Ngày 8-7-2022, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Ngày 8-7-2022, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Dịch có khả năng gia tăng trở lại
Theo nhận định của Bộ Y tế, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể xuất hiện các biến chủng mới, vắc xin phòng Covid-19 giảm khả năng miễn dịch theo thời gian. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương phải tiếp tục thần tốc hơn nữa trong triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trên thế giới số ca mắc Covid-19 hiện tăng 8%, tử vong giảm 3%. Nhiều nước đang lo ngại bùng phát mới trong mùa hè. Điều đáng lưu ý, trước đây lưu hành chủ yếu hai biến thể phụ của Omicron là BA.1, BA.2 thì đến nay một số nước ở khu vực châu Âu và Mỹ đã xuất hiện biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số ca mắc. Tổ chức Y tế thế giới nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch; đồng thời, cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện là biến thể phổ biến nhưng chưa phải là biến thể cuối cùng. Vì thế, các nước vẫn cần tiếp tục duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin, giám sát trọng điểm… Thời gian qua, hệ thống giám sát phòng, chống bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam đã liên tục phát huy việc giám sát và qua giải trình tự gen cho thấy hiện đã có sự xâm nhập biến thể phụ BA.5 của Omicron vào nước ta. Biến thể này có thể có nguy cơ lấn át biến thể cũ (BA.1 và BA.2).
Phòng bệnh bằng vắc xin là hiệu quả nhất
Để thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, tăng cường tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, tiêm mũi 4 cho các đối tượng.
Về tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, Bộ Y tế nêu rõ, việc tiêm liều bổ sung (không phải mũi 3) bao gồm người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng; người cấy ghép nội tạng và đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; người điều trị bằng liệu pháp thụ thể kháng thể tế bào T hoặc được cấy ghép tế bào gốc (trong vòng 2 năm qua); người suy giảm miễn dịch nguyên phát trung bình hoặc nặng; người nhiễm HIV tiến triển hoặc không được điều trị; người đang điều trị tích cực corticosteroid hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch liều cao; người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vắc xin Vero cell hoặc Sputnik V. Về tiêm liều nhắc lại lần 1 (mũi 3) và lần 2 (mũi 4), không tính liều bổ sung, đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản.
Tiến sĩ, bác sĩ Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết, nghiên cứu trên 32.000 ca Covid-19 tử vong tại nước ta cho thấy có đến gần 53% số ca tử vong chưa tiêm bất cứ mũi vắc xin Covid-19 nào. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản. Các nghiên cứu cho thấy sau 3 tháng tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 thì hiệu quả bảo vệ của vắc xin sẽ giảm dần. Sau 3 tháng, hiệu quả bảo vệ chỉ còn 51%, sau 4-5 tháng hiệu quả tiếp tục giảm, thậm chí chỉ còn 10-20%. Do đó, người dân nào tiêm đủ 2 mũi cơ bản đã được 3 tháng cần tiêm mũi 3 nhắc lại. Ai đã nhắc lại mũi 3 được 3 tháng thì nên tiếp tục tiêm mũi 4, đặc biệt là những người có nguy cơ cao mắc Covid-19 và nếu mắc Covid-19 có thể bệnh nặng.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 11-7, tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên ở tỉnh đã tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1) đạt 51,02%; mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) đạt 11,09%. Đối với nhóm 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi nhắc lại đạt 22,5%; đối với nhóm trẻ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi, số trẻ đã tiêm mũi 1 là 53.736 (đạt tỷ lệ 38,38%); số trẻ đã tiêm mũi 2 là 13.956 (đạt tỷ lệ gần 10%).
Quế Lâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)