10:06, 04/06/2020

Gia tăng ca sốt xuất huyết nặng

Không chỉ gia tăng về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết, hiện tại, số ca sốt xuất huyết nặng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng có dấu hiệu tăng lên. Tâm lý chủ quan, lơ là, nhập viện trễ, tự dùng thuốc tại nhà hoặc truyền nước ở các cơ sở y tế tư nhân của một số người dân là những nguyên nhân khiến bệnh diễn tiến xấu hơn.

Không chỉ gia tăng về số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), hiện tại, số ca SXH nặng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng có dấu hiệu tăng lên. Tâm lý chủ quan, lơ là, nhập viện trễ, tự dùng thuốc tại nhà hoặc truyền nước ở các cơ sở y tế tư nhân của một số người dân là những nguyên nhân khiến bệnh diễn tiến xấu hơn.


Từ đầu tháng 5 đến nay, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh liên tục tiếp nhận các ca SXH. Mặc dù thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, song số ca mắc SXH nặng lại gia tăng. Trong 17 ca SXH đang điều trị tại BV thì đã có 3 ca nặng phải điều trị tích cực.

 

Liên tục nôn, sốt cao, bé Đ.T.T (huyện Vạn Ninh) phải nhập viện cấp cứu tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh. Vào đây, cháu được chẩn đoán bị mắc SXH nặng, suy hô hấp nên được đưa ngay vào Khoa Hồi sức tích cực để điều trị. Đây cũng là 1 trong 3 trường hợp mắc SXH nặng được ghi nhận tại BV trong tuần qua. Ông Đinh Minh Mỹ - cha của bé T. chia sẻ: “Khu nhà tôi không ai bị mắc bệnh SXH, gia đình tưởng con sốt cảm bình thường nên mua thuốc ở tiệm cho cháu uống. Cháu uống 3 ngày không đỡ, đưa vào BV mới biết cháu bị nặng như vậy”. Chăm con bị mắc SXH tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, chị Trần Thị Hạnh (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết, con chị sốt 41 độ, do ngại dịch bệnh Covid-19 nên chị chỉ đưa cháu đến phòng khám tư nhân để khám và lấy thuốc điều trị tại nhà. Sau khi thấy cháu sốt liên tục không giảm, lấy máu xét nghiệm xác định cháu mắc SXH nên mới đưa cháu đến BV Bệnh nhiệt đới tỉnh để điều trị.

 

Điều trị cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

Điều trị cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.850 ca mắc SXH, số ca mắc SXH bắt đầu tăng cao từ tháng 5, cao gấp gần 3 lần so với những tháng trước. Nếu tháng 4 toàn tỉnh ghi nhận từ 10 - 30 ca SXH/tuần thì đến tháng 5 tăng lên từ 50 - 80 ca. Điều đáng báo động là có tình trạng một số người dân có tâm lý e ngại dịch bệnh Covid-19 nên không đến BV để khám và điều trị các bệnh truyền nhiễm. Do đó, phần lớn những ca SXH nặng được ghi nhận tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh đều nhập viện trễ, người dân đã tự ý sử dụng thuốc tại nhà, hoặc truyền nước ở các cơ sở y tế tư nhân, khiến tình trạng bệnh ngày càng diễn tiến xấu hơn.


Bác sĩ Trần Nam Quân - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Người dân không đến khám kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề của SXH, trong đó phải kể đến như xuất huyết nội tạng, suy hô hấp, suy đa tạng, nặng hơn nữa có thể gây tử vong cho người bệnh. Hiện tại, những ca bệnh nặng chúng tôi đều phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc để theo dõi sát, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm”.


Một trong những quan niệm sai lầm của người dân về bệnh SXH là cho rằng người mắc SXH rồi sẽ không bị mắc lại. Tuy nhiên, bệnh SXH do vi rút Dengue gây ra có 4 tuýp (D1, D2, D3, D4). Vậy nên, một người mắc SXH tuýp D1 vẫn có thể mắc SXH do tuýp khác gây nên. Nguy hiểm hơn, những lần mắc SXH sau thường nặng hơn lần mắc trước. Hiện nay, thời tiết nắng nóng xen kẽ với những cơn mưa tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi phát triển, nếu không có biện pháp phòng ngừa, bệnh SXH có khả năng tăng cao trong thời gian tới. Bởi vậy, việc chủ động phòng, chống dịch bệnh SXH trong thời điểm hiện nay là việc làm cần thiết. Ngành Y tế khuyến cáo người dân không chủ quan với dịch bệnh, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để điều trị SXH hay truyền dịch tại nhà, khi có dấu hiệu sốt nên đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.


Ly Quý