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Bao nhiêu thư tịch cổ đã cho thấy cha ông mình đã khẳng định chủ quyền ở vùng biển đảo này. Tôi đã đi nhiều nơi, đọc nhiều tài liệu của các nước khác nhau, nhưng không có bất cứ tư liệu nào minh chứng Hoàng Sa - Trường Sa là của Trung Quốc. Bản thân các sách do chính nước họ xuất bản cũng không hề nhắc tới những vùng biển đảo mà hiện giờ họ đang ngang ngược khẳng định chủ quyền”. Nói đoạn, sư Tâm Nhãn bưng ra một chồng sách cả mới lẫn cũ để chứng minh cho lời nói của mình. Tất cả các tư liệu này đều do các nhà xuất bản lớn của Trung Quốc ấn hành, trong đó đều thể hiện khá rõ về cương thổ của đất nước Trung Hoa. Mấy chục tấm bản đồ lớn nhỏ của Trung Quốc trong các tư liệu mà thầy Tâm Nhãn có được chỉ thể hiện địa giới của Trung Quốc đến đảo Hải Nam. Trong số này, chúng tôi đặc biệt chú ý đến cuốn “Trung Quốc lịch sử đại từ điển” (quyển hạ) do Nhà xuất bản Thượng Hải ấn hành. Đây là cuốn sách có đầy đủ các tư liệu lịch sử từ cổ chí kim của đất nước Trung Hoa. Trong gần 4.000 trang do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc biên soạn từ năm 1979 đến 1994 và cho xuất bản tháng 3-2000, có tất cả 24 bản đồ từ thời nhà Hạ đến đời nhà Thanh nhưng tất cả chỉ thể hiện biên giới của Trung Quốc đến đảo Hải Nam. Phần nội dung của cuốn “Trung Quốc lịch sử đại từ điển” cũng ghi chép khá tỉ mỉ về lịch sử phát triển của đất nước Trung Hoa qua các thời kỳ lịch sử, thậm chí vấn đề Đài Loan cũng được miêu tả rất tường tận, song không hề có dòng nào nói về sự tranh chấp Hoàng Sa - Trường Sa với Việt Nam. Trước khi chia tay, sư Tâm Nhãn đã tặng tất cả những tư liệu liên quan đến biển, đảo của Việt Nam cho chúng tôi với hy vọng sẽ có ích trong việc đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái của Trung Quốc.

 

Bác Bùi Văn Minh trao cuốn sách cũ cho phóng viên Báo Khánh Hòa.
Bác Bùi Văn Minh trao cuốn sách cũ cho phóng viên Báo Khánh Hòa.


Sau nhiều lần tiếp xúc với những người như bác Bùi Văn Minh, bác Phạm Đành hay sư Thích Tâm Nhãn, chúng tôi chợt nhận ra rằng, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ không chỉ thể hiện ở đường biên giới trên đất liền, trên biển mà nó còn là sự toàn vẹn của “biên giới mềm” - biên giới văn hóa, biên giới trong tim, trong suy nghĩ của mỗi con người. Với người Việt, ý chí tự cường và toàn vẹn lãnh thổ dường như đã ăn sâu vào tâm khảm. Đời nào cũng thế, một tấc đất của cha ông để lại các thế hệ con cháu đều phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ.


Cẩn thận xếp lại những tư liệu liên quan đến biển, đảo của đất nước mà bạn đọc trao tặng vào tủ tư liệu cơ quan, tôi bỗng thấy lồng ngực mình nghèn nghẹn khó tả. Hóa ra thời nào cũng vậy, khi chủ quyền đất nước bị xâm hại, lòng tự tôn dân tộc cũng theo đó bay cao. Mai này, theo năm tháng, những tư liệu hôm nay có thể còn hoặc mất, song trong tâm trí của người Việt, Hoàng Sa - Trường Sa vẫn mãi mãi trường tồn, là một phần máu thịt không thể tách rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.


ĐÌNH LÂM - HẢI LĂNG