22:24, 22/02/2024

Khi phụ huynh cũng làm kế hoạch nhỏ!

MINH NHẬT

“Mẹ ơi, mẹ gom giấy báo ở cơ quan về để mai con nộp làm kế hoạch nhỏ nha” - cô con gái lớp 6 nhắn cho tôi, kèm theo điều kiện “ít nhất phải 3 ký mới đạt”! Không riêng tôi, mấy hôm nay các chị đồng nghiệp cùng phòng cũng lục tục đi tìm giấy vụn. Làm phép tính nhẩm, nếu mỗi người có 2 đứa con cùng độ tuổi làm kế hoạch nhỏ, vị chi phải cần 6kg giấy báo vụn. Cả phòng làm việc có 5 phụ huynh cùng làm kế hoạch nhỏ với con thì cần tới cả vài chục ký giấy vụn.

Nhưng đâu phải nhà ai cũng có đủ giấy báo vụn cho các con nộp làm kế hoạch nhỏ. Con gái tôi còn nói, cô giáo bảo vừa phải nộp giấy vụn vừa phải nộp vỏ lon bia. Tôi hỏi nếu không nộp đủ thì sao, con bảo lớp sẽ bị trừ điểm thi đua. Dĩ nhiên là các bạn nhỏ đều sợ bị ảnh hưởng đến thành tích của lớp nên bằng mọi cách phải huy động bố mẹ giúp mình. Thế nên mới có chuyện có phụ huynh gom mãi không đủ ký giấy báo mới chạy ra tiệm phế liệu mua hẳn 5kg báo cũ cho con đi nộp. Ra tới tiệm phế liệu thì thấy nhiều ông bố bà mẹ khác cũng giống mình, đi mua cho nhanh. Chuyện nộp vỏ lon bia cũng có nhiều câu chuyện vui khi ba ngày Tết, các con cứ mong bố uống nhiều bia để có vỏ lon ra Tết đi nộp!

Không thể phủ nhận ý nghĩa của phong trào kế hoạch nhỏ. Phong trào này thường được thực hiện mỗi năm 2 lần trong năm học, số tiền thu được sẽ được các trường dùng để thực hiện các hoạt động ý nghĩa như giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, làm các công trình măng non… Phong trào giúp học sinh hình thành ý thức tiết kiệm, có tinh thần tương thân tương ái. Nhưng có thể thấy phong trào kế hoạch nhỏ đang ngày càng trở nên hình thức và nặng tính thành tích, nhiều học sinh tham gia nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa, chưa tự mình thực hiện. Thế nên các phụ huynh cũng phải vào cuộc giúp con mình hoàn thành chỉ tiêu để không bị ảnh hưởng đến thành tích của lớp. Thậm chí có nhiều lớp đầu năm khi nói đến phong trào kế hoạch nhỏ, có ý kiến phụ huynh đóng tiền vào thay vì bắt các con thu gom giấy báo vụn. Sau “phương pháp” này bị cấm, các con lại được khuyến khích làm kế hoạch nhỏ theo kiểu cũ. Nhưng thực tế thì có bao nhiêu học sinh tự làm được điều này? Hay cứ tới hạn nộp thì phụ huynh lại đi tìm kiếm, thu gom giấy báo, vỏ lon, các con chỉ có việc mang tới lớp để nộp?

Với tuổi đời rất lâu của phong trào, nhiều phụ huynh cũng đã từng có cả tuổi thơ gắn với các hoạt động kế hoạch nhỏ, tùy từng thời điểm, tùy từng vùng miền. Điều đó cho thấy phong trào kế hoạch nhỏ mang ý nghĩa lớn. Nhưng cuộc sống ngày càng thay đổi, phong trào cũng cần có sự linh hoạt, sáng tạo và đa dạng hơn, không nên chạy theo thành tích. Phong trào phải làm sao để các học sinh hiểu được ý nghĩa, tích cực tham gia, tham gia bằng sự tự nguyện, hào hứng, nhiệt tình chứ không phải mang tới nộp là xong! Không nhất thiết phải là thu gom giấy báo vụn, vỏ lon, các trường có thể tổ chức những hoạt động thiết thực như: Khuyến khích học sinh làm đồ handmade, tổ chức phiên chợ bán gây quỹ từ thiện; nuôi heo đất của lớp; thu gom quần áo cũ, tặng lại sách cũ, truyện tranh cho các bạn vùng sâu, vùng xa… Những hoạt động này vừa ý nghĩa vừa giúp học sinh có ý thức tiết kiệm, rèn luyện kỹ năng sống, tạo hứng khởi cho các con tham gia.

Một anh bạn có con học cấp hai kể, lúc anh tới tiệm phế liệu mua giấy báo cũ, chủ tiệm bảo năm nào tới thời điểm này tiệm bán giấy báo, vỏ lon đắt như tôm tươi. Rồi vài tuần sau, các trường lại gọi chủ tiệm tới cân ký giấy báo, vỏ lon. Năm nào cũng luẩn quẩn như thế!

Nghe xong chuyện không biết nên vui hay buồn!

MINH NHẬT