Những năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong nước nói chung và ở tỉnh nói riêng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là từ khi Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ra đời (năm 2013). Tuy nhiên, công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn.
Những năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) trong nước nói chung và ở tỉnh nói riêng đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhất là từ khi Luật PCTHCTL ra đời (năm 2013). Tuy nhiên, công tác này hiện nay vẫn còn gặp nhiều hạn chế, khó khăn.
Nhiều tác hại khi hút thuốc
Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 25 lần người không hút thuốc. Hút thuốc dẫn đến nguy cơ mắc các loại ung thư như: mũi, miệng, thanh quản, khí quản, thực quản, dạ dày, tụy, thận, bàng quang, cổ tử cung, tủy xương và máu… Nguyên nhân là 41.000 hóa chất có trong thuốc lá xâm nhập qua các vách phế nang tại phổi, ngấm vào cơ thể. Những hóa chất này có khả năng tạo ra đột biến trong các tế bào cơ thể khiến cho chúng sinh sôi theo cách không kiểm soát, dẫn đến ung thư. Các hóa chất có trong khói thuốc còn tác động đến toàn bộ thành phần của hệ tuần hoàn và cơ quan tạo máu; làm cho thành mạch dày hơn và dễ hình thành cục máu đông hơn. Bên cạnh đó, nó cũng gây co thắt mạch máu, tăng huyết áp, dẫn đến sự hình thành mảng bám - làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Do đó, một người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao gấp hai đến bốn lần so với người không hút thuốc. Hút thuốc lá còn có khả năng gây bất lực ở nam giới, sảy thai ở nữ giới…
Theo khảo sát của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, khi tiến hành phân tích một số mẫu thuốc lá, Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá đã kết luận hàm lượng các chất gây hại, gây nghiện là tar (hắc ín) và nicotin trong thuốc lá, nhất là thuốc lá lậu cao hơn 1,5 lần so với tiêu chuẩn. Các mẫu thuốc lá này cũng có độ ẩm cao hơn so với độ ẩm của thuốc lá điếu sản xuất trong nước, dễ phát sinh nấm men, nấm mốc, ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng.
Còn nhiều hạn chế
Theo Bộ Y tế, sau gần 10 năm thực hiện Luật PCTHCTL, công tác phòng, chống trong nước đạt được một số kết quả tích cực. Trên toàn quốc đã có gần 7.000 người tham gia chương trình tư vấn cai thuốc lá, trong đó có hơn 1.110 người đã cai nghiện thành công. Nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành do Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện cho thấy, tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% (năm 2015) lên 72,2% (năm 2020). Riêng tại Khánh Hòa, kết quả khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh năm 2020 cho thấy, có 43,2% đối tượng nghiên cứu biết được hút thuốc lá tại nơi làm việc là bị cấm; hơn 60% người biết được nguồn thông tin về PCTHCTL từ các phương tiện thông tin đại chúng; có 32,4% người đã từng nghe về thuốc lá điện tử và hơn 1/3 người tham gia nghiên cứu cho rằng thuốc lá điện tử cũng có hại như thuốc lá điếu…
Theo Bộ Y tế, hiện nay, hầu hết các cấp chính quyền đã có trách nhiệm triển khai luật, thành lập ban chỉ đạo, phân công, phân nhiệm từng thành viên tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, hoạt động của ban chỉ đạo đa phần còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Nhiều địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị là thành viên của ban chỉ đạo để triển khai các hoạt động PCTHCTL nên chưa mang lại hiệu quả cao. Luật PCTHCTL quy định: UBND các cấp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, bố trí nhân lực, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm chủ trì, tổ chức việc xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm công cộng có quy định cấm thuộc địa bàn quản lý… Tuy nhiên, việc thực hiện xử phạt còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, kế hoạch PCTHCTL của các địa phương chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, tập huấn, hưởng ứng ngày Thế giới không khói thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc nên các hoạt động tuyên truyền chưa thường xuyên, liên tục; các kế hoạch được xây dựng chưa chú trọng vào hoạt động thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho các hoạt động PCTHCTL tại các địa phương rất hạn hẹp; không có kinh phí hỗ trợ cho những cán bộ trực tiếp triển khai các hoạt động PCTHCTL, do vậy không động viên, thu hút cán bộ, nhân viên, cộng tác viên tham gia tích cực dẫn đến hiệu quả đối với công tác PCTHCTL trên từng địa bàn chưa cao…
C.ĐAN