Để chồng vững tâm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió - Trường Sa, ở nhà, các chị đã kiên cường gánh vác nhiều công việc của đàn ông, duy trì ngọn lửa cho tổ ấm. Tuy vậy, mỗi độ Tết đến Xuân về, các chị vẫn thấy nao lòng vì thiếu vắng các anh…
Để chồng vững tâm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng, ngọn gió - Trường Sa, ở nhà, các chị đã kiên cường gánh vác nhiều công việc của đàn ông, duy trì ngọn lửa cho tổ ấm. Tuy vậy, mỗi độ Tết đến Xuân về, các chị vẫn thấy nao lòng vì thiếu vắng các anh…
Chúng tôi đến khu tập thể gia đình Vùng D Hải quân vào một ngày giáp Tết. Không sôi động như chốn thành thị đón Xuân về, nơi đây chỉ có tiếng gió biển rít từng hồi; thi thoảng, vài trẻ nhỏ tay cầm bong bóng chạy tung tăng.
Hàng ngày, chị Thắm tần tảo khuya sớm với gánh hàng ăn sáng để lo cho các con và gia đình. |
Con đường đất ướt nước sau cơn mưa lất phất dẫn chúng tôi tới căn nhà mới khang trang cuối xóm, nơi chị Trần Thị Thắm (vợ Trung úy Chu Đình Dũng, nhân viên bảo đảm hàng hải đảo Trường Sa Lớn) đang tất bật với gánh hàng ăn sáng - món bánh cuốn ở vùng đất Cam Ranh. Chị giãi bày: “Anh ấy đi đảo từ đầu năm, lần nào về thăm mẹ con tôi cũng vội. Những lúc tiễn chồng lên tàu, lòng tôi lại nặng trĩu nỗi niềm. Tôi chỉ biết giấu nước mắt vào trong, mong anh lại sớm về thăm gia đình”. Nói đến đây, mắt chị đã ướt. Lau vội giọt nước mắt lăn xuống gò má xạm đen, chị kể tiếp: “Chúng tôi cưới nhau năm 2002. “Tuần trăng mật”, vợ chồng chỉ quanh quẩn trong xóm thăm bà con, cô bác, rồi anh ấy trở lại đơn vị. Lấy nhau đã gần 10 năm nhưng cộng dồn thời gian lại, may ra vợ chồng tôi bên nhau được vài tháng. Cả hai lần sinh con, tôi đều “vượt cạn” một mình… Khi anh vào đơn vị, tôi mang bầu cháu lớn. Khi anh về thăm thì con trai đã gần 2 tuổi”. Có lẽ vì xa gia đình lâu, nên ngày anh về thăm, cậu con trai thấy lạ, khóc miết, dỗ mãi mới nín. Hai vợ chồng nhìn nhau mà lặng đi…, chị kể.
Có lẽ, nỗi khổ lớn nhất của vợ chiến sĩ đi đảo là sự chờ đợi, nhớ mong đến khắc khoải. Căn nhà những chiều lộng gió như thênh thang hơn, trống trải hơn! Trung úy Chu Đình Dũng thật hạnh phúc khi có người vợ nết na, hiền thục. Chị đã không quản khó khăn, chấp nhận xa quê, theo anh vào vùng đất Cam Ranh (năm 2004). Vừa nuôi con, chị vừa lo chu toàn mọi chuyện. Từ đôi bàn tay trắng, nghề nghiệp không ổn định, lại xa chồng, chị bươn chải bán bánh cuốn, rồi thu mua phế liệu, nấu rượu nuôi heo…, để rồi Xuân này, gia đình chị cũng được đón Tết trong căn nhà mới khang trang. Nhưng căn nhà vẫn chưa ấm áp khi lại thêm một mùa Xuân nữa, mẹ con chị ôm nhau nằm nghe năm mới đến…
Những khi anh Thành gửi thư về, chị Hoa thường đọc cho các con nghe. |
Cách đó không xa là gia đình cô giáo Trần Thị Hoa. Chị là vợ của Thiếu tá Phan Văn Thành, trợ lý xe tăng đảo Song Tử Tây. Chị Hoa đang lúi húi quét vôi ve cho căn nhà xinh xắn của mình. Nhìn chị thật giản dị trong bộ đồ lao động đã bạc màu của đàn ông. “Tết này, anh có về phép không chị?” - Tôi hỏi. “Không ạ! Anh ấy ở lại trực Tết cùng anh em trên đảo! Mấy năm rồi chẳng có Tết nào anh ấy ở nhà. Dẫu vậy, cứ đến Tết, tôi lại chuẩn bị mọi thứ cho các con đón Xuân” - chị cho biết.
Yêu nhau từ thời chị còn học Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, ra trường tròn 1 năm thì họ bén duyên vợ chồng. Ở nhà chẳng bao lâu thì anh ra đảo, chị xin về dạy tại Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh). 5 năm đã qua, nhưng chị vẫn chưa quên những ngày đầu thuê ngôi nhà cấp 4, nắng lên mưa xuống, ở trong nhà cũng như ngoài sân. “Có khi trời nổi giông, mưa lúc nửa đêm, nước ngập lênh láng nền nhà, 3 mẹ con lại ôm nhau nằm chờ trời sáng”, chị tâm sự trong tiếng thở dài. Nhìn ánh mắt sâu thẳm của người phụ nữ trẻ, tôi hiểu chị đã mất ngủ nhiều đêm vì nhớ chồng. Lặng một lát, nhìn ra nơi cát trắng mịt mù, chị xúc động kể tiếp: “Cực thế nào tôi cũng chịu được, nhưng mỗi lần đọc thư anh (chồng chị) cho con trai nghe, lòng tôi lại se sắt khi cháu lớn hỏi: “Khi nào ba về, mẹ?”. Tôi chẳng biết nói gì, chỉ ôm cháu vào lòng mà thổn thức vỗ về. Không riêng gì tôi, trong khu tập thể này, những người vợ chiến sĩ ở đảo đều buồn vì cảm giác xa vắng triền miên. Các thầy cô ở trường tôi còn trêu: “Có chồng mà sao vẫn còn son”…
Chị Thắm và các con luôn là hậu phương vững chắc để anh Dũng yên tâm công tác. |
Đến nhà Thượng tá Trần Trung Hưng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây, tôi mới cảm nhận hết nỗi khao khát, nhớ thương của người vợ mong chồng. Cầm trên tay tấm hình chụp ngày cưới, chị mân mê rồi nhỏ nhẹ: “Những ngày đầu anh ấy ra đảo, ở nhà một mình, không đêm nào tôi chợp mắt được. Đã thành quen, cứ 21 giờ là vợ chồng tôi lại dành mấy phút “giao ban” trên điện thoại. Có việc gì quan trọng, tôi xin ý kiến anh ấy luôn. Đó cũng là khoảng thời gian ngắn ngủi để tôi cảm nhận hơi ấm của chồng qua tiếng anh nói. Hôm nào mất sóng hay những lúc biết anh ốm đau, lòng tôi cứ như lửa đốt”. Ngày anh về thăm gia đình, tôi vỡ òa trong hạnh phúc. Nhưng chưa kịp cảm nhận hết sự ngọt ngào thì anh đã vội vã ra đảo. Hôm anh lên tàu, tôi làm bữa cơm cúng gia tiên, cầu cho chồng luôn bình an. Bữa cơm chiều dọn ra mà cả nhà cứ lặng nhìn nhau không nói. Rồi con gái lớn chợt nũng nịu: “Ba ở nhà với chúng con, đừng đi nữa nghe ba!”. Vợ chồng tôi chỉ biết cố nén cảm xúc. Anh vội động viên con: “Ba đi rồi ba sẽ sớm về với con. Ở nhà chăm ngoan, vâng lời mẹ, khi về ba sẽ mang thật nhiều ốc biển cho con”. Đêm ấy, vợ chồng tôi thao thức hoài. Nghĩ thương con quá, nhưng vì nhiệm vụ, chúng tôi đành “gác tình riêng, lo việc chung”.
Mùa Xuân này, dù căn nhà nhỏ của những chiến sĩ đảo Trường Sa như rộng ra và trống trải thêm vì thiếu vắng các anh, nhưng chúng tôi tin, ở nơi xa ấy, các anh vẫn chắc tay súng vì biết ở nhà, các chị luôn là người “giữ lửa” cho tổ ấm mãi Xuân…
MẠNH HÙNG