Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều ca mắc giun sán (hay giun đũa) chó, trong đó có những ca nặng…
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều ca mắc giun sán (hay giun đũa) chó, trong đó có những ca nặng…
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, đa số người bị nhiễm giun sán chó thường rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác của da liễu như: Da nổi mẩn ngứa, mụn nhỏ, bầm tím; người mệt mỏi, đau bụng, ăn không ngon, giảm cân, ho, khò khè như bị suyễn... Phần lớn các ca đến khám đều ở mức độ nhẹ, tuy nhiên, BV cũng tiếp nhận một số ca nặng hơn do ấu trùng giun sán chó đã thâm nhập vào một số bộ phận nội tạng khác. Một số trường hợp bị áp-xe gan nặng, có ca ấu trùng giun sán chó đã xâm nhập vào não bộ và làm tổn thương một phần ở vùng này, gây nên tình trạng đau đầu kinh niên cho bệnh nhân.
Vào BV Bệnh nhiệt đới tỉnh điều trị được 3 ngày, các triệu chứng nổi mề đay, ngứa ở bệnh nhân Nguyễn Thanh P. (TP. Nha Trang) giảm hẳn. Bệnh nhân P. cho biết: “Nhà tôi nuôi 2 con chó. Tuần trước, thấy trên cơ thể có vài chỗ nổi như mề đay, ngứa, tôi chữa theo phương pháp dân gian nhưng không khỏi. Đến BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, tôi mới biết mình mắc bệnh giun sán chó”.
Giun sán chó có tên khoa học là Toxocara canis, hình tròn, dài giống như giun đũa ở người. Giun sán chó trưởng thành sống trong ruột non của chó hoặc mèo. Trứng giun theo phân thải ra đất phát triển thành ấu trùng, phát tán trong môi trường rồi nhiễm vào thức ăn, nước uống của người. Trong cơ thể người, trứng nở thành ấu trùng nhưng không phát triển thành giun trưởng thành mà theo đường máu đến gan, phổi, mắt, thận, não... Sau khi ký sinh, chúng tạo những bọc nước lớn chứa nhiều đầu giun và gây tổn thương ở các cơ quan này. Khi nang nước bị vỡ sẽ giải phóng hàng vạn đầu giun, lây lan vào các cơ quan phủ tạng khác, tạo nên u mới, có thể dẫn đến tử vong cho người bệnh. |
Theo số liệu thống kê của BV Bệnh nhiệt đới tỉnh, nếu năm 2016, bình quân mỗi tháng, BV tiếp nhận khám và điều trị khoảng 10 - 15 lượt ca thì năm 2017 tăng lên gấp đôi; năm 2018, số ca mắc tăng hơn 100 lượt. Riêng từ tháng 1 đến tháng 3-2019, BV tiếp nhận bình quân hàng tháng từ 120 đến 150 lượt ca, từ tháng 4 trở đi tăng lên 200 lượt ca. Trong những bệnh nhân tới khám và điều trị, có những bệnh nhân không có tiền sử tiếp xúc, nuôi chó, mèo. Theo các bác sĩ, khi khai thác dịch tễ học ở những người này, hầu hết họ có thói quen ăn rau sống. Do phôi của giun sán chó có thể sống ở môi trường khoảng 20 ngày nên có thể loại rau họ ăn bị nhiễm phân chó, mèo có chứa giun sán chó nhưng chưa được rửa sạch. Vì thế, người dân không nên chủ quan.
Bác sĩ Bình cho biết: “Bệnh này triệu chứng lâm sàng rất mơ hồ nên giai đoạn đầu nhiễm giun sán chó rất khó phát hiện, chỉ khi có các biến chứng, tổn thương, viêm nhiễm một cơ quan nào đó trên cơ thể và xét nghiệm máu mới biết được. Đặc biệt, các đầu giun sán chó khi vào cơ thể người có khả năng tự nhân lên. Hiện nay, tại BV Bệnh nhiệt đới tỉnh có phác đồ điều trị với các loại thuốc thế hệ mới, tỷ lệ thành công rất cao. Tuy nhiên, nếu để lâu, ký sinh trùng xâm nhập sâu hơn vào não có thể gây mù mắt, liệt tay chân của bệnh nhân. Bệnh giun sán chó có thể trị khỏi nhưng sẽ tái phát trở lại nếu người bệnh tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây”.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, những người nuôi chó, mèo trong nhà có những biểu hiện nghi ngờ bị nhiễm giun sán chó nên đến ngay cơ sở y tế để khám. Để phòng ngừa nhiễm giun sán chó, cần rửa tay sạch trước khi ăn, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ, ăn chín, uống chín, nếu ăn rau sống phải rửa sạch bằng thuốc tím và rửa dưới vòi nước đang chảy. Nên tắm cho chó thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ ở cơ sở thú y và xổ giun định kỳ; thu gom, xử lý phân chó thường xuyên.
Bác sĩ Bình cảnh báo: “Hiện nay, số ca mắc bệnh giun sán chó nhập BV Bệnh nhiệt đới tỉnh không có dấu hiệu giảm mà ngày càng gia tăng. Bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh, người dân không chủ động phòng, chống thì số ca mắc trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao”.
Cát Đan