Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn diễn ra phổ biến ở một số vùng, miền trên toàn quốc, nhất là vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tình hình vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá còn diễn ra phổ biến ở một số vùng, miền trên toàn quốc, nhất là vi phạm quy định cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm thuốc lá.
Vẫn còn vi phạm
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá chỉ được tài trợ nhân đạo cho chương trình xóa đói, giảm nghèo; phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, thảm họa; phòng, chống buôn lậu thuốc lá và không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về việc tài trợ đó. Luật Quảng cáo quy định “cấm quảng cáo thuốc lá”. Luật Thương mại quy định “cấm khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá để khuyến mại dưới mọi hình thức”.
Về thực hiện quy định cấm quảng cáo, hiện nay, không còn hiện tượng quảng cáo trên truyền hình, báo chí, phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo trên các kênh giải trí, YouTube, mạng xã hội vẫn chưa quản lý được. Thực tế còn tình trạng quảng cáo, giới thiệu về thuốc lá điện tử trên mạng xã hội. Tình trạng trưng bày quá một bao, một tút cho một sản phẩm thuốc lá tại điểm bán thuốc lá khá phổ biến.
Các nghiên cứu về hình thức vi phạm quy định cấm quảng cáo tại các điểm bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam do Trường Đại học Y tế công cộng (Hà Nội) thực hiện từ năm 2015 đến 2017 cho thấy, tỷ lệ vi phạm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá tại các điểm bán lẻ thuốc lá trên toàn quốc khá cao. Cụ thể, có tới 82,5% điểm bán vi phạm quy định về trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá, trong đó cao nhất là các điểm bán lẻ thuốc lá ở TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ với hơn 90%. Kết quả điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GATS) và nghiên cứu tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam do Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá thực hiện năm 2020 cho thấy, tỷ lệ người trưởng thành trên 25 tuổi nhận biết thông tin quảng cáo về sản phẩm thuốc lá tại Việt Nam tăng từ 15,7% (năm 2015) lên 18,5% (năm 2020). Các địa điểm quảng cáo phổ biến là tại các cửa hàng, quán cà phê. Tỷ lệ vi phạm quy định cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá tăng mạnh nhất là trên Internet (tăng từ 0,8% năm 2015 lên 5,1% năm 2020). Nghiên cứu cho thấy, các tỉnh, thành phố không phát hiện và xử lý được trường hợp khuyến mại thuốc lá nào.
Đối với hoạt động tài trợ, vẫn còn hiện tượng công ty thuốc lá tài trợ cho các hoạt động nhân đạo và một số cơ quan báo chí vẫn đưa tin, bài về hoạt động tài trợ, nhân đạo của công ty thuốc lá nhằm mục đích quảng cáo. Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắc nhở và yêu cầu gỡ bài đối với những tin, bài vi phạm nhưng chưa xử phạt vi phạm hành chính.
Thuốc lá nào cũng có hại
Các sản phẩm thuốc lá là sản phẩm gây nghiện do có chứa nicotine là chất gây nghiện. Theo bảng phân loại bệnh tật quốc tế thì lệ thuộc nicotine được phân loại mã bệnh 6C4A.2, là một bệnh thuộc loại rối loạn do sử dụng chất kích thích hoặc các hành vi gây nghiện. Vì vậy, người hút thuốc lá rất khó bỏ ngay cả khi biết rất rõ về tác hại của việc hút thuốc.
Thời gian gần đây, Việt Nam xuất hiện các sản phẩm thuốc lá mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha), trong đó thuốc lá điện tử quảng cáo và bán nhiều nhất là trên mạng xã hội. Để mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm mới tại các nước, trong đó có Việt Nam, các tập đoàn thuốc lá đa quốc gia đã đưa ra nhiều quảng cáo chứng minh các sản phẩm này ít hại hơn thuốc lá điếu thông thường, giúp cai nghiện thuốc lá điếu… Tuy nhiên, điều này không đúng sự thật, bởi dù là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử đều có tác hại. Vì thế, cần sớm có giải pháp hạn chế những quảng cáo không đúng về các loại thuốc lá mới.
Đặng Hồng Hoa
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)