10:11, 01/11/2021

Nguy hiểm khi trẻ hóc dị vật

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận 5 - 6 ca trẻ bị hóc dị vật, mới đây nhất là trường hợp một bé bị hóc sợi dây kẽm trôi xuống vùng cổ họng ở vị trí cột sống cổ.

 

Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa, trung bình mỗi tháng, BV tiếp nhận 5 - 6 ca trẻ bị hóc dị vật, mới đây nhất là trường hợp một bé bị hóc sợi dây kẽm trôi xuống vùng cổ họng ở vị trí cột sống cổ.


Nhiều ca nguy hiểm đến tính mạng


Giữa tháng 10, bé trai Hoàng Phúc Kh. (20 tháng, TP. Cam Ranh) nhập BVĐK tỉnh vì đau vùng cổ, nuốt khó. Sau khi tiếp nhận, ê-kíp y, bác sĩ BV đã tiến hành chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính, phát hiện vùng cổ họng của trẻ ở vị trí cột sống cổ đốt thứ 2 đến đốt thứ 5 có dị vật cản quang giống như sợi dây kẽm. Nhận định đây là trường hợp phức tạp, vì dị vật có thể xuyên qua đường tiêu hóa đi ra ngoài, có khả năng gây tổn thương các mạch máu lớn hoặc gây áp - xe vùng cổ, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, kíp trực tiến hành hội chẩn toàn viện và quyết định phẫu thuật lấy dị vật. Ê-kíp phẫu thuật được huy động từ các chuyên khoa Tai mũi họng, Ngoại cột sống, Ngoại tổng quát, Ngoại lồng ngực và Gây mê hồi sức. Dị vật được tìm thấy là một sợi dây kẽm dài khoảng 3cm đã xuyên thủng thực quản, đi ra vắt ngang trước cột sống. Sau mổ 3 ngày, bé Kh. đã uống sữa, ăn cháo bình thường và xuất viện sau 1 tuần điều trị.

 

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật lấy dị vật cho bé Kh.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh phẫu thuật lấy dị vật cho bé Kh.


Trước đó, BV tiếp nhận bé Lê Hồng A. (4 tuổi, thị xã Ninh Hòa) vào viện vì nuốt vướng, chỉ uống được sữa, không ăn được. 4 ngày trước khi nhập viện, bé đã nuốt phải nắp bút. Qua chụp X-quang, các bác sĩ xác định nắp bút nằm trong thực quản nên chỉ định nội soi cấp cứu lấy dị vật kịp thời.


Theo số liệu từ Phòng Nội soi tiêu hóa, BVĐK tỉnh, bình quân mỗi tháng, phòng tiếp nhận và tiến hành nội soi gắp dị vật do bị hóc cho 5 - 6 trẻ, trẻ nhỏ nhất từ vài tháng tuổi cho đến 10 - 11 tuổi, đa phần là trẻ 2 - 3 tuổi. Các dị vật trẻ hay hóc là đầu bút bi, nắp bút, đồng xu, đồ chơi xếp hình, hạt trái cây, xương cá, xương gà, pin trong các trò chơi điện tử. Nguyên nhân trẻ bị hóc dị vật là do người nhà sơ ý để trẻ nhặt các đồ vật nói trên cho vào miệng...


Khi phát hiện phải sớm đưa trẻ đến bệnh viện


Bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Tồn - Phó Trưởng khoa Ngoại tổng quát, BVĐK tỉnh cho biết, trẻ bị hóc dị vật đường thực quản thường có biểu hiện mắc nghẹn, nuốt vướng, đau cổ họng, trẻ cố khạc hay thò tay móc họng. Cũng có trường hợp những trẻ có biểu hiện ho sặc sụa, khò khè, khó thở do dị vật đi vào đường thở, trẻ sẽ tím tái rất nhanh, ngưng thở và tử vong nếu không kịp đưa đến BV. Khi gặp trường hợp này, phụ huynh cần ngay lập tức sơ cứu: Đối với trẻ nhỏ, đặt trẻ nằm úp trên cánh tay, tay còn lại vỗ mạnh vào lưng trẻ; với trẻ lớn hơn thì đứng phía sau quàng tay ra trước ngực của trẻ và sốc mạnh trẻ về phía sau để dị vật văng ra khỏi khí quản giúp trẻ dễ thở hơn. Sau đó, phụ huynh đưa ngay trẻ đến BV.

 

Dị vật trôi xuống vùng cổ cột sống của bé Kh. là cọng dây kẽm.

Dị vật trôi xuống vùng cổ cột sống của bé Kh. là cọng dây kẽm.


Khi trẻ bị hóc dị vật, các bậc phụ huynh tuyệt đối không dùng tay móc họng cho trẻ ói ra, vì điều này có khi gây trào ngược chất ói, làm trẻ có thể hít phải chất ói - cũng nguy hiểm như hóc dị vật, khiến trẻ có thể tử vong. Có khi việc móc dị vật còn làm trầy xước vùng họng, gây phù nề, làm trẻ khó thở hơn. “Trẻ nuốt phải dị vật sắc nhọn trong thời gian dài có thể gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, gây ra xuất huyết tiêu hóa. Dị vật có thể đâm thủng ống tiêu hóa gây áp-xe trong thành ống tiêu hóa, ổ bụng, thủng ruột hoặc viêm phúc mạc... Nguy hiểm nhất là dị vật ở thực quản có thể đâm vào động mạch chủ gây tử vong tức thì. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể bị ngộ độc do thành phần các chất độc có trong dị vật như nuốt pin, các loại đồ chơi có thủy ngân...”, bác sĩ Tồn cảnh báo.


Hiện nay, các cơ sở y tế đều sử dụng máy nội soi dạ dày ống mềm để chẩn đoán, xác định vị trí của dị vật, can thiệp điều trị và lấy dị vật qua nội soi. Đối với các trường hợp không lấy được dị vật to, có thể gây nguy hiểm trong quá trình thao tác hoặc dị vật đã gây biến chứng thì phải phẫu thuật. Các bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện dị vật, cần đưa trẻ đến ngay BV, cơ sở y tế để nội soi lấy dị vật ra kịp thời; tuyệt đối không nên chữa bằng thuốc nam hoặc bằng mẹo..., vì để muộn có thể nguy hiểm đến tính mạng.


C.Đan