2 năm trở lại đây, nhờ được trang bị thêm một số thiết bị y tế hiện đại và chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ nên công tác chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ sinh non, nhẹ cân tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh ngày càng hiệu quả.
2 năm trở lại đây, nhờ được trang bị thêm một số thiết bị y tế hiện đại và chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ nên công tác chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ sinh non, nhẹ cân tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa ngày càng hiệu quả.
Trẻ sinh non, nhẹ cân được chăm sóc tận tình
Có mặt tại Phòng Hồi sức sơ sinh nhi vào ngày đầu tuần, trong căn phòng được vô khuẩn, 12 bé nhẹ cân, từ 900gram đến 2.500gram đang được nuôi trong nôi, lồng ấp riêng cho trẻ sinh non. Các y, bác sĩ của phòng chia nhau chăm chú theo dõi từng chuyển biến của các bé. Đến giờ ăn, những bé đã khỏe được y, bác sĩ đút từng giọt sữa để tập ăn; bé nào chưa ăn được, còn yếu thì được truyền qua đường ống.
Là 1 trong 2 người mẹ có mặt tại phòng để ấp và tập ăn cho con, sản phụ Lịch Thị Bằng Thư (tỉnh Đắk Lắk) đang cố gắng mớm từng giọt sữa cho con thông qua ống đựng sữa. Chị Thư kể, trong lần mang thai này, chị bị động thai 2 lần, khi thai được 28 tuần tuổi chị có dấu hiệu sinh nên nhập viện ở Đắk Lắk. Lúc sinh ra, bé chỉ nặng có 1.100gram; do quá non tháng và nhẹ cân nên được chuyển đến BVĐK tỉnh Khánh Hòa. “Nhìn con nhỏ xíu, da tím tái nằm trong lồng ấp, phải thở bằng máy tôi rất lo lắng. Vậy mà gần nửa tháng được đội ngũ y, bác sĩ Phòng Hồi sức sơ sinh Nhi chăm nuôi, bây giờ con hồng hào, đã tự thở, có thể tự ăn, thỉnh thoảng còn bú được mẹ, đã tăng lên được 1.300 gram”, chị Thư chia sẻ.
Cùng Phòng Hồi sức sơ sinh Nhi có con của sản phụ Dương Ngọc Hương (công dân nhập cảnh) đang nằm trong lồng ấp. Bé sinh ra khi mới được 28 tuần tuổi, cân nặng 900gram. Khi đưa vào Khoa Nhi, bé trong tình trạng suy hô hấp nặng. Để cứu bé, ê-kíp y, bác sĩ phải đặt ống thở nội khí quản hỗ trợ thở cho bé; đồng thời bơm thuốc hỗ trợ phổi, cho bé nằm lồng ấp, nuôi dưỡng tích cực bằng đường tĩnh mạch… Nhờ chăm sóc tích cực, qua 20 ngày, bé đã cai được máy thở, tăng lên được 200gram. Hiện nay, bé được ê-kíp y, bác sĩ tập ăn sữa qua đường miệng.
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp trẻ sinh non, nhẹ cân đã được Khoa Nhi, BVĐK tỉnh chăm sóc, nuôi dưỡng.
Nâng cao năng lực chuyên môn
Theo bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Huy - Trưởng Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, trước đây, việc nuôi dưỡng và cứu sống những trẻ sinh thiếu tháng ở Khoa Nhi chủ yếu thuộc nhóm rất non, có cân nặng rất thấp. 2 năm trở lại đây, với sự hỗ trợ nhiều trang thiết bị hiện đại như: đèn chiếu vàng da, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, monitor nhiều thông số, lồng ấp, máy giúp thở…, khoa đã nuôi dưỡng được nhiều em bé có cân nặng dưới 900gram. Để làm chủ được hệ thống trang thiết bị hiện đại đó, khoa đã cử ê-kíp vào BV Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh) học tập, đào tạo, cập nhật và nâng cao chuyên môn về cấp cứu hồi sức, chăm sóc trẻ sơ sinh. Mới đây, khoa được trang bị 2 lồng ấp và thêm hệ thống máy thở cao tần (HFO) góp phần hỗ trợ rất hiệu quả trong việc cứu sống trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Bác sĩ Huy chia sẻ: “Khoa có 2 lồng ấp và 5 giường hồi sức sơ sinh, chuyên tiếp nhận nuôi dưỡng và điều trị những trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có các bệnh lý như: Thiếu chất hoạt diện phổi, xuất huyết phổi, nhiễm khuẩn sơ sinh, vàng da, viêm màng não mủ… Khoa triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị, nuôi dưỡng các bệnh nhi như: Đặt và theo dõi huyết áp động mạch xâm nhập, đặt longline cứu sống nhiều trường hợp bệnh nặng như tăng áp lực động mạch phổi, bệnh não thiếu oxy máu cục bộ, xuất huyết não và quanh não thất, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng nặng. Trước đây, những trẻ bị xuất huyết phổi thường gặp nhiều ở trẻ sinh non đều tử vong hoặc phải chuyển tuyến. Hiện nay, với sự hỗ trợ đắc lực của hệ thống trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là máy thở cao tần đã giúp cứu sống nhiều trẻ sinh non, thậm chí là cực non”.
Thống kê tại Khoa Nhi, cứ 10 trẻ sinh non nhập viện tại khoa thì có đến 3 trẻ có cân nặng dưới 1.000gram. Nếu 2 năm trước đây, tỷ lệ nuôi sống trẻ sinh non, nhẹ cân ở khoa chỉ đạt khoảng 70%, hoặc phải chuyển lên tuyến trên thì 2 năm trở lại đây, 100% trẻ đều được nuôi sống, không có ca tử vong. Bác sĩ Huy cho biết: “Hiện nay, số trẻ sinh non, nhẹ cân nuôi tại khoa bình quân từ 10 đến 15 trẻ. Tuy nhiên, khoa chỉ có 2 lồng ấp nên không đáp ứng đủ nhu cầu. Do thiếu lồng ấp, có khi khoa phải cho 2 bé ở cùng 1 lồng hoặc để các bé nằm luân phiên. Đây là giải pháp tình thế, bởi việc thường xuyên di chuyển bé ra khỏi lồng ấp sẽ không đảm bảo được nhiệt độ, độ ẩm cho bé, bé còn dễ bị nhiễm khuẩn. Để đáp ứng tốt hơn trong việc nuôi trẻ sinh non, nhẹ cân khoa cần bổ sung thêm từ 7 đến 10 lồng ấp”.
Trẻ sinh non là trẻ sinh ra dưới 37 tuần tuổi, có khả năng sống được, phân nhóm theo tuổi thai và theo cân nặng. Theo tuổi thai, trẻ sinh non vừa từ 32 đến 37 tuần tuổi; trẻ rất non từ 28 đến 32 tuần tuổi; trẻ cực non dưới 28 tuần tuổi. Theo cân nặng, trẻ có cân nặng thấp từ 1.500 đến 2.500gram, trẻ có cân nặng rất thấp từ 1.000 đến 1.500gram, trẻ có cân nặng dưới 1.000gram được coi là cực thấp. |
C.ĐAN