09:07, 17/07/2020

Đổ xô đi tiêm vắc xin bạch hầu

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh lo lắng và đổ xô đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Không chỉ có trẻ em mà rất nhiều người lớn cũng chủ động phòng bệnh bạch hầu bằng tiêm chủng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh lo lắng và đổ xô đi tiêm vắc xin phòng bệnh. Không chỉ có trẻ em mà rất nhiều người lớn cũng chủ động phòng bệnh bạch hầu bằng tiêm chủng. 

        
Gần 1 tháng nay, số lượng người đến tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu tại Phòng tiêm chủng Safpo của Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (TP. Nha Trang) tăng gấp 3 lần so với những tháng trước, dao động từ 40 đến 50 người/ ngày.

 

Lo lắng, bất an trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên dù bận việc, chị Nguyễn Thị Hoài Văn - phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh tranh thủ thời gian đưa con ra Phòng tiêm chủng Safpo để tiêm chủng. Chị Văn cho biết: “Con tôi lúc dưới 1 tuổi đã tiêm chủng đủ 3 mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhưng bây giờ nghe bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên phức tạp quá nên đưa cháu đi tiêm nhắc lại cho an tâm”.  Không riêng trẻ nhỏ, giai đoạn này rất nhiều người lớn tuổi, thanh niên cũng tìm đến các phòng tiêm chủng để tiêm vắc xin ngừa bệnh bạch hầu. Anh Lô Thanh Cao Nguyên (người dân TP. Nha Trang), do không nhớ chính xác bản thân đã được tiêm vắc xin hay chưa nên anh chủ động đi tiêm chủng để phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng. “Dịch Covid-19 ở Việt Nam ghi nhận nhiều ca mắc nhưng không có ai tử vong, trong khi đó bệnh bạch hầu mới mấy chục ca mà đã có 3 người tử vong. Tôi thấy rất lo nên đi tiêm chủng vắc xin phòng ngừa cho an toàn” - anh Nguyên nói.

 

Trẻ tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu tại Phòng tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Trẻ tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh bạch hầu tại Phòng tiêm chủng thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

 

10 năm trở lại đây, Khánh Hòa chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nào, hàng năm tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ trong độ tuổi ở tỉnh luôn đạt và đạt vượt quy định, đạt từ 95% đến 97%. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh bạch hầu đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam với gần 70 ca mắc, trong đó, có 3 trường hợp tử vong. Bởi vậy, để phòng bệnh, người dân cần chủ động và tuân thủ việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ. Theo bác sĩ Huỳnh Trọng Tân - Thư ký chương trình tiêm chủng mở rộng tỉnh, đối với trẻ dưới 1 tuổi, phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm ngừa đủ 3 mũi vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mũi đầu tiên khi trẻ 2 tháng tuổi, sau đó, cách 1 tháng tiêm 1 mũi, khi trẻ được 18 tháng tuổi cần tiêm nhắc lại. Khi trẻ lên 4 đến 6 tuổi có thể tiêm nhắc lại 1 lần, trẻ lên 9 - 15 tuổi tiếp tục tiêm nhắc lại. Sau đó, cứ 10 năm là tiêm nhắc lại 1 lần để nâng cao tính bảo vệ của vắc xin. Đối với người lớn, nhất là những người sinh trước năm 1985 chưa được tiêm bạch hầu, hoặc những người không nhớ rõ đã tiêm vắc xin hay chưa thì nên phòng bệnh bằng cách tiêm 3 mũi cơ bản. Cụ thể, 2 mũi đầu tiêm cách nhau 1 tháng, mũi nhắc lại sau 6 đến 12 tháng. Lưu ý, miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin bạch hầu thường kéo dài 10 năm sau đó sẽ giảm dần theo thời gian. Vậy nên người dân vẫn phải tiêm vắc xin nhắc lại để duy trì mức độ bảo vệ.


Tiến sĩ Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế, Bộ Y tế cho biết: “Khu vực Tây Nguyên xảy ra dịch bạch hầu trở lại là do có những khoảng trống miễn dịch trong cộng đồng. Người dân không được tiêm hay tiêm không đủ mũi, không nhắc lại. Hiện nay, Bộ Y tế đã giao cho viện sản xuất 10 triệu liều vắc xin phòng bệnh bạch hầu để tiêm cho trẻ, chúng tôi sẽ hoàn thành trong 3 - 4 tháng tới”.


Theo ghi nhận, hiện nay, tại các phòng tiêm chủng lớn trên địa bàn tỉnh, số lượng người dân đến tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu tăng từ 2 đến 3 lần so với những tháng trước. Dù nhu cầu người dân tăng, nhưng toàn tỉnh không xảy ra tình trạng khan hiếm vắc xin.


Ly Quý