10:10, 20/10/2019

Bệnh viêm gan vi rút B - Những điều cần quan tâm

Viêm gan vi rút B là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính năm 2015, toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm vi rút HBV mạn tính và 884.000 người tử vong, phần lớn do biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.

Viêm gan vi rút B là bệnh truyền nhiễm quan trọng, phổ biến trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính năm 2015, toàn cầu có khoảng 257 triệu người nhiễm vi rút HBV mạn tính và 884.000 người tử vong, phần lớn do biến chứng xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan.


Viêm gan vi rút B lây nhiễm qua đường máu, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ lưu hành cao của nhiễm viêm gan vi rút B (tỷ lệ nhiễm trên 8%) với đường lây chủ yếu từ mẹ truyền sang con.

 

Thực hành truyền thông phòng, chống bệnh viêm gan vi rút B  cho nhân viên y tế huyện Cam Lâm.

Thực hành truyền thông phòng, chống bệnh viêm gan vi rút B cho nhân viên y tế huyện Cam Lâm.


Viêm gan vi rút B có 3 loại kháng nguyên chính: HBsAg, HBeAg và HBcAg; tương ứng với 3 kháng thể: Anti-HBs, Anti-HBe và Anti-HBc. Xét nghiệm phát hiện các kháng nguyên, kháng thể này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định bệnh, thể bệnh cũng như diễn tiến bệnh. Về triệu chứng, phần lớn không có biểu hiện lâm sàng rõ ràng, có thể có các triệu chứng như: sốt (khi chưa vàng da), mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, nôn, vàng da, vàng mắt, tiểu sậm màu, đau tức vùng gan. Viêm gan vi rút B cấp có thể diễn tiến suy gan cấp dẫn đến bệnh não gan, tỷ lệ tử vong cao.


Khoảng 95% người lớn bị viêm gan vi rút B cấp sẽ hồi phục một cách tự nhiên mà không cần điều trị thuốc kháng vi rút. Điều trị viêm gan vi rút B cấp chủ yếu là điều trị hỗ trợ như nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, tránh gắng sức trong thời kỳ có triệu chứng lâm sàng; chế độ ăn giảm chất béo, kiêng rượu bia. Viêm gan vi rút B mạn là điều trị lâu dài, có thể kéo dài suốt đời, người bệnh phải tuân thủ điều trị tốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế về cách uống thuốc, uống đúng giờ, tái khám đúng hẹn.


Về thời gian điều trị thuốc kháng vi rút, đối với bệnh xơ gan phải điều trị suốt đời; đối với người bệnh chưa xơ gan sẽ điều trị lâu dài, bác sĩ có thể xem xét ngưng điều trị phụ thuộc vào các xét nghiệm theo dõi định kỳ trên người bệnh. Trong một số trường hợp đặc biệt như đồng nhiễm viêm gan vi rút B, vi rút C; đồng nhiễm viêm gan vi rút B và HIV; viêm gan vi rút B ở phụ nữ mang thai; ở trẻ em; ở người bệnh ung thư gan… bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.


Phòng lây truyền viêm gan vi rút B từ mẹ sang con, cần tiêm vắc xin viêm gan vi rút B cho tất cả trẻ em trong 24 giờ đầu sau sinh. Đối với trẻ sinh ra từ mẹ có xét nghiệm HBsAg dương tính, tiêm kháng huyết thanh viêm gan vi rút B và vắc xin viêm gan vi rút B trong vòng 24 giờ sau sinh sẽ giúp phòng được lây truyền viêm gan vi rút B cho trẻ đến hơn 95%.


Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh viêm gan vi rút B, ngành Y tế phải đảm bảo an toàn truyền máu và các chế phẩm của máu; trong cộng đồng, mọi người không dùng chung kim tiêm và các dụng cụ xuyên chích qua da; thực hiện an toàn tình dục; tránh tiếp xúc với máu và các dịch tiết của người bệnh nhiễm viêm gan vi rút B. Đối với tiêm ngừa vắc xin viêm gan B, những người không mang vi rút viêm gan B sống chung hoặc có quan hệ tình dục với người mắc bệnh viêm gan B nên được tiêm ngừa; người tiêm chích ma túy, những bệnh nhân lọc máu có hệ miễn dịch suy giảm cũng nên tiêm ngừa viêm gan B. Ở người lớn, trước khi tiêm vắc xin viêm gan B cần làm xét nghiệm máu để biết mình đã nhiễm vi rút chưa và có kháng thể hay chưa để quyết định có nên tiêm phòng hay không. Phụ nữ mang thai cần được tầm soát bệnh viêm gan B lần khám thai đầu tiên trong 3 tháng đầu; cần tiêm phòng vắc xin viêm gan B trước khi mang thai 3 - 4 tháng. Người được tiêm vắc xin viêm gan B nên đợi ít nhất 28 ngày mới đi hiến máu vì vắc xin có thể gây phản ứng dương tính giả với xét nghiệm máu.


Bảo Trâm