06:12, 04/12/2020

Phòng ngừa ung thư vòm họng: Không sử dụng thuốc lá

Mỗi năm, ở Việt Nam có hơn 164.000 trường hợp mắc mới ung thư, hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Điều đáng lo ngại là có hơn 70% bệnh nhân ung thư ở nước ta phát hiện bệnh đã ở vào giai đoạn muộn.
 

Mỗi năm, ở Việt Nam có hơn 164.000 trường hợp mắc mới ung thư, hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Điều đáng lo ngại là có hơn 70% bệnh nhân ung thư ở nước ta phát hiện bệnh đã ở vào giai đoạn muộn.

 

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư vòm họng.
Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ung thư vòm họng.
 
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hơn một nửa số bệnh ung thư có thể liên quan đến yếu tố môi trường và lối sống không lành mạnh. Trong đó, sử dụng các sản phẩm thuốc lá là một trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe con người. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau như: Tim mạch, gây bất lực ở nam giới, đặc biệt là các loại bệnh ung thư phổi, thanh quản, khoang miệng, bàng quang và vòm họng. 
 
Đối với ung thư vòm họng, đây là bệnh gặp nhiều nhất trong các bệnh ung thư vùng đầu, cổ. Hàng năm, có khoảng 350 - 400 bệnh nhân ung thư vòm họng được điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội. Căn bệnh này xếp hàng thứ 5 trong các bệnh ung thư ở nam giới.
 
Họng hay hầu là một ống nằm sâu trong miệng, có nhiệm vụ dẫn thức ăn và hơi thở, góp phần phát ra tiếng nói. Ung thư ở bộ phận này có các tên gọi ung thư vòm họng (vòm hầu) hay họng trên, ung thư khẩu hầu hay họng giữa (gồm amiđan và đáy lưỡi), ung thư hạ hầu hay họng dưới. Thông thường, bệnh mọc từ amiđan, đáy lưỡi hoặc từ lớp lót (niêm mạc) của họng, rồi lan rộng và ăn cứng các bộ phận này. Ung thư vòm họng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở nhóm 40 - 49 tuổi (chiếm 31%), nam chiếm gần gấp 3 lần so với nữ.
 
Nguyên nhân của ung thư vòm họng có thể do nhiễm chất benzopyren, khói công nghiệp, hóa chất bốc hơi, viêm vòm họng mạn tính, hút thuốc lá, nghiện rượu, tiếp xúc với formon, bụi gỗ. Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường đến khám với các triệu chứng như ù tai, ngạt tắc mũi và đau nửa đầu. Do các dấu hiệu này không rõ nét nên bệnh nhân và thầy thuốc dễ bỏ qua. Quá trình điều trị kéo dài không khỏi, bệnh tiến triển nặng nổi hạch cổ mới phát hiện. Có những bệnh nhân phát hiện ra hạch cổ được 1 năm nhưng do hạch không đau, không ảnh hưởng đến sức khỏe nên không đi khám, chỉ đến khi có dấu hiệu tổn thương thần kinh sọ não mới khám. Lúc đó, bệnh đã ở giai đoạn muộn.
 
Khi ung thư vòm họng trở nặng, khối u sẽ xâm lấn vùng lân cận làm bít hốc mũi gây nghẹt tắc mũi, khịt khạc chảy máu mũi một bên, chèn nghẹt vòi Eustache cho cảm giác ù tai hoặc không nghe rõ; ăn vào đáy sọ gây nhức đầu; làm liệt các dây thần kinh sọ gây sụp mi, mắt lé; hạch bên cổ to lên. Theo đường máu, khối u di căn xa đến xương, phổi, gan và di căn hạch cổ (rất hay gặp trong ung thư vòm họng giai đoạn muộn). Sử dụng nội soi tai mũi họng giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh, đồng thời giúp đánh giá, chăm sóc trong suốt quá trình trước, trong và sau điều trị. Hình ảnh chụp từ CT, MRI có vai trò quan trọng đối với chẩn đoán ung thư vòm họng. Mặt khác, các hình ảnh này còn giúp phát hiện có hay không tổn thương xương nền sọ, mức độ xâm lấn các xoang, hốc mắt, xâm lấn não, màng não...
 
Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khói thuốc lá từ người hút thuốc hoặc đốt cháy thuốc chứa 7.000 chất độc và 69 chất gây ung thư. Vì thế, để phòng tránh ung thư vòm họng, trước tiên là tránh tiếp xúc với khói thuốc lá. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ gây ung thư quan trọng nhất mà chúng ta có thể giảm. Một trong những cách tốt nhất để ngăn ngừa ung thư là bỏ hút thuốc hoặc không bao giờ sử dụng thuốc lá. Bỏ hút thuốc lá không bao giờ là quá muộn, ngay khi bỏ hút thuốc lá, cơ thể sẽ gặt hái nhiều lợi ích sức khỏe. Tránh khói thuốc thụ động cũng là một cách để ngăn ngừa các bệnh ung thư nói chung và ung thư vòm họng nói riêng. 
 
Nguyễn Thị Quế Lâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)