Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động phòng, chống lao ở tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chủ động trong điều trị, phát hiện các ca mắc mới, nâng cao chất lượng xét nghiệm, mở rộng phạm vi sàng lọc, nhất là sàng lọc tại cộng đồng, công tác phòng, chống lao ở tỉnh đạt được một số kết quả tích cực.
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động phòng, chống lao ở tỉnh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chủ động trong điều trị, phát hiện các ca mắc mới, nâng cao chất lượng xét nghiệm, mở rộng phạm vi sàng lọc, nhất là sàng lọc tại cộng đồng, công tác phòng, chống lao ở tỉnh đạt được một số kết quả tích cực.
Hiệu quả trong điều trị
Thành tựu nổi bật trong công tác phòng, chống lao năm 2020 ở tỉnh là tỷ lệ điều trị khỏi bệnh và hoàn thành điều trị đạt 97,4%, cao hơn 12% so với chỉ tiêu Chương trình chống lao quốc gia đề ra (>85%); tỷ lệ bỏ điều trị chiếm 0,07%, thấp nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 2 đến 4%); tỷ suất tử vong do lao/100.000 dân ở mức 1,2, giảm 0,2 so với cùng kỳ năm ngoái.
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, đạt được kết quả trên là nhờ bệnh viện ứng dụng tốt các phác đồ điều trị cho bệnh nhân (BN) lao các thể. Cùng với đó, toàn bộ mạng lưới phòng, chống lao ở các địa phương đã cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị và thuốc hỗ trợ điều trị cho 100% BN lao. Chất lượng xét nghiệm và năng lực hệ thống xét nghiệm được đẩy mạnh, đặc biệt ứng dụng các công nghệ kỹ thuật mới để chẩn đoán nhanh, chính xác bệnh lao, lao đa kháng (Chẩn đoán nhanh vi khuẩn lao và đột biến kháng Rifampicin (Gene Xpert); nuôi cấy vi khuẩn lao trên môi trường lỏng bằng hệ thống BACTEC/MGIT; soi đờm trực tiếp bằng kính hiển vi huỳnh quang đèn LED; nội soi phế quản…). Riêng đối với BN lao kháng thuốc (rất khó điều trị, phức tạp, thời gian điều trị kéo dài, tốn kém kinh phí, tiên lượng thường xấu hơn nhiều so với người mắc lao thông thường), bệnh viện tiếp tục triển khai song song 2 phác đồ điều trị gồm: Phác đồ 20 tháng truyền thống và phác đồ điều trị mới với thời gian 9 tháng. Nhờ rút ngắn được thời gian điều trị, tỷ lệ điều trị khỏi đạt hơn 87%, góp phần hạn chế nguồn lây lao có tính chất nguy hiểm cho cộng đồng.
Sau 9 tháng tham gia điều trị lao kháng thuốc theo phác đồ mới, BN Nguyễn Văn N. (50 tuổi, thị xã Ninh Hòa) khỏi bệnh hoàn toàn. Theo BN N., ông mắc bệnh lao đã 7 năm. Do thường đi xa làm ăn nên ông nhiều lần bỏ điều trị giữa chừng. Khi bệnh chuyển nặng, nhập Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, ông được xác định mắc lao kháng thuốc và chỉ định điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc mới. Nếu theo phác đồ cũ, ông phải điều trị 20 tháng. Thời gian dài như thế, ông sợ mình theo không nổi vì ảnh hưởng đến công việc. May có phác đồ điều trị mới vừa rút ngắn thời gian, vừa giúp ông phục hồi sức khỏe nhanh.
Đẩy mạnh khám sàng lọc
Cùng với điều trị, năm 2020, hệ thống mạng lưới phòng, chống lao ở tỉnh đã thực hiện khám cho hơn 78.000 lượt người nghi mắc lao (đạt 101% kế hoạch). Qua đó, phát hiện, quản lý và thu nhận điều trị 1.469 trường hợp, trong đó có 840 BN lao phổi mới.
Đạt được kết quả trên là do chương trình chống lao của tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, toàn tỉnh đã thành lập 10 tổ chống lao ở các huyện, thị xã, thành phố, tại Trại giam A2 và Bệnh viện Quân y 87; phối hợp thường xuyên với 472 cơ sở y tế tư nhân và công lập nằm ngoài hệ thống trong công tác phòng, chống lao… Ngoài các hoạt động phát hiện bệnh lao thụ động, chương trình chống lao của tỉnh đã tăng cường công tác phát hiện lao chủ động bằng cách tổ chức khám sàng lọc tại cộng đồng, tập trung ở những đối tượng có nguy cơ cao. “Đặc biệt tháng 6-2020, bệnh viện tiếp nhận 1 xe X-quang kỹ thuật số lưu động từ Chương trình chống lao quốc gia. Ngay khi tiếp nhận, bệnh viện đã khám sàng lọc chủ động cho 100 trẻ em ở Làng Trẻ em SOS và hơn 440 người dân tại huyện Khánh Vĩnh. Qua đó, phát hiện 7 trường hợp mắc lao tại huyện Khánh Vĩnh”, bác sĩ Tâm thông tin. Đi cùng với đó, trong tháng 11 và 12-2020, được sự hỗ trợ từ Chương trình chống lao Quốc gia, Chương trình chống lao tỉnh đã triển khai thực hiện khám, phát hiện và chẩn đoán lao tiềm ẩn cho 2.040 đối tượng có tiếp xúc với gia đình và BN lao (từ năm 2018 đến năm 2020) và 482 nhân viên y tế tại 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Qua đó, phát hiện 166 BN mắc lao tiềm ẩn.
Chủ đề ngày Thế giới phòng, chống lao năm nay của Việt Nam là: “Việt Nam chiến thắng Covid - Chấm dứt bệnh lao”. Hơn lúc nào hết, Chương trình chống lao ở tỉnh nói riêng và Chương trình chống lao của Quốc gia nói chung rất cần các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc, chung tay chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. |
Bác sĩ Huỳnh Minh Tâm chia sẻ: “Khó khăn hiện nay trong công tác phòng, chống lao là một số trang thiết bị xuống cấp, thường xuyên bị hư, hỏng nhưng chưa có kinh phí để sửa chữa. Ngoài ra, cán bộ chống lao tuyến huyện đa phần còn kiêm nhiệm nhiều công việc; công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bệnh lao chưa tác động nhiều đến người dân tộc thiểu số tại các khu vực vùng sâu, vùng xa và miền núi…”.
Năm 2021, chương trình phòng, chống lao của tỉnh đặt ra mục tiêu tiếp tục giữ vững những kết quả tích cực đã đạt được; duy trì ổn định mạng lưới chống lao các cấp, trong đó tập trung nâng cao năng lực cho cấp cơ sở; đẩy mạnh đào tạo, tập huấn lại cho cán bộ y tế thực hiện công tác chống lao. Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động phát hiện, chẩn đoán, quản lý và giám sát các nguồn bệnh lao ở cộng đồng; thực hiện tốt công tác quản lý lao đa kháng thuốc; phối hợp với khoa nhi ở các cơ sở y tế phát hiện lao ở trẻ em…
C.Đan