20:59, 22/05/2024

Vạn Hưng: Khang trang xã nông thôn mới nâng cao

HỒNG ĐĂNG

Gần 15 năm nỗ lực phấn đấu, trải qua không ít khó khăn, nhưng với lộ trình cụ thể, thống nhất, sự đoàn kết, đồng lòng và tham gia tích cực của nhân dân, xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh) đã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) nâng cao với hạ tầng khang trang, xanh - sạch - đẹp, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được nâng lên rõ rệt.

Một góc xã nông thôn mới nâng cao Vạn Hưng
Một góc xã Vạn Hưng.

Chăm lo kinh tế

Ông Trần Thanh Tòng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, Vạn Hưng là xã thuần nông, 85% người dân trong độ tuổi lao động gắn bó với nông nghiệp. Do đó, trong nỗ lực phát triển kinh tế, cùng với sự định hướng, khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trên địa bàn đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, không ngừng nâng cao chất lượng nông sản, từ đó nâng cao thu nhập.

Cây trồng chủ lực của nhân dân xã Vạn Hưng là tỏi sẻ. Hơn 130ha tỏi trên địa bàn xã đã không ngừng được chăm lo, cải tiến quy trình, kỹ thuật ngày một nâng cao chất lượng, sản lượng và từng bước trở thành sản phẩm chủ lực của xã với sản lượng hàng năm khoảng 1.300 tấn. Hợp tác xã sản xuất tỏi sẻ ra đời, mã số vùng trồng tỏi được thiết lập, nông dân trồng tỏi cũng đang tích cực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tỏi sẻ sau khi đã đạt 3 sao OCOP.

Chủ lực cây trồng của xã Vạn Hưng là tỏi sẻ
Cây trồng chủ lực của xã Vạn Hưng là tỏi sẻ.

Ngoài ra, những năm qua, nông dân trên địa bàn xã đã chuyển đổi hàng chục héc-ta vườn, rẫy để trồng cây ăn quả. Trong đó, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, ngân sách nhà nước đã thực hiện hỗ trợ nhân dân gần 500 triệu đồng để chuyển đổi 23ha (35 hộ tham gia) đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng xoài, dừa, mít với hiệu quả kinh tế cao hơn. Với cây lúa, xã xây dựng mô hình sản xuất giống lúa mới áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên diện tích 89ha, với 192 hộ tham gia, kinh phí 520 triệu đồng nhằm tăng năng suất, giá trị cho cây lúa.

Cùng với đó, hàng chục héc-ta nuôi tôm thẻ chân trắng được ngư dân áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại, nuôi trong đìa tròn lót bạt thay vì đìa đất hình vuông như trước đây. Ngoài ra, vùng nuôi trồng thủy sản của xã còn có cá mú, tôm hùm… đều là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Nơi đây cũng là thủ phủ của hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm nuôi biển thông qua Trung tâm Quốc gia giống hải sản miền Trung thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đóng chân trên địa bàn.

Khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng của xã Vạn Hưng
Khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng của xã Vạn Hưng.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, xã cũng đã phát triển một số ngành nghề, như: Khai thác, chế biến vật liệu xây dựng; dịch vụ nông nghiệp… Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập ổn định hơn 6 triệu đồng/người/tháng. Xã cũng đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, dạy nghề, truyền nghề cho lao động nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 98,58% và 35,41% trong số đó có chứng chỉ, bằng cấp. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã với mức hơn 61 triệu đồng/người/năm; đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của xã xuống còn 2,55%...

Hạ tầng khang trang

Ông Nguyễn Đình Cường (thôn Xuân Tự) chia sẻ, Vạn Hưng trước kia là một xóm chài nhỏ bé, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Những ngày đầu xây dựng NTM, hầu hết người dân vẫn còn khá mơ hồ, coi đó là việc của Nhà nước. Nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã khơi dậy và huy động được tinh thần đoàn kết, thi đua trong mỗi người dân, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện phát triển đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân. Người dân đã chung tay góp sức hiến đất làm đường, chăm lo phát triển kinh tế, giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… Giờ đây, người dân được sống trong môi trường xanh - sạch - đẹp, điện, đường, trường, trạm, nước sạch… được đầu tư khang trang, hiện đại.

Theo ông Trần Thanh Tòng, từ năm 2011 đến nay, xã Vạn Hưng đã tích cực huy động các nguồn lực để xây dựng NTM với tổng số vốn hơn 120 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa 70 tuyến đường giao thông; lắp đặt hệ thống chiếu sáng 9 tuyến đường; sửa chữa, nâng cấp và kiên cố hóa 17 công trình kênh mương, đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân và nước tưới cho hơn 93% diện tích đất nông nghiệp... Mặt khác, xã đã đạt chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai lan tỏa, có hơn 99% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa... 

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vạn Hưng tiếp tục tập trung đầu tư nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thực tế sử dụng lao động của doanh nghiệp và địa phương. Qua đó, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, đảm bảo duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí trong chương trình NTM. 

Ông TRẦN THANH TÒNG - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng: Cùng với việc tập trung triển khai các giải pháp để duy trì và giữ vững đạt chuẩn xã NTM nâng cao, theo quy hoạch chung Khu Kinh tế Vân Phong, Vạn Hưng nằm trong phân khu 13 - Khu công nghiệp dịch vụ Vạn Hưng và Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Dốc Đá Trắng. Đây là cơ hội và điều kiện thuận lợi để xã từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế, hướng đến hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm tạo nguồn lực và cơ sở trong quá trình xây dựng NTM gắn với đô thị hóa trên địa bàn xã trong thời gian đến.

HỒNG ĐĂNG