09:11, 01/11/2021

Tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới đang gia tăng

Tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, mà còn tác động đến đời sống, kinh tế của mỗi gia đình và toàn xã hội. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có khoảng 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá, trong đó có nhiều phụ nữ.

Tác hại của thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, mà còn tác động đến đời sống, kinh tế của mỗi gia đình và toàn xã hội. Tổ chức Y tế thế giới ước tính, mỗi năm có khoảng 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá, trong đó có nhiều phụ nữ.


Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Độc chất trong khói thuốc lá là một trong các nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh khác nhau như: Ung thư phổi, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, các bệnh tim mạch, bệnh về hô hấp… Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh không lây nhiễm như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…

 

Học sinh Trường THCS Tô Hạp - Khánh Sơn giao lưu trong buổi truyền thông.  (Hình tư liệu chụp trước năm 2021)

Học sinh Trường THCS Tô Hạp - Khánh Sơn giao lưu trong buổi truyền thông. (Hình tư liệu chụp trước năm 2021)


Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2020, kết quả khảo sát thực trạng sử dụng thuốc lá tại tỉnh Khánh Hòa cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới là 49,6%, nữ giới là 4,8%. So sánh với tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá của toàn quốc theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2015 là 1,1%. Như vậy, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới tỉnh Khánh Hòa tăng hơn 4 lần. Đây là con số rất đáng quan tâm. Tác hại của thuốc lá đối với phụ nữ sẽ tác động tiêu cực đến các cơ quan sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư vú, nguy cơ đẻ non. Ở phụ nữ mang thai, hít khói thuốc có thể gây biến đổi phát triển bào thai, dễ sảy thai, sinh con nhẹ cân. Bác sĩ Tôn Thất Toàn khuyến cáo: “Nếu người nào chưa hút thuốc lá thì không hút thuốc lá, những người đang hút hãy bỏ thuốc lá. Bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất để giúp bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay”.

 

Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khuyến cáo, người hút thuốc lá dễ bị mắc bệnh Covid-19 cao gấp 1,5 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, hút thuốc lá cũng như hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ mắc và trầm trọng hơn các bệnh nền khiến người bệnh Covid-19 sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn.

Ngày 18-6-2012, Quốc hội đã ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá với mục tiêu là hạn chế, giảm dần tỷ lệ người sử dụng thuốc lá; giảm tỷ lệ mắc, chết do các bệnh có nguyên nhân thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ngày 28-9-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm; phạt tiền đối với cơ quan, đơn vị từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành. Nghị định cũng quy định phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá; phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp bán thuốc lá không ghi nhãn, không in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá là thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả thì thực hiện xử phạt theo quy định của pháp luật về hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Một trong những điểm đáng chú ý khác của Nghị định số 117 của Chính phủ là đưa mức phạt đối với các hành vi vi phạm về công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, trong đó bổ sung thêm quy định về việc vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá và sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua thuốc lá với mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.


Bác sĩ Tôn Thất Toàn đề xuất, để góp phần giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong từng cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Mỗi người, mỗi cơ quan, đơn vị phải hiểu rõ tác hại của thuốc lá; hiểu rõ và thực thi nghiêm túc Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; tăng cường nhắc nhở, xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến thuốc lá theo quy định tại Nghị định số 117; mỗi cá nhân cần quan tâm từ bỏ thuốc lá. Mọi thông tin tư vấn, hỗ trợ cai nghiện thuốc lá liên hệ với tổng đài miễn phí 1800-6606.


NGUYỄN THỊ QUẾ LÂM
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)