Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 16-11, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 của tỉnh là 86,2%. Đối với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 60%; từ 5 đến dưới 12 tuổi tỷ lệ tiêm mũi 1 là 93,8%, tiêm mũi 2 là 53,7%.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 16-11, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 của tỉnh là 86,2%. Đối với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 3 là 60%; từ 5 đến dưới 12 tuổi tỷ lệ tiêm mũi 1 là 93,8%, tiêm mũi 2 là 53,7%.
Theo ghi nhận của Viện Pasteur Nha Trang ở 11 tỉnh khu vực miền Trung, tỷ lệ tiêm mũi 3 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên chỉ đạt 70%; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi chỉ đạt 50,6%, thấp nhất so với các khu vực khác trên toàn quốc. Ở nước ta hiện nay, việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng Covid-19 là cần thiết để phòng mắc bệnh hoặc tái mắc bệnh, nếu bị bệnh sẽ giảm nguy cơ nặng, tử vong trong bối cảnh xuất hiện các biến chủng mới khó lường. Tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi nhắc lại sẽ có nhiều lợi ích thiết thực để bảo vệ an toàn cho bản thân người tiêm, gia đình và cộng đồng.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần đưa con đi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đối với nhóm trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi cần tiêm mũi 3; từ 5 đến dưới 12 tuổi đi tiêm đủ 2 mũi tại các cơ sở y tế gần nhất để bảo vệ trẻ khỏi mắc Covid-19, tránh tình trạng bệnh nặng hậu Covid-19 là hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em (MIS-C). Tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng, đặc biệt là những người có nguy cơ cao, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Theo bác sĩ Toàn, mắc Covid-19 ở người lớn và trẻ em có những điều khác biệt. Ở người lớn có biểu hiện biến chứng suy hô hấp, nếu nguy kịch có thể dẫn đến tử vong. Ở trẻ em, sau khi mắc Covid-19 từ 4 đến 6 tuần có thể diễn biến nặng, dẫn tới mắc hội chứng MIS-C. Hội chứng MIS-C chính là tình trạng đáp ứng viêm quá mức của cơ thể khi phản ứng với các thành phần của vi rút. Việc này ảnh hưởng đến tất cả cơ quan, trong đó có hệ tim mạch, da, cơ, gan, thần kinh, thận... Nếu trẻ em mắc hội chứng MIS-C không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Một vấn đề cũng cần lưu ý là số tiền để điều trị những ca bệnh hội chứng MIS-C rất tốn kém, có khi đến mấy trăm triệu đồng, tăng gánh nặng cho chi phí điều trị.
Như vậy, việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 không những có tác dụng tránh mắc hội chứng MIS-C mà còn góp phần bảo vệ, làm giảm mức độ nặng khi trẻ mắc hội chứng này. Theo kết quả nghiên cứu tại Mỹ, nếu như tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 ở trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, hiệu quả bảo vệ chống lại MIS-C là 91%. Ở Bệnh viện Nhi Trung ương - Hà Nội, qua theo dõi trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi mắc MIS-C mức độ nặng cần phải điều trị tích cực, hầu hết là trẻ chưa tiêm vắc xin. Hiện nay, vi rút đã có những biến chủng mới, vắc xin phòng Covid-19 vẫn cho thấy đáp ứng tốt trong phòng bệnh; các tác dụng phụ sau tiêm vắc xin đều nhẹ. Đánh giá của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho thấy, vắc xin Covid-19 đang sử dụng rất an toàn, lợi ích của tiêm vắc xin là rất lớn. Đây là cơ hội giúp cho cộng đồng được bảo vệ, giữ vững được thành quả của công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt thời gian qua.
Bác sĩ Toàn lưu ý, hiện nay, nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19. Vì vậy, nếu tất cả các nhóm tuổi được tiêm đầy đủ liều vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp bảo vệ cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Sau khi tiêm từ 4 đến 6 tháng, kháng thể bảo vệ của vắc xin phòng Covid-19 sẽ giảm theo thời gian. Vì vậy, người dân cần tiêm nhắc lại để duy trì hệ miễn dịch, cũng là biện pháp tốt nhất để phòng được các biến thể mới của vi rút.
Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)