09:11, 11/11/2019

Thực hiện Đề án 818: Hiệu quả bước đầu

Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020" (gọi tắt là Đề án 818) được triển khai từ cuối năm 2015. Đến nay, đề án đã có hiệu ứng tích cực, người dân đã tự chi trả cho dịch vụ kế hoạch hóa gia đình

Đề án “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), sức khỏe sinh sản (SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 - 2020” (gọi tắt là Đề án 818) được triển khai từ cuối năm 2015. Đến nay, đề án đã có hiệu ứng tích cực, người dân đã tự chi trả cho dịch vụ KHHGĐ…


“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”


Huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh là những địa phương được chọn triển khai đề án. Theo đó, 41 xã, phường, thị trấn có cơ sở y tế thực hiện xã hội hóa cung cấp PTTT, KHHGĐ, SKSS.

 

Tuyên truyền về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người dân thị xã Ninh Hòa.

Tuyên truyền về dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho người dân thị xã Ninh Hòa.


Thị xã Ninh Hòa khá thành công trong việc thực hiện đề án, nhất là trong việc tiếp thị và tiêu thụ các PTTT. Bà Nguyễn Ngô Bích Khuê - Trưởng khoa Dân số - KHHGĐ Trung tâm Y tế thị xã cho biết, nắm bắt tâm lý, nhu cầu của đối tượng, ngay từ đầu, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số đã tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để có cách tiếp thị hiệu quả; lồng ghép hoạt động tuyên truyền, giới thiệu PTTT vào các hoạt động chăm sóc SKSS-KHHGĐ qua các buổi sinh hoạt tại khu dân cư. Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, thị xã đã tổ chức gần 1.000 buổi truyền thông nhóm, thu hút 15.760 lượt người tham dự; tư vấn trực tiếp cho gần 6.000 hộ gia đình; tư vấn trực tiếp tại các trạm y tế cho 10.520 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về kiến thức KHHGĐ, chăm sóc SKSS, cách phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm nhiễm đường sinh sản. Qua đó, lồng ghép giới thiệu cho người dân các sản phẩm thuộc Đề án 818. Kết quả, toàn thị xã đã tiêu thụ khoảng 1.380 lọ dung dịch vệ sinh đa năng, 8.000 bao cao su, 200 vỉ viên uống tránh thai…


Tại Vạn Ninh, huyện đã phối hợp với ngành Dân số và Công ty Nasaco tổ chức các kỹ năng truyền thông, cung cấp sản phẩm SKSS-KHHGĐ cho 39 cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số. Huyện cũng đã tổ chức 47 buổi lồng ghép truyền thông và cung ứng sản phẩm 60 Gyno pro cho người dân. “Xã Vạn Phước là một trong những điểm sáng của toàn huyện khi thực hiện đề án. Đến nay, toàn xã có 695 chị em đã lựa chọn PTTT phù hợp từ nguồn xã hội hóa”, ông Lê Xuân Sơn - cán bộ truyền thông sân số - KHHGĐ huyện nói.


Vẫn còn hạn chế


Trong quá trình triển khai đề án, vai trò của cộng tác viên dân số ở các địa phương rất quan trọng. Họ là những người sinh sống tại địa bàn, am hiểu nếp sinh hoạt, tâm tư tình cảm của người dân nên việc vận động người dân thực hiện, tiếp cận đề án có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, hiện nay, đội ngũ cộng tác viên không ổn định, thường xuyên thay đổi, thù lao còn thấp và chậm cấp phát. Kinh phí hoạt động cấp chậm và bị cắt giảm nhiều. Kinh phí địa phương đầu tư cho chương trình dân số - KHHGĐ còn hạn chế. Những điều này đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện các chương trình, dự án.


Bên cạnh đó, người dân vẫn có thói quen được bao cấp dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ từ rất nhiều năm qua, khi không còn được cấp phát mà phải tự bỏ tiền mua thì không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận ngay. “Sản phẩm 60 Gyno pro cũng có công dụng tốt, giúp ngăn ngừa viêm nhiễm phụ khoa, nhưng giá gần 200.000 đồng, khá cao nên tôi cũng không sử dụng thường xuyên”, chị Hồ Thị Như Đài - thị trấn Vạn Giã nói.


Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh cho biết, ngành Dân số - KHHGĐ tại các địa phương đã chú trọng tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức từ “bao cấp, miễn phí” sang “mua, bán”, phù hợp với khả năng chi trả và điều kiện của người dân trên địa bàn. Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục hướng dẫn thực hiện xã hội hóa cung ứng PTTT, hàng hóa dịch vụ KHHGĐ, SKSS; rà soát, cập nhật, bổ sung các chính sách phù hợp nhằm khuyến khích xã hội hóa và phát triển thị trường... Để đề án đạt hiệu quả hơn nữa, ngành Dân số sẽ đẩy mạnh truyền thông, quảng cáo các PTTT trên nhiều kênh thông tin, đảm bảo nguồn cung ứng; mở rộng tiếp thị xã hội các sản phẩm tránh thai; đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông tiếp thị xã hội…, từ đó tạo sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong thực hiện Đề án 818.


THANH TRÚC