10:02, 08/02/2023

Cẩn trọng với hội chứng rung lắc ở trẻ

Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống một bệnh nhi 4 tháng tuổi bị chảy máu não do hội chứng rung lắc. Theo các bác sĩ, thói quen rung lắc bé, hành động vô ý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.

Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa vừa cứu sống một bệnh nhi 4 tháng tuổi bị chảy máu não do hội chứng rung lắc. Theo các bác sĩ, thói quen rung lắc bé, hành động vô ý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.


Ảnh hưởng nặng đến sức khỏe


Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy - Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết, trường hợp trên là con của bà N.N.T.T (phường Phương Sài, TP. Nha Trang). Theo lời bà T., bé khởi bệnh ngày 23-1, li bì, bú kém, kèm theo thở nấc. Bé vào Khoa Nhi ngày 24-1 trong tình trạng hôn mê, đồng tử 2 bên đều giãn có đáp ứng với ánh sáng, thở nấc, tím môi, nhịp tim rõ đều, thóp trước phồng, bụng mềm. Qua khai thác thông tin, bé sinh thường đủ tháng, không sặc sữa, ngủ bằng nôi không rung lắc mạnh, không có tiền sử té ngã. Cách ngày nhập viện 2 ngày, bé được mẹ đưa đi chơi, được chuyền tay qua nhiều người bồng và rung lắc bé. Kết quả xét nghiệm, chụp CT scan sọ não cho thấy, bé bị thiếu máu trung bình, xuất huyết dưới nhện rải rác 2 bán cầu não, tụ máu dưới màng cứng diện mỏng vùng thái dương - chẩm 2 bên, phù não. Bệnh nhi được chẩn đoán xuất huyết não nghi do hội chứng rung lắc. Sau khi hội chẩn với bác sĩ ngoại khoa chuyên ngành thần kinh, bé được chỉ định không can thiệp ngoại khoa, được điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Nhi với thở máy, điều chỉnh rối loạn thông khí, rối loạn điện giải, truyền máu, cắt cơn co giật, nuôi dưỡng tĩnh mạch. Sau 7 ngày điều trị tích cực, trẻ tỉnh, được cai máy thở, rút ống nội khí quản. Đến ngày 6-2, trẻ tỉnh táo, bú tốt, dấu hiệu sinh tồn ổn định hoàn toàn, dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

 

Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhi đã ổn định sức khỏe.

Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhi đã ổn định sức khỏe.


Trước đây, Khoa Nhi, BVĐK tỉnh đã cứu sống trường hợp tương tự. Bệnh nhi N.T.L (30 ngày tuổi, thị trấn Khánh Vĩnh) do bố bồng tắm nắng, rung lắc bị trượt tay làm bé rơi xuống đất. Sau tai nạn, bé được chuyển vào BVĐK tỉnh trong tình trạng hôn mê, biến dạng vòng đầu, rối loạn hô hấp. Kết quả chụp CT scan sọ não cho thấy xuất huyết não vùng trán phải, rải rác 2 bán cầu não và liềm não, tụ máu dưới màng cứng, phù não, vỡ lún sọ vùng thái dương đỉnh chẩm bên phải. Sau 10 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi ổn định và được xuất viện.


Cần bỏ ngay thói quen rung lắc trẻ


Bác sĩ Huy cảnh báo: Thói quen rung lắc, hành động vô ý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Không ít trường hợp trẻ phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có thể ảnh hưởng đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề. Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khối lượng đầu trẻ chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 1⁄4 trọng lượng, trong khi cơ cổ rất yếu, chưa chịu được sức nặng của đầu, não bộ chưa phát triển nhiều. Khi bị rung lắc mạnh, nhất là động tác tung hứng, quay vòng trò


Triệu chứng nhận biết hội chứng rung lắc có thể xuất hiện ngay lập tức sau khi trẻ bị rung lắc, sau đó tiến triển nặng dần, gồm: Rối loạn tri giác ở nhiều mức độ; lừ đừ, vật vã, hoặc hôn mê; co giật; nôn; bú kém hoặc bỏ bú; nhịp thở chậm và bất thường; thóp phồng... Khi xuất hiện những dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc hội chứng rung lắc, phụ huynh cần: gọi xe cấp cứu, không nên vận chuyển bằng các phương tiện thông thường; không bế xốc trẻ lên hay cố gắng lắc thêm làm cho trẻ tỉnh lại, không cho trẻ ăn, bú. Nếu trẻ ngừng thở trước khi có cấp cứu hỗ trợ, cần phải tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu chấn thương cổ, nên cố định cổ và tránh xoay trở trẻ. Nếu trẻ nôn và không có chấn thương cổ, cần xoay nhẹ đầu trẻ về một bên để tránh sặc và ngừng thở.


Phụ huynh, người thân cần tránh những động tác xoay chuyển đầu trẻ một cách đột ngột, như: Rung lắc nôi, không bồng bế thốc ngược hay vác trẻ gấp gáp; không tung hứng trẻ khi nô đùa; không tát, đánh vào tai, đầu, mặt trẻ. Các thành viên trong gia đình và người chăm sóc trẻ cần nhận thức được sự nguy hiểm của hội chứng rung lắc ở trẻ để đề phòng, xử lý kịp thời...

 

Hội chứng rung lắc là một dạng chấn thương đầu và não nghiêm trọng xảy ra ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ khi bị rung lắc mạnh. Hội chứng này hay gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh đến 8 tháng tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 5 tuổi cũng có thể bị ảnh hưởng. Nguyên nhân gây ra hội chứng rung lắc thường do việc rung lắc mạnh nhằm dỗ trẻ bớt khóc, thói quen đưa võng, lắc nôi ru trẻ ngủ, hoặc những động tác đơn giản khi chơi đùa nhưng làm thay đổi tư thế trẻ nhanh đột ngột, như: Trẻ đang nằm được bế thốc dậy, tung cao trẻ, bồng trẻ đưa lên đưa xuống nhanh, nhấc bổng trẻ lên cao… đều có thể gây nguy hại đến trẻ dù chỉ với thời gian ngắn.


THẢO LY