Sau gần 2 tháng triển khai, chiến dịch "Tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) năm 2020 - 2021" cho trẻ 7 tuổi ở tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành. Ông Huỳnh Trọng Tân - Thư ký Chương trình tiêm chủng mở rộng tỉnh cho biết:
Sau gần 2 tháng triển khai, chiến dịch “Tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) năm 2020 - 2021” cho trẻ 7 tuổi ở tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành. Ông Huỳnh Trọng Tân - Thư ký Chương trình tiêm chủng mở rộng tỉnh cho biết:
- Trước diễn biến nghiêm trọng của bệnh bạch hầu vào tháng 7, nhất là ở các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận các ca tử vong, nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh bạch hầu trong cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu cho Sở Y tế kế hoạch “Tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) năm 2020 - 2021” cho toàn bộ học sinh 7 tuổi đang học lớp 2, niên học 2020 - 2021 và trẻ không đi học tại cộng đồng (sinh trong năm 2013).
Sau khi được phê duyệt, Chương trình tiêm chủng mở rộng tỉnh đã hướng dẫn trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch; tổ chức các lớp tập huấn triển khai chiến dịch; đồng thời thành lập đoàn kiểm tra, giám sát… Nhờ thế, qua 2 tháng triển khai, chương trình đã đạt kế hoạch đề ra, công tác tiêm chủng tại các điểm tiêm diễn ra an toàn.
- Ông có thể cho biết kết quả cụ thể đạt được của chiến dịch?
- Dưới sự hỗ trợ của Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, ngay khi vắc xin Td được chuyển về, trong tháng 10 và 11, tỉnh đã triển khai tiêm bổ sung ngay cho trẻ. Có gần 21.000 trẻ 7 tuổi ở tỉnh đã được tiêm vắc xin Td. Trong đó, hơn 17.600 trẻ được tiêm tại trường học, gần 2.500 trẻ tại trạm y tế và 602 trẻ ở các nơi khác. Tỷ lệ trẻ được tiêm vắc xin đạt hơn 94%, vượt 4% so với quy định của Bộ Y tế.
Cùng với chiến dịch trên, hàng năm, ngành Y tế tỉnh đã triển khai tốt chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ dưới 1 tuổi (đủ 3 liều). Tỷ lệ đạt được quy mô cấp tỉnh luôn hơn 97%, cấp xã đạt từ 95% trở lên. Năm 2012, toàn tỉnh còn triển khai thêm chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu cho trẻ 18 tháng tuổi. Thông qua các hoạt động phòng bệnh chủ động trên, hơn 10 năm nay, tỉnh không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu nào.
- Thưa ông, để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu cho trẻ, người dân cần làm gì?
- Người dân nên đưa trẻ đi tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch. Đối với trẻ dưới 1 tuổi, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa đủ 3 mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mũi đầu tiên khi trẻ 2 tháng tuổi, sau đó, cách 1 tháng tiêm 1 mũi, khi trẻ được 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại. Khi trẻ lên 4 đến 6 tuổi có thể tiêm nhắc lại 1 lần, trẻ lên 9 - 15 tuổi tiếp tục tiêm nhắc lại. Sau đó, cứ 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần để nâng cao tính bảo vệ của vắc xin.
Lưu ý, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin bạch hầu thường kéo dài 10 năm, sau đó sẽ giảm dần theo thời gian. Vậy nên, người dân vẫn phải tiêm vắc xin nhắc lại để duy trì mức độ bảo vệ.
- Xin cảm ơn ông!
Thảo Ly (Thực hiện)