11:03, 10/03/2021

Bảo vệ thận là bảo vệ sức khỏe

Năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày thứ Năm tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm là ngày Thận thế giới (WORLD KIDNEY DAY). Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về hệ lụy của các bệnh về thận đối với sức khỏe, cách phòng ngừa và chữa trị biến chứng do thận gây ra.

Năm 2006, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chọn ngày thứ Năm tuần thứ 2 của tháng 3 hàng năm là ngày Thận thế giới (WORLD KIDNEY DAY). Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về hệ lụy của các bệnh về thận đối với sức khỏe, cách phòng ngừa và chữa trị biến chứng do thận gây ra.   


Nhiều hệ lụy tới sức khỏe


Thận đảm nhận chức năng loại bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa ra khỏi máu nhằm bảo đảm và duy trì mọi hoạt động cho cơ thể. Khi các chức năng của thận bị suy giảm (suy thận), máu sẽ không được lọc và chất thải độc hại bị tích trữ trong cơ thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Hiện nay, tại Việt Nam, chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5,5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Chỉ tính riêng bệnh nhân (BN) suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu khoảng 800.000 người, chiếm 0,1% dân số.

 

Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Theo bác sĩ Nguyễn Lương Kỷ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, nguyên nhân suy thận chủ yếu do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường, đối với trẻ em có thể do di truyền… Bệnh thận thường không gây ra triệu chứng, nếu không phát hiện sớm, bệnh tiến triển dẫn đến suy thận mạn tính, làm mất chức năng thận, phải chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng để lọc máu hoặc ghép thận.


Hiện nay, chi phí thực hiện ghép thận rất cao, từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ca ghép và còn phải phụ thuộc vào thận người hiến tặng. Do đó, đa số người bị suy thận hiện nay thường áp dụng chạy thận nhân tạo hoặc sử dụng phương pháp lọc màng bụng. Thông thường, chi phí cho 1 tháng điều trị BN suy thận từ 15 đến 20 triệu đồng. Hiện nay, phương pháp này được bảo hiểm y tế thanh toán, tuy nhiên, người bệnh vẫn phải trả một số chi phí không nhỏ nằm ngoài chi trả của bảo hiểm y tế.


Mối lo ngại về bệnh thận hiện nay là độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Trong khi đó, đây là bệnh có thể kiểm soát được nếu người bệnh phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng. Nhiều trường hợp nhờ chẩn đoán và điều trị sớm đã làm chậm sự tiến triển đến bệnh thận mạn tính. Bác sĩ Kỷ khuyến cáo: “Để phòng bệnh, mọi người cần đi khám sức khỏe, xét nghiệm máu định kỳ mỗi năm ít nhất từ 1 đến 2 lần, nhất là đối với những người trên 40 tuổi. Đồng thời, trang bị kiến thức, lắng nghe cơ thể để phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh thận như: Chân tay phù, thay đổi khi đi tiểu (tiểu nhiều về đêm, tiểu có nước bọt, tiểu ra máu…), người mệt mỏi, sút cân”.


Điều trị cho nhiều bệnh nhân


Năm 1997, được sự hỗ trợ trực tiếp của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh), đơn vị Thận nhân tạo của BVĐK tỉnh được thành lập. Đây là một trong những đơn vị chạy thận nhân tạo đầu tiên của miền Trung. Trong quá trình phát triển và mở rộng, cùng với phương pháp chạy thận nhân tạo điều trị cho BN suy thận mãn tính, đơn vị còn triển khai thành công nhiều kỹ thuật phức tạp như: Thẩm tách siêu lọc máu; lọc máu hấp phụ với quả lọc Resin; lọc máu liên tục; thay huyết tương; lọc màng bụng liên tục tại nhà; lọc màng bụng tự động bằng máy… Trong đó, kỹ thuật lọc máu hấp phụ với quả lọc Resin (được áp dụng năm 2018) đã kịp thời cứu được nhiều BN ngộ độc nặng trước khi chuyển lên tuyến trên.

 

*“8 nguyên tắc vàng”: Hoạt động thể lực phù hợp; kiểm soát đường huyết; theo dõi huyết áp; chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng; uống lượng nước thích hợp; không hút thuốc lá; dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ.

Tính đến thời điểm hiện tại, đơn vị Thận nhân tạo BVĐK tỉnh tiếp nhận và điều trị gần 400 BN bệnh thận giai đoạn cuối. Trong đó, 300 BN chạy thận nhân tạo định kỳ, 100 BN điều trị lọc màng bụng, trong đó có BN 5 tuổi. Để đáp ứng nhu cầu điều trị, đơn vị Thận nhân tạo được đầu tư 48 máy chạy thận, máy thẩm tách siêu lọc máu, máy lọc màng bụng tự động và 3 máy lọc máu liên tục… BN Nguyễn Thị Bình Tài (phường Vạn Thắng, TP. Nha Trang) cho biết: “Tôi bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối, điều trị được 5 năm. Theo tư vấn của bác sĩ BVĐK tỉnh, tôi áp dụng phương pháp lọc màng bụng. So với phương pháp chạy thận nhân tạo phải vào bệnh viện 3 lần/tuần, ưu điểm của phương pháp này là tôi có thể tự thực hiện tại nhà, mỗi tháng chỉ cần tới bệnh viện để lấy dịch và kiểm tra lại máu. Nhờ có đơn vị Thận nhân tạo của BVĐK tỉnh, những người mắc bệnh như tôi không phải vào TP. Hồ Chí Minh điều trị, đỡ tốn kém kinh phí, sức khỏe”.


Bên cạnh hoạt động chuyên môn, hàng năm, đơn vị Thận nhân tạo còn phối hợp với Phòng Công tác xã hội của bệnh viện kết nối các mạnh thường quân thực hiện những chương trình: Chuyến xe tình nghĩa, Suất cơm thiện nguyện - Ấm lòng BN thận, hỗ trợ tiền mặt, tặng quà cho BN chạy thận có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó giúp BN an tâm điều trị và lạc quan hơn trong cuộc sống.


C.Đan