Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh và thương tật, gây mất khả năng lao động, tử vong sớm và trở thành gánh nặng kinh tế của xã hội.
Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh và thương tật, gây mất khả năng lao động, tử vong sớm và trở thành gánh nặng kinh tế của xã hội.
Theo các chuyên gia y tế, nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá rất cao. Tại các nước thu nhập cao, tỷ lệ hút thuốc lá đang giảm đi; ngược lại, ở những nước có thu nhập thấp và trung bình, việc sử dụng thuốc lá đang có xu hướng gia tăng. Việt Nam là một trong 15 nước có số người hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2015 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới là 45,3%, có nghĩa cứ 2 nam giới trưởng thành ở Việt Nam thì có 1 người hút thuốc lá. Có 28,5 triệu người không hút thuốc lá bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình, nơi làm việc. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động do ốm đau và tử vong sớm lên tới hơn 23.000 tỷ đồng mỗi năm.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, kinh phí để chi cho các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) trên toàn quốc được chi lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch chung về phát triển kinh tế - xã hội; chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; tuy nhiên nguồn kinh phí này hạn hẹp dần qua các năm. Ở nhiều tỉnh, thành phố, việc bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương cho công tác PCTHTL gần như không có. Nguồn kinh phí địa phương và Trung ương cấp cho các sở, ban, ngành để triển khai các nhiệm vụ chuyên môn như: kiểm tra, giám sát, quản lý, kiểm soát sản phẩm, đào tạo, tập huấn… được các đơn vị sử dụng chung cho các hoạt động, trong đó có nội dung thực thi các quy định của Luật PCTHTL.
Từ năm 2015, Luật PCTHTL cho phép hình thành Quỹ PCTHTL, nguồn kinh phí này đã giúp cho các hoạt động PCTHTL được duy trì. Các hoạt động được triển khai trên diện rộng và chiều sâu như truyền thông, xây dựng môi trường không khói thuốc lá. Hàng năm, Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế đã xây dựng, thực hiện kế hoạch PCTHTL theo từng giai đoạn.
Theo đánh giá của PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố đã rất chủ động xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí hàng năm để Quỹ PCTHTL phê duyệt, sử dụng kinh phí đảm bảo đúng mục đích, đúng quy chế chi tiêu theo quy định; chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng nguồn kinh phí quỹ sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí.
Tại các tỉnh, thành phố, nguồn kinh phí Quỹ PCTHTL hỗ trợ hàng năm được giao cho ngành Y tế làm đầu mối, chủ trì triển khai thực hiện các hoạt động. Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các phòng y tế, trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật PCTHTL, các biện pháp PCTHTL, xây dựng các cơ quan, đơn vị cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, nhà hàng, khách sạn không khói thuốc.
Khó khăn trong công tác này hiện nay là thủ tục phê duyệt kế hoạch, kinh phí chậm, đa số thường được phê duyệt kế hoạch sau tháng 8 của năm; nguồn kinh phí của quỹ chỉ được hỗ trợ chi cho các hoạt động trong phạm vi quy định của luật, các hoạt động truyền thông PCTHTL, hỗ trợ xây dựng môi trường không khói thuốc, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động tại các địa phương. Đối tượng tiếp cận nguồn quỹ cũng hạn chế, chủ yếu là cơ quan nhà nước, một số tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội, tổ chức dân sự; cá nhân chưa được tiếp cận vì chưa có cơ chế quản lý nguồn quỹ. Không hỗ trợ cho công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng, chống buôn lậu thuốc lá và một số hoạt động cần thiết khác. Ngoài ra, các cán bộ triển khai nhiệm vụ, hoạt động PCTHTL tại các địa phương đều kiêm nhiệm, do vậy chưa có sự động viên, thu hút được nhân lực, cộng tác viên tham gia hiệu quả.
Bảo Trâm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)