10:12, 07/12/2021

Nên sử dụng thuốc kháng HIV điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tình hình nhiễm HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) của tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Nếu năm 2010, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM của tỉnh là 1,25% thì năm 2015 tăng lên 2,67%, năm 2020 tăng lên 12%.

 

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tình hình nhiễm HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) của tỉnh đang có chiều hướng gia tăng. Nếu năm 2010, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM của tỉnh là 1,25% thì năm 2015 tăng lên 2,67%, năm 2020 tăng lên 12%.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện nay, sử dụng thuốc kháng HIV để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là một biện pháp dự phòng bổ sung trong gói dự phòng tổng thể cho những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

 

Điều trị dự phòng PrEP là giải pháp  cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV. (Ảnh minh họa)
Điều trị dự phòng PrEP là giải pháp cho người có nguy cơ cao nhiễm HIV. (Ảnh minh họa)


PrEP phù hợp với mọi đối tượng chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ lây nhiễm cao. Điều trị PrEP có 2 hình thức: uống hàng ngày và PrEP tình huống (ED-PrEP). PrEP uống hằng ngày có hiệu quả với các nhóm: Nam quan hệ tình dục đồng giới; người chuyển giới nữ; người tiêm chích ma túy; phụ nữ bán dâm; vợ, chồng, bạn tình chưa nhiễm HIV của người nhiễm HIV; những người tiếp tục có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sau khi đã được điều trị sau phơi nhiễm HIV. Ở Việt Nam, theo hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV của Bộ Y tế, PrEP uống hằng ngày được sử dụng cho các nhóm đối tượng sau: Những người có HIV âm tính, có nguy cơ lây nhiễm HIV cao (bao gồm MSM, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy, gái mại dâm và người quan hệ tình dục khác giới có nguy cơ cao). Đối với vợ, chồng, bạn tình của người nhiễm HIV: Chỉ định dùng PrEP nếu chồng, vợ, bạn tình nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV hoặc mới điều trị dưới 6 tháng hoặc đang điều trị mà tải lượng vi rút còn ở mức trên 200 bản sao/ml. Không cần chỉ định PrEP khi xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV đang điều trị ARV < 200 bản sao/ml và tuân thủ tốt các biện pháp phòng bệnh. Những người gần đây đã sử dụng PrEP sau khi phơi nhiễm qua đường tình dục hoặc tiêm chích. Những người yêu cầu sử dụng PrEP mà không có chỉ định rõ ràng khác.


Riêng PrEP tình huống (ED-PrEP) chỉ sử dụng cho người nam quan hệ tình dục đồng giới khi: Có quan hệ tình dục qua đường hậu môn; không bị viêm gan B; có quan hệ không quá 2 lần/tuần; chủ động được thời gian quan hệ tình dục.


Bác sĩ Toàn lưu ý, hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV phụ thuộc nhiều vào mức độ tuân thủ của người sử dụng. Trong các thử nghiệm lâm sàng với các nhóm đối tượng khác nhau như: MSM, người chuyển giới nữ, người âm tính với HIV của các cặp dị nhiễm, phụ nữ bán dâm, người tiêm chích ma túy đều chứng minh điều này. Nhìn chung, nếu tuân thủ tốt, PrEP có thể dự phòng được trên 90% khả năng lây nhiễm HIV. Thời gian hiệu quả bảo vệ tối đa giữa PrEP uống hằng ngày và PrEP uống theo tình huống khác nhau với các nhóm đối tượng khách hàng. Với nhóm MSM chỉ quan hệ tình dục qua đường hậu môn, nếu họ sử dụng liều hằng ngày, mỗi ngày một viên, thì hiệu quả bảo vệ tối đa đạt được khi họ đã sử dụng liên tục 7 ngày liền; nếu họ dùng liều tải (2 viên liền) trong ngày đầu tiên thì hiệu quả bảo vệ tối đa đạt được trong vòng 2 đến 24 giờ sau khi uống liều tải. Sau khi ngừng quan hệ tình dục qua đường hậu môn, MSM chỉ cần dùng thêm 2 liều PrEP trong 2 ngày kế tiếp là đủ hiệu lực dự phòng. Nếu sử dụng PrEP theo tình huống, họ cần uống liều tải 2 viên từ 2-24 giờ trước khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn, uống tiếp viên thứ 3 sau giờ uống liều đầu và uống tiếp viên thứ 4 sau 24 giờ uống liều thứ hai. Với các nhóm đối tượng khác, bao gồm chuyển giới nữ, chuyển giới nam, người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm và các cặp dị nhiễm, họ cần uống PrEP mỗi ngày 1 viên liên tục và đủ 21 liều mới có tác dụng bảo vệ. Trước khi dừng sử dụng PrEP, họ cần uống tiếp đến hết ngày 28 sau lần phơi nhiễm cuối cùng.


Bác sĩ Toàn khuyến cáo, sau 2 năm triển khai, trong tỉnh đã có một số người, trong đó có nhóm MSM tham gia điều trị, tuy nhiên số lượng chưa nhiều. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là một biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV cho chính bản thân và cộng đồng. Vì thế, những người thuộc nhóm nguy cơ nên tích cực tham gia điều trị.


Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa)