Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó có khoảng 50% bệnh nhân tử vong.
Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp bị đột quỵ, trong đó có khoảng 50% bệnh nhân tử vong.
Đột quỵ là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba và để lại nhiều di chứng gây nên tàn tật. Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và ngày càng trẻ hóa. Đột quỵ não là một dạng bệnh lý phức tạp, kết hợp nhiều biến chứng trên người bệnh như: liệt tay, chân, liệt nửa người, co cứng cơ, liệt mặt, rối loạn lời nói, rối loạn cảm giác, rối loạn tâm lý, trầm cảm. Nặng nề hơn là rối loạn về nhận thức, mất khả năng định hướng, sự chú ý, trí nhớ và tư duy. Người bệnh có thể có những biến chứng khác như: rối loạn nuốt, viêm phổi, loét da, viêm tắc mạch máu, đại tiểu tiện không tự chủ, teo cơ, nhiễm trùng hô hấp, tiết niệu…
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đột quỵ là bệnh lý liên quan trực tiếp đến mạch máu não, gián đoạn việc cấp máu, làm não ngưng hoạt động, từ đó các chức năng do não điều khiển sẽ ngưng hoạt động. Các yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ là người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và những rối loạn về mỡ trong máu, bệnh tim, thừa cân, béo phì, người nghiện hút thuốc lá, người uống nhiều rượu bia, ít vận động. Tuổi càng cao, nguy cơ đột quỵ càng tăng lên.
Để phát hiện sớm đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (gọi là quy tắc FAST). Theo đó, ở mặt: người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung bị lệch thể hiện rõ nhất khi người bệnh cười mở miệng lớn. Ở cánh tay: cử động khó hoặc không cử động, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh là yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên và giữ lại cùng một lúc. Nói chuyện: người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường hoặc không hiểu lời nói. Thời gian: Tranh thủ tối đa thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc gọi xe cứu thương để được cấp cứu kịp thời. Thời gian này là yếu tố quyết định trong việc điều trị đột quỵ, người bệnh có cơ hội phục hồi, ngược lại sẽ để lại hậu quả nặng nề cho sức khỏe.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn cho biết, việc sinh hoạt không đúng giờ giấc, ăn uống quá nhiều chất béo, ngọt, lười vận động, lạm dụng rượu bia, thuốc lá hay tình trạng căng thẳng kéo dài đều là nguyên nhân liên quan đến lối sống có thể dẫn đến đột quỵ. Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, khi đang ngủ, đang làm việc hoặc đang chơi; thường xảy ra vào nửa đêm, lúc 4-5 giờ hoặc 6-7 giờ. Đây là thời điểm máu đậm đặc nhất, huyết áp tăng, nhiệt độ bên ngoài giảm mạnh nên dễ bị đột quỵ. Theo các kết quả nghiên cứu, 80% trường hợp đột quỵ có thể phòng ngừa được, đó là cần thực hiện lối sống lành mạnh và kiểm soát tốt các bệnh lý mắc kèm theo.
Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc. Ngoài ra, giữ tinh thần lạc quan và ôn hòa; kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả. Những người mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt qua mức nguy hiểm. Nguyên nhân gây đột quỵ có thể đến từ các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, tăng mỡ máu… Vì vậy, chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát các bệnh lý này. Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, nhiều thịt trắng, hải sải, hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đồ chiên xào, thức ăn nhanh; uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành… Tập thể dục hàng ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh, tiêu thụ lượng mỡ thừa. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch dẫn đến đột quỵ. Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp. Tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, đặc biệt với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa.
Về xử trí sơ cứu người bệnh đột quỵ trước khi xe cấp cứu đến: nếu bệnh nhân còn tỉnh táo nên để người bệnh nằm nghiêng, phần đầu cao khoảng 30-40 độ. Nếu bệnh nhân nôn ói, phải giữ bệnh nhân ở tư thế an toàn để chất nôn không đi vào đường thở, gây tắc đường thở, nên trấn an tinh thần bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, cần kiểm tra mạch đập, nhịp thở. Khi người bệnh hít thở yếu, ngừng thở, cần lập tức ép tim ngoài lồng ngực, nới lỏng quần áo người bệnh cho dễ thở hơn. Cần chú ý không thực hiện những sai lầm như: cạy miệng bệnh nhân, không cho bệnh nhân uống thuốc, uống nước. Nếu bệnh nhân bị té xe ngoài đường hoặc té trong nhà vệ sinh, tránh bế xốc nạn nhân vì sẽ gây tổn thương dập tủy sống cổ, cần di chuyển bệnh nhân với tấm ván gỗ, cố định chỗ xương gãy nếu có rồi mới đưa đến bệnh viện cấp cứu.
HỒNG HOA
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)