Thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá Bộ Y tế phối hợp với một số cơ sở y tế tổ chức nhiều hoạt động cho công tác tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá.
Thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) - Bộ Y tế phối hợp với một số cơ sở y tế tổ chức nhiều hoạt động cho công tác tư vấn và điều trị nghiện thuốc lá.
Dưới sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL, năm 2015, Bệnh viện (BV) Bạch Mai đã thiết lập và duy trì tổng đài tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí với số điện thoại 1800-6606; BV Nhân dân Gia Định TP. Hồ Chí Minh là số điện thoại 1800-1214. Riêng BV Y học cổ truyền Trung ương giúp tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá thông qua điện thoại và tại phòng tư vấn. Đồng thời, BV hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp nhĩ châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt và tư vấn cá nhân trị liệu; sử dụng viên ngậm cai thuốc lá kết hợp tư vấn.
Hiện nay, số cán bộ y tế tham gia tư vấn qua điện thoại là 31 người; có 136 cộng tác viên của các BV thực hiện tư vấn ngắn, chuyên sâu. Để giúp mạng lưới nhân viên tư vấn có được sự chuyên nghiệp, tạo sự phối hợp nhịp nhàng giữa bác sĩ, điều dưỡng tại các khoa trong tư vấn và điều trị, hàng năm, các đơn vị trên đều tổ chức đào tạo, cập nhật, bổ sung kiến thức và kỹ năng tư vấn cai nghiện thuốc lá cho cán bộ y tế.
Cùng với các hoạt động trên, một số BV còn thực hiện mô hình điểm cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng. Cụ thể, phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá ở các BV: Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Tri Phương, Nhân dân Gia Định, Viện Y dược học dân tộc (TP. Hồ Chí Minh), BV Đa khoa khu vực Hóc Môn, BV Đa khoa quận Thủ Đức, BV Đa khoa huyện Cần Giờ và BV Đa khoa huyện Bình Chánh.
Năm 2017, Quỹ PCTHTL đã xây dựng phần mềm quản lý, theo dõi người cai nghiện thuốc lá để hỗ trợ công tác quản lý bệnh nhân. Các thông tin liên quan đến tình trạng hút thuốc, quá trình cai thuốc lá, lịch sử các lần được tiếp nhận tư vấn cai thuốc lá của người bệnh tại các cơ sở y tế, kế hoạch điều trị, quá trình và kết quả cai thuốc lá của bệnh nhân… đều được cập nhật và lưu trữ trên phần mềm, giúp cán bộ y tế dễ dàng quản lý, hỗ trợ tư vấn định kỳ và liên tục cho bệnh nhân. Qua phần mềm theo dõi, các phòng tư vấn dựa vào cộng đồng được tiếp nhận những hỗ trợ về chuyên môn từ các BV. Hiện nay, có 3 BV gồm: Bạch Mai, Phổi Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương và nhiều phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng đã ứng dụng và kết nối phần mềm.
Qua triển khai, đến nay, toàn quốc có 24 BV trực thuộc Bộ Y tế tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá; giai đoạn 2015 - 2018, tư vấn qua tổng đài có gần 45.000 lượt; hơn 5.300 lượt tư vấn tại phòng tư vấn cai nghiện thuốc lá dựa vào cộng đồng. Các BV đã thực hiện chương trình cai thuốc lá chủ động, hỗ trợ định kỳ cho người bệnh trong quá trình theo dõi cai thuốc lá, số trường hợp cai nghiện thuốc lá thành công (trên 12 tháng) là 842 bệnh nhân. Đối với kênh tư vấn qua tổng đài 1800-6606, độ tuổi người bệnh (từ 25 - 64 tuổi) gọi tư vấn là 84%, đã từng bỏ thuốc lá ít nhất 1 lần chiếm 46,2%; 84% người được tư vấn hài lòng với những thông tin và lời khuyên được nhận từ tổng đài; tỷ lệ hài lòng với nhân viên tư vấn của tổng đài đạt 87,8%. Kết quả nghiên cứu tại BV Y học cổ truyền Trung ương trên 180 bệnh nhân đến khám và điều trị cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp nhĩ châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt và tư vấn cá nhân trị liệu cho thấy, tỷ lệ cai thuốc lá đạt tốt chiếm 67%; 5% đạt khá.
Nghiện thuốc lá không đơn thuần chỉ là nghiện thực thể, nghiện chất nicotine mà còn là sự kết hợp giữa nghiện tâm lý và nghiện hành vi. Chính vì vậy, để hỗ trợ người hút thuốc lá bỏ thuốc, tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá rất cần thiết, phương pháp này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia. Với hiệu quả của phương pháp trên, cần sớm có cơ chế thúc đẩy, tổ chức các mô hình tư vấn cai nghiện thuốc lá trong thời gian đến.
Nguyễn Thị Quế Lâm
(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa)