Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra và kiểm tra là những nội dung quan trọng trong kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thanh tra và kiểm tra là những nội dung quan trọng trong kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030.
Theo kế hoạch phòng, chống tác hại thuốc lá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2020 và định hướng đến năm 2030 do Sở Y tế xây dựng, đến năm 2030, hơn 95% trường học (từ cấp mầm non đến THPT) và 6 trường cao đẳng, đại học ở tỉnh thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học; ít nhất có 60 nhà hàng, khách sạn 3 sao trở lên có khu vực dành riêng cho người hút thuốc lá; 50 nhà máy, xí nghiệp thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc trong nhà; hơn 600 cán bộ nòng cốt tham gia vào hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá được tập huấn các nội dung liên quan…
Cùng với đó, kế hoạch đặt mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn thực hiện. Đồng thời, triển khai thực hiện các quy định về môi trường không khói thuốc; phát triển các mô hình cai nghiện thuốc lá; tất cả các cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, địa phương ở tỉnh kiện toàn ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp về tác hại của thuốc lá và các quy định của pháp luật cho người dân…
Theo bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế, để đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu nêu trên, kế hoạch đề ra những giải pháp toàn diện, tập trung vào nhiều hoạt động. Cụ thể, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tác hại thuốc lá; nâng cao năng lực truyền thông trực tiếp cho đội ngũ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, thôn bản, cộng tác viên tại cộng đồng. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông theo hướng đa phương tiện thông qua Internet, mạng xã hội, sân khấu tương tác… nhằm phổ biến đến từng người dân về tác hại của khói thuốc lá, các quy định về phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đồng thời, huy động sự ủng hộ, tham gia của cộng đồng, trong đó lấy lực lượng đoàn thanh niên, công đoàn, hội phụ nữ làm nòng cốt trong việc tuyên truyền vận động, hỗ trợ triển khai, giám sát việc thực thi các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị tổ chức thanh tra, kiểm tra đánh giá về hiệu quả của công tác tuyên truyền, sự chuyển biến trong thực hiện chính sách không hút thuốc lá nơi công cộng và nơi làm việc đối với những đơn vị được chọn thí điểm; khen thưởng, động viên kịp thời những tổ chức, cá nhân nghiêm túc thực hiện các quy định và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị tiếp tục niêm yết công khai quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng, cơ quan, đơn vị; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc xây dựng và thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, về các biện pháp chế tài xử lý theo quy định. Qua đó, nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ của người dân với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, nơi có quy định cấm. Song song đó, tăng cường hỗ trợ xây dựng mô hình cơ quan, đơn vị không khói thuốc, bệnh viện không khói thuốc; triển khai mô hình cai nghiện thuốc lá tại các bệnh viện; tổ chức các nghiên cứu khoa học đánh giá can thiệp phòng, chống tác hại thuốc lá từng giai đoạn để có bộ chỉ số bằng chứng khoa học giúp điều chỉnh xây dựng kế hoạch phù hợp. Theo kế hoạch, ngoài nguồn ngân sách nhà nước còn huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế để có nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá…
Việc triển khai những giải pháp nói trên nhằm hướng đến mục tiêu năm 2030, tỷ lệ mắc, chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ giảm mạnh. Đồng thời, sức khỏe, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh được nâng cao.
C.ĐAN