Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 8.800 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng gần gấp 4 lần; gần 1.700 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng gần 100 ca so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ trẻ em, nhiều người trưởng thành phải nhập viện vì bệnh truyền nhiễm.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 8.800 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng gần gấp 4 lần; gần 1.700 ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM), tăng gần 100 ca so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ trẻ em, nhiều người trưởng thành phải nhập viện vì bệnh truyền nhiễm.
Số người mắc bệnh tăng
Nếu như từ tháng 1 đến tháng 8, trung bình mỗi tháng, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới tỉnh chỉ tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân nghi mắc TCM thì trong tháng 9, BV tiếp nhận hơn 380 ca bệnh TCM, trong đó có 95 ca phải nhập viện điều trị. Riêng 10 ngày đầu tháng 10, số ca mắc TCM tăng lên gần 200 ca, trong đó có hơn 50 ca phải điều trị nội trú.
Không chỉ có số ca mắc tăng cao, số ca bệnh nặng trong tháng 9 và 10 cũng tăng gấp 2 lần so với những tháng trước. Điển hình là trường hợp cháu Cao Thu An (15 tháng tuổi, xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh). Do nhập viện trễ, cháu chuyển nặng ở mức độ 2b, phải nằm Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, hỗ trợ thở máy. Sau 2 ngày điều trị tích cực, sức khỏe của cháu đã dần hồi phục. Bà Cao Hoàn Hương - ngoại của cháu An cho biết: “Thấy cháu nổi nhiều nốt đỏ ở tay chân, rồi lan ra đùi, bẹn, gia đình cứ nghĩ cháu bị giời leo. Qua 3 ngày thấy không hết nên gia đình đưa cháu vào BV Bệnh nhiệt đới tỉnh. Vào đây mới biết cháu bị mắc TCM nặng”.
Trong khi đó, SXH đang lưu hành ở 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với số ca mắc có xu hướng gia tăng. Cụ thể, tháng 9, toàn tỉnh có khoảng 400 ca mắc SXH; nửa đầu tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận hơn 270 ca. Nếu trong 2 tuần đầu của tháng 10, số ca mắc SXH mới dao động từ 110 đến 160 ca/tuần thì đến tuần thứ 3, số ca mắc tăng lên 213 ca (tăng 26%) so với tuần trước đó. Đáng lo ngại, toàn tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn tâm lý chủ quan với bệnh. Bị sốt 400 2 ngày, bệnh nhân Phạm Thị Hiệp (xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) mới nhập BV Bệnh nhiệt đới điều trị. Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân tạm ổn. Bệnh nhân Hiệp cho hay: “Từ trước tới nay, tôi chưa mắc bệnh này, lại đi làm cả ngày nên xã, phường có tuyên truyền tôi cũng ít quan tâm. Vì vậy, tôi cũng không biết vì sao mình bị mắc bệnh; cách phòng bệnh ra sao”.
Tích cực phòng chống
Bác sĩ Nguyễn Vũ Quốc Bình - Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Hàng năm, thời điểm này là cao điểm của 2 dịch bệnh trên. Số bệnh nhân đến khám và điều trị tại BV luôn cao. Để chủ động trong phòng và điều trị bệnh, BV thành lập các khu cách ly riêng giữa các bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo. Được sự hỗ trợ của Sở Y tế, BV đã trang bị cơ bản đầy đủ các trang thiết bị để điều trị bệnh. Ngoài ra, BV tổ chức nhiều đợt tập huấn lại cho các cơ sở y tế tư nhân, nhân viên tại BV về phác đồ điều trị 2 bệnh lý nói trên nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong. BV cũng đã dự trữ đầy đủ cơ số thuốc, đảm bảo cho công tác điều trị nếu các bệnh tăng cao”.
Để ngăn ngừa nguy cơ có thể bùng phát dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh đang triển khai tích cực những biện pháp phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân; phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch SXH. Đồng thời, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng bệnh TCM tại các cơ sở mầm non, nhóm trẻ tư nhân.
Theo các chuyên gia y tế, việc nhiều bệnh truyền nhiễm cùng gia tăng là vấn đề cần được quan tâm. Bởi tình hình thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi rút gây bệnh sinh sôi, phát triển. Vì vậy, nếu người dân chủ quan, không chủ động phối hợp với ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh thì tình trạng dịch chồng dịch rất dễ xảy ra trong thời gian tới.
Thảo Ly