Hiện nay, cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế tập trung công tác ngăn ngừa sốt xuất huyết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.
Hiện nay, cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế tập trung công tác ngăn ngừa sốt xuất huyết (SXH), tuyệt đối không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch.
Hàng năm, dịch SXH thường rơi vào tháng 7, 8; tuy nhiên 3 tuần gần đây, số ca mắc SXH trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Toàn tỉnh đã ghi nhận những ổ dịch SXH nhỏ lẻ. Chỉ trong 1 tuần, tại thôn Xuân Tự 2, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh ghi nhận 4 ca mắc SXH phải nhập viện, trong đó, có 2 ca nặng phải chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh. Theo số liệu của Trạm Y tế xã Vạn Hưng, nếu từ tháng 2 đến tháng 4, trên địa bàn xã ghi nhận bình quân 4 ca mắc SXH/tháng, thì đến giữa tháng 5, số ca mắc tăng đến 5 ca. Y sĩ Trần Văn Hồng - Trưởng Trạm Y tế xã Vạn Hưng lý giải: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân cũng lơ là phòng bệnh SXH. Xã thường xuyên tuyên truyền nhưng người dân chưa chủ động diệt lăng quăng. Mặt khác, do hạn hán nên người dân tích trữ nước ở các bể nhưng không đậy nắp, hay thả cá để diệt lăng quăng. Cuối tháng, trạm sẽ tiến hành phun hóa chất lần 2 ở thôn Xuân Tự 2 để không phát sinh ổ dịch mới”.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 1.800 ca mắc SXH, không có trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm trước số ca mắc giảm gần 50%. Tuy nhiên, trong 3 tuần đầu của tháng 5, số ca mắc SXH có dấu hiệu gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch. Cụ thể, trong tháng 4, toàn tỉnh ghi nhận bình quân từ 20 đến 35 ca mắc SXH/tuần; sang tháng 5, số ca mắc tăng lên từ 50 đến 70 ca/tuần. Hiện nay, số ca mắc SXH có dấu hiệu gia tăng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa và huyện Diên Khánh là những địa phương có số ca mắc tăng cao trong thời gian qua.
Ông Huỳnh Văn Dõng - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Trước tình trạng gia tăng số ca mắc SXH, trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện giám sát chặt các ca bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch. Hiện nay, trung tâm đang phối hợp với đoàn thanh niên đẩy mạnh các công tác truyền thông phòng, chống SXH, cũng như hướng dẫn người dân chủ động diệt lăng quăng, vệ sinh nhà cửa. Ngoài ra, tại một số địa phương cũng đã triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, tổ chức các đợt diệt lăng quăng ở các xã, phường có nguy cơ, mật độ muỗi cao. Trung tâm đã dự trữ 2.000 lít hóa chất diệt muỗi, đảm bảo cung cấp đầy đủ cho các địa phương để thực hiện công tác phòng dịch SXH”.
Hiện tại, nhiều giải pháp phòng dịch SXH đã và đang được ngành Y tế triển khai. Tuy nhiên, ý thức của người dân trong công tác phòng dịch vẫn chưa cao. Nhiều người dù nắm vững kiến thức phòng bệnh SXH nhưng lại không thực hiện diệt lăng quăng hoặc thực hiện các biện pháp khuyến cáo của ngành Y tế… Để chung tay phòng bệnh, tránh dịch chồng dịch, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành, cần nhất vẫn là sự chủ động của người dân trong việc tự phòng bệnh cho chính mình và gia đình.
C.Đan