10:11, 20/11/2022

Nghiên cứu việc thực hiện phòng, chống tác hại thuốc lá: Cơ sở để xây dựng kế hoạch can thiệp thời gian tới

Giai đoạn 2019 - 2020, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá - Bộ Y tế cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá về kết quả thực hiện công tác Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Giai đoạn 2019 - 2020, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) - Bộ Y tế cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đánh giá về kết quả thực hiện công tác PCTHTL. Kết quả của các nghiên cứu là cơ sở quan trọng để phục vụ việc xây dựng kế hoạch can thiệp và các chính sách về PCTHTL trong thời gian tới.


Đánh giá các biện pháp can thiệp


Theo đó, nghiên cứu “Chi phí - chi phí hiệu quả của một số can thiệp PCTHTL” tập trung vào đánh giá 6 biện pháp can thiệp tiêu biểu đã và đang được triển khai tại Việt Nam. 6 biện pháp can thiệp này được chia làm 2 nhóm chính là nhóm can thiệp về kiến thức, thái độ, hành vi và nhóm can thiệp về chính sách. Trong đó, nhóm can thiệp về kiến thức, thái độ, hành vi bao gồm các hoạt động: Truyền thông; xây dựng môi trường không khói thuốc; hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Nhóm can thiệp về chính sách bao gồm: In cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá; tăng thuế thuốc lá.

 

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyên truyền cho người đến khám bệnh  về tác hại của thuốc lá.

Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tuyên truyền cho người đến khám bệnh về tác hại của thuốc lá.


Kết quả nghiên cứu cho thấy, tất cả các biện pháp PCTHTL đã và đang được triển khai đều là những biện pháp đúng đắn và hiệu quả so với chi phí thực hiện. Trong đó, giải pháp tăng thuế và in cảnh báo sức khỏe hình ảnh trên bao thuốc là hai biện pháp được đánh giá có hiệu quả cao và cần đẩy mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các biện pháp nhằm thay đổi kiến thức, thái độ, hành vi vẫn cần tiếp tục duy trì để đảm bảo các hoạt động được triển khai đồng bộ nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho cả hai nhóm can thiệp. Đồng thời, năm 2019, Việt Nam có nghiên cứu đánh giá hiệu quả của cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh và đề xuất xây dựng bộ cảnh báo theo Luật PCTHTL.


Chỉ ra thực trạng


Khánh Hòa là 1 trong 34 tỉnh, thành phố năm 2020 đã triển khai nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá và thực hiện Luật PCTHTL. Nghiên cứu cung cấp về tình hình hút thuốc lá và hút thuốc thụ động ở người trưởng thành; kiến thức của người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của người trưởng thành; thực hiện cai nghiện thuốc lá; thực trạng thực thi môi trường không khói thuốc. Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Luật PCTHTL.


 Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, qua nghiên cứu, tỷ lệ người hút thuốc lá chung của tỉnh là 27,2%. Tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới là 49,6%, trong đó 41,3% đối tượng nghiên cứu hút thuốc lá hàng ngày; tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới là 4,8%. Người sống ở khu vực thành thị có tỷ lệ hút thuốc lá hàng ngày cao hơn người ở nông thôn (24,7% và 21,7%). Về thuốc lá điện tử, có 32,4% đối tượng nghiên cứu từng nghe về thuốc lá điện tử (ở thành thị từng nghe về thuốc lá điện tử chiếm 48,3%, đối tượng có trình độ đại học trở lên nghe về thuốc lá điện tử chiếm 58%); tỷ lệ đối tượng từng sử dụng thuốc lá điện tử và đang sử dụng thuốc lá điện tử là 4,4%.


Đối với hút thuốc lá trong nhà, tỷ lệ phơi nhiễm với thuốc lá chung là 63,5%. Nhóm trẻ 15-24 tuổi bị phơi nhiễm thuốc lá trong nhà chiếm đến 67,2%. Ở nông thôn, tỷ lệ phơi nhiễm thuốc lá trong nhà là 66,2%, cao hơn so với thành thị là 56,4%. Tỷ lệ hút thuốc lá nơi công cộng, quán cà phê, nhà hàng chiếm tỷ lệ cao nhất với 90,3%; tại khách sạn 55,3%; tại cơ quan nhà nước 34,5%; tại trường đại học, cao đẳng 28,9%; tại bệnh viện, cơ sở y tế thấp nhất là 26,5%. Nhóm đang hút thuốc lá nhận thông tin tư vấn qua tổng đài cai nghiện thuốc lá Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chiếm tỷ lệ 4,7%. Tỷ lệ đối tượng nghiên cứu nhận thức hút thuốc lá có tác hại gây ra những bệnh nguy hiểm là 92,6%; trong đó 80,8% cho rằng hút thuốc lá gây ra đột quỵ, đau tim là 82,1%, ung thư phổi 95,4% và gây ra cả 3 bệnh trên là 74,3%. Ở nhóm đang hút thuốc lá, tỷ lệ này thấp hơn, chỉ có 78% cho rằng hút thuốc lá gây ra đột quỵ, 71% cho là hút thuốc lá gây ra cả 3 bệnh trên.


Nhóm nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị, trong thời gian tới các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông PCTHTL; triển khai các mô hình cai nghiện thuốc lá phù hợp, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt các hành vi vi phạm Luật PCTHTL.


Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)