10:04, 21/04/2021

Các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế: Cần hạn chế sử dụng biệt dược gốc

Theo kết quả giám sát chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chiếm 26,5%/tổng chi phí thuốc, cao thứ 5 toàn quốc. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội tỉnh vừa có công văn đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế hạn chế sử dụng thuốc biệt dược gốc và vật tư y tế giá cao nhằm tiết kiệm Quỹ Khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế.

Theo kết quả giám sát chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) năm 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chiếm 26,5%/tổng chi phí thuốc, cao thứ 5 toàn quốc. Vì vậy, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh vừa có công văn đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT hạn chế sử dụng thuốc biệt dược gốc và vật tư y tế giá cao nhằm tiết kiệm Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT.


Sử dụng nhiều biệt dược gốc và vật tư y tế giá cao


Năm 2020, BHXH tỉnh đã phối hợp tốt với các sở, ban, ngành liên quan và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh thực hiện công tác khám, chữa bệnh BHYT đạt được những kết quả nhất định. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT được nâng cao. Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao triển khai mới tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong tỉnh được Quỹ Khám, chữa bệnh BHYT chi trả. Hiện nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh kết nối và chuyển dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT lên Cổng giám định BHYT, bảo đảm liên thông về dữ liệu. Đối tượng tham gia BHYT hàng năm đều tăng…

 

Khám, chữa bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thảo Ly

Khám, chữa bệnh cho trẻ em tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Thảo Ly


Tuy nhiên, qua kết quả giám sát chi phí khám, chữa bệnh BHYT năm 2020 của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến - BHXH Việt Nam cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc tại tỉnh Khánh Hòa chiếm 26,5%/tổng chi phí thuốc, cao thứ 5 toàn quốc, thậm chí còn cao hơn cả những tỉnh có bệnh viện tuyến Trung ương như Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, qua rà soát trên Hệ thống thông tin giám định BHYT, BHXH tỉnh nhận thấy, dữ liệu thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế theo chế độ BHYT tại một số cơ sở khám, chữa bệnh đã sử dụng các thuốc biệt dược gốc quá nhiều, sử dụng vật tư y tế giá cao. Trong đó, một số loại biệt dược gốc được sử dụng nhiều như: Avelox Inj 400mg/250ml 1’S (hoạt chất Moxifloxacin); Xatral Xl 10mg (hoạt chất Alfuzosin); Claforan (hoạt chất Cefotaxim); Ciprobay Iv Inj 200mg 100ml (hoạt chất Ciprofloxacin); Zinnat Tab 500mg 10’S (hoạt chất Cefuroxim)… Năm 2020, chi phí vật tư y tế tăng 0,9% so với năm 2019. Một số vật tư tăng chi phí như: Dây truyền dịch, kim luồn, máy tạo nhịp, thủy tinh thể... Một số cơ sở y tế có tỷ lệ sử dụng thuốc biệt dược gốc cao như: Bệnh viện Chuyên khoa Mắt Sài Gòn - Nha Trang 78,74%, Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần tỉnh 54,6%, Bệnh viện Đa khoa tỉnh 47,1%... Đây là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT, góp phần làm vượt chi Quỹ khám, chữa bệnh BHYT của tỉnh năm 2020 là 3,5%.


Cần thay thế bằng thuốc Generic tương đương

 

Thuốc biệt dược gốc là thuốc đầu tiên được cấp phép lưu hành trên cơ sở đã có đầy đủ dữ liệu về chất lượng, an toàn và hiệu quả. Thuốc Generic là bản sao của thuốc biệt dược gốc với thành phần hoạt chất tương tự nhau. Do đó, thuốc biệt dược gốc và thuốc Generic có tên hoạt chất và hiệu quả điều trị tương tự. Để có được sự chấp thuận cho đăng ký và bán một loại thuốc, công ty sản xuất cần phải chứng minh rằng thuốc Generic có tác dụng tương tự và đáp ứng các tiêu chuẩn cao tương đương thuốc biệt dược gốc. Do đó, quá trình phê duyệt thuốc Generic diễn ra rất nghiêm ngặt.

Ông Bùi Đăng An - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, việc vượt dự toán chi khám, chữa bệnh BHYT được giao do nguyên nhân chủ quan sẽ không thể thuyết minh một cách rõ ràng, thuyết phục được cấp có thẩm quyền xem xét quyết toán. Hiện nay, ngành BHXH và các cơ quan liên quan quản lý chi tiết dữ liệu người tham gia, thụ hưởng BHYT; tình hình biến động dữ liệu của từng cá nhân, từng cơ sở khám, chữa bệnh. Vì thế, mọi hoạt động liên quan đến chi phí khám, chữa bệnh BHYT phát sinh hàng ngày, hàng giờ… trên toàn quốc đều được phần mềm cập nhật, cảnh báo, ghi nhận tính bất thường. Nếu cơ sở khám, chữa bệnh nào bị từ chối hoặc chậm thanh toán do nguyên nhân chủ quan thì cơ sở đó không những không hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh BHYT. Mặt khác, có hàng trăm loại thuốc biệt dược gốc đã hết thời hạn bảo hộ và đã có các thuốc Generic tương đương do các nước có công nghệ dược phát triển nhất sản xuất được lưu hành ở Việt Nam. Đó là các thuốc Generic nhóm 1 cũng như một số thuốc Generic được chứng minh tương đương sinh học với thuốc biệt dược gốc đáp ứng yêu cầu điều trị, trong đó nhiều loại thuốc đã có số đăng ký với giá rẻ hơn nhiều so với thuốc biệt dược gốc.


Vì vậy, để tiết kiệm kinh phí khám, chữa bệnh BHYT, đảm bảo luôn có đủ kinh phí cho hoạt động khám, chữa bệnh, đảm bảo quyền lợi của người bệnh, BHXH tỉnh đã có công văn đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT điều chỉnh kế hoạch sử dụng thuốc, giảm tỷ lệ dự trù các thuốc biệt dược gốc, lựa chọn chủng loại vật tư y tế có giá hợp lý đáp ứng yêu cầu điều trị… Trong công tác điều trị, giảm sử dụng các thuốc biệt dược gốc, thay thế bằng các thuốc Generic nhóm 1, các thuốc tương đương sinh học đáp ứng yêu cầu điều trị theo chỉ đạo của Chính phủ tại Công văn số 1649 ngày 24-2-2017 về công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. “BHXH tỉnh cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT quan tâm, phối hợp thực hiện tốt việc sử dụng thuốc, vật tư y tế an toàn, hiệu quả, tiết kiệm ngay từ khâu dự trù lập kế hoạch mua sắm thuốc, vật tư y tế đến việc chỉ định sử dụng cho bệnh nhân có thẻ BHYT trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, ông An nói.


Minh Thiết