07:09, 27/09/2020

Nha Trang: Tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết

Với hơn 1.600 ca mắc sốt xuất huyết, thành phố Nha Trang đang là địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh. Hiện nay, nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh số xuất huyết đang được ngành Y tế thành phố triển khai quyết liệt. 

Với hơn 1.600 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), TP. Nha Trang đang là địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh. Hiện nay, nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh SXH đang được ngành Y tế thành phố triển khai quyết liệt.     

    
Số ca bệnh tăng cao


Là địa phương có số ca mắc SXH cao của TP. Nha Trang, từ đầu tháng 9 đến nay, xã Vĩnh Thái liên tục ra quân, thành lập các đội đến từng hộ hướng dẫn và diệt lăng quăng. Qua hướng dẫn của cán bộ y tế, đều đặn 2 ngày/lần, bà Võ Thị Nguyện - xã Vĩnh Thái lại chủ động súc rửa bình hoa trong gia đình để phòng, chống SXH. Bà còn cho vài giọt nước rửa chén vào nước cắm hoa, không để cho lăng quăng phát triển thành muỗi. Ngoài ra, bà Nguyện cùng nhiều người dân khác còn thực hiện nhiều biện pháp diệt lăng quăng phòng dịch như: Thả cá vào các bể chứa nước, thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi... Bà Võ Thị Nguyện cho biết: “Nhà tôi thường cắm cây trường sinh, cán bộ y tế xuống kiểm tra nước trong bình phát hiện có lăng quăng nên hướng dẫn tôi các biện pháp diệt lăng quăng. Từ ngày tôi thực hiện theo hướng dẫn thì thấy rất hiệu quả, nhà bớt muỗi”.

 

Điều trị ca bệnh sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Điều trị ca bệnh sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.


Với sự phối hợp tích cực của nhân viên y tế và người dân, 1 tuần trở lại đây, số ca mắc SXH trên địa bàn xã Vĩnh Thái đã có xu hướng giảm. Ông Nguyễn Thành Tín - Trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Thái cho biết: “Hiện nay, trạm đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời tập trung hướng dẫn người dân diệt lăng quăng. Tuần đầu tháng 9, xã ghi nhận 11 ca mắc nhưng tuần này thì chưa có thêm ca nào”.


Nếu như những tháng đầu năm, TP. Nha Trang chỉ ghi nhận vài chục ca mắc SXH mỗi tuần thì từ cuối tháng 8 đến nay, số ca mắc ghi nhận hơn 100 ca/tuần. Trong đó, phường Phước Long, Vĩnh Nguyên, xã Phước Đồng, xã Vĩnh Ngọc... là những địa phương có số ca mắc SXH cao. Để ngăn ngừa SXH bùng phát, TP. Nha Trang đã yêu cầu 27 xã, phường phải nhanh chóng thành lập các đội diệt lăng quăng, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng đến từng hộ. Trong tháng 9, ngành Y tế thành phố đã thực hiện 2 đợt phun xịt hóa chất chủ động đối với những xã, phường có nguy cơ cao, những nơi có mật độ muỗi, chỉ số lăng quăng cao vượt ngưỡng. Ngoài ra, công tác kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả phòng, chống dịch được thực hiện thường xuyên, để kịp thời có những điều chỉnh thích hợp, không để SXH bùng phát. Từ đầu năm đến nay, toàn TP. Nha Trang ghi nhận hơn 1.600 ca mắc SXH, trong đó có nhiều ca nặng; phát hiện, xử lý 87 ổ dịch...


Người dân cần chủ động phòng dịch


Theo ông Lưu Quang Thạch - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Nha Trang, trung tâm đã có những chỉ đạo đến từng đơn vị y tế, phải phối hợp với cơ quan, ban, ngành của 27 xã, phường thực hiện tốt công tác phòng dịch trong mọi tình huống. Hiện nay, công tác truyền thông hướng dẫn người dân chủ động phòng dịch được quan tâm nhất. Tất cả hoạt động truyền thông hướng tới làm thế nào để người dân hiểu và thực hiện diệt lăng quăng theo phương châm “không có lăng quăng thì sẽ không có SXH”. Cùng với đó, đợt này trước khi tiến hành phun hoa chất diệt muỗi ở một địa phương, để tránh lãng phí và kém hiệu quả, đội giám sát của thành phố sẽ đi kiểm tra lại chỉ số lăng quăng ở địa phương đó. Nếu cao sẽ yêu cầu địa phương thực hiện lại việc diệt lăng quăng cho đến khi nào các chỉ số ở mức cho phép mới tiến hành phun hóa chất.


Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt song công tác phòng, chống SXH tại TP. Nha Trang vẫn đang gặp một số khó khăn khi một số người dân chưa có hành động phòng, chống cụ thể. Qua các đợt kiểm tra, giám sát gần đây của ngành Y tế vẫn phát hiện các vật dụng chứa nước trong nhà, sân vườn có lăng quăng. Dự báo, trong những tháng tới, số ca mắc SXH sẽ tăng cao và diễn biến phức tạp hơn, do thời tiết mưa nắng thất thường - điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn phát triển. Bởi vậy, bên cạnh các giải pháp của ngành Y tế, người dân cũng cần chủ động phòng dịch theo đúng khuyến cáo, tuyệt đối không chủ quan lơ là với căn bệnh nguy hiểm này.


C.Đan