Vừa qua, Báo Khánh Hòa có phản ánh tình trạng vượt chi trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Ngay sau đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế và Bảo hiểm xã hội cấp huyện tăng cường giám sát, chấn chỉnh.
Vừa qua, Báo Khánh Hòa có phản ánh tình trạng vượt chi trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Ngay sau đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Sở Y tế đã có công văn chỉ đạo các cơ sở y tế và BHXH cấp huyện tăng cường giám sát, chấn chỉnh.
Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng cao
Lãnh đạo BHXH tỉnh cho biết, theo dõi qua hệ thống giám định BHYT, những năm gần đây, lượng người khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh tăng khá cao. Năm 2018, toàn tỉnh có 3.044.063 lượt người khám, chữa bệnh BHYT với tần suất 2,89 lượt/người/năm, cao hơn so với tần suất bình quân chung của toàn quốc là 2,24 lượt/người/năm. Tính đến hết tháng 8-2019, trên địa bàn tỉnh có 2.033.885 lượt người khám, chữa bệnh BHYT với tần suất 1,85 lượt/người/8 tháng, cao hơn so với tần suất bình quân chung của toàn quốc là 1,42 lượt/người/8 tháng. Nguyên nhân là số lượt khám, chữa bệnh của bệnh nhân mạn tính trên địa bàn tỉnh khá lớn. Chẳng hạn, 8 tháng, trên địa bàn tỉnh có hơn 391.000 người có BHYT khám bệnh tăng huyết áp, trong khi nhiều tỉnh có dân số tham gia BHYT cao hơn gấp nhiều lần so với Khánh Hòa nhưng lượng người khám bệnh này lại thấp hơn nhiều như: Thanh Hóa hơn 156.800 người; Nghệ An hơn 192.900 người; Bình Định hơn 171.200 người…
BHXH tỉnh cho biết, theo quy định của Bộ Y tế về đơn thuốc thì đối với bệnh mạn tính, đơn thuốc được kê có thời hạn sử dụng thuốc tối đa là 30 ngày. Tuy nhiên, thời gian qua, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, nhất là trạm y tế tuyến xã đã kê đơn với số lượng thuốc sử dụng ngắn ngày cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh mạn tính (kể cả bệnh nhân đã điều trị ổn định). Qua kiểm tra, đa số các trạm y tế đã khám và cấp thuốc cho bệnh nhân tăng huyết áp, tiểu đường… chỉ có từ 7 đến 10 ngày. Điều này làm tần suất cũng như số lượng người khám, chữa bệnh quá cao, dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế; ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh; gây khó khăn cho người bệnh vì phải đi lại nhiều lần, chờ đợi kéo dài, không chỉ gây tốn kém cho người bệnh mà còn lạm chi quỹ BHYT vì phải chi trả cho việc sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật khám, chữa bệnh.
Cần thực hiện đúng quy định
Ông Bùi Đăng An - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, trước sự việc mà Báo Khánh Hòa phản ánh, đồng thời để bảo đảm quyền lợi người dân, BHXH tỉnh đã có công văn đề nghị các cơ sở y tế, BHXH cấp huyện tập trung thực hiện việc khám, chữa bệnh BHYT theo đúng quy định. Cụ thể, đối với các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, nhất là các trạm y tế, trong chữa trị những bệnh mạn tính phải thực hiện kê đơn thuốc sử dụng tối đa 30 ngày. Nếu các cơ sở y tế không chấn chỉnh, BHXH tỉnh sẽ xem đây là nguyên nhân vượt nguồn kinh phí khám, chữa bệnh BHYT trong năm 2019 và sẽ có biện pháp xử lý nghiêm. Đối với lãnh đạo phòng giám định BHYT và giám đốc BHXH cấp huyện, cần tăng cường giám sát và phối hợp với các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện các quy định đã nêu; giao các giám định viên căn cứ dữ liệu khám, chữa bệnh BHYT ngoại trú cho các bệnh mạn tính không đúng quy định mà phòng giám định BHYT cung cấp để thực hiện kiểm tra, từ chối thanh toán những chi phí không đúng.
Mới đây, Sở Y tế cũng có công văn chỉ đạo các bệnh viện tuyến tỉnh, các trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện nghiêm việc kê đơn thuốc trong khám, chữa bệnh ngoại trú và nhập viện điều trị ngoại trú. Theo Sở Y tế, thời gian gần đây, các cơ sở y tế thực hiện kê đơn thuốc điều trị ngoại trú với bệnh nhân mạn tính bằng cách chia nhỏ, ngắn ngày, chỉ định điều trị nội trú khi chưa đủ điều kiện. Những vấn đề này đã làm tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT, ảnh hưởng đến thực hiện dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT tại các đơn vị. Để chấn chỉnh vấn đề này, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm những nội dung: đối với việc kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, các cơ sở y tế phải phổ biến rõ ràng những quy định của Bộ Y tế đến từng nhân viên y tế, nhân viên tại khoa khám; đồng thời thực hiện nghiêm túc việc kê đơn thuốc cho bệnh nhân mạn tính đúng thời hạn quy định. Đối với việc chỉ định điều trị nội trú, cần cập nhật đầy đủ các quy trình chuyên môn kỹ thuật, quy chế chuyên môn để cán bộ y tế trong đơn vị chỉ định điều trị nội trú khi đủ điều kiện; tránh tình trạng lạm dụng nhập viện điều trị nội trú cho người bệnh, làm tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT…
PHÚ AN