Ngành Y tế huyện Cam Lâm đã và đang áp dụng mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến cơ sở, đem lại hiệu quả cao cho công tác điều trị.
Ngành Y tế huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã và đang áp dụng mô hình quản lý bệnh không lây nhiễm tại tuyến cơ sở, đem lại hiệu quả cao cho công tác điều trị.
Bị bệnh tăng huyết áp nhiều năm nay, cứ 10 ngày, bà Võ Thị Lang (70 tuổi, thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc) đến Trạm Y tế xã để kiểm tra lại bệnh và nhận thuốc điều trị. Nhờ tuân thủ tốt các chỉ định điều trị của trạm y tế, sức khỏe của bà Lang đã ổn định. Đặc biệt, bà không phải đến bệnh viện huyện khám như những năm trước. Bà Lang cho hay: “Trước kia, tôi thường đến khám ở bệnh viện huyện. Ở đó đông người, chờ lâu. 3 năm trở lại đây, tôi khám ở trạm y tế. Ở đây, các bác sĩ khám và điều trị rất tốt”. Cụ bà Bùi Thị Huấn (83 tuổi, thôn Suối Cang, xã Cam Thành Bắc) cũng chuyển về khám và điều trị tại Trạm Y tế xã, thuận tiện cho việc đi lại. Đến ngày hẹn tái khám, nhân viên của trạm còn gọi điện thông báo. Nhờ uống thuốc và điều trị liên tục nên sức khỏe của cụ ổn định hơn.
Năm 2017, 14 trạm y tế ở huyện triển khai công tác quản lý bệnh không lây nhiễm ở địa phương. Để triển khai công tác này, các trạm y tế ở huyện tăng cường công tác khám sàng lọc. Qua khám, phát hiện trường hợp mắc các bệnh không lây nhiễm như: huyết áp, đái tháo đường, tâm thần… đều được lập hồ sơ và đưa vào quản lý. Đầu năm 2019, các trạm thí điểm triển khai phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe... Nhờ được theo dõi và quản lý chặt nên công tác khám và điều trị mang lại hiệu quả cao, phát hiện sớm các biến chứng kịp thời. Y sĩ Hà Thị Thu Lương - Trưởng Trạm Y tế xã Cam Thành Bắc cho biết: “Phần mềm quản lý sức khỏe có nhiều tiện lợi, giúp trạm cập nhật và nắm rõ số lượng, tình trạng bệnh của từng bệnh nhân. Nhờ đó, trạm thực hiện tốt hơn công tác quản lý, điều trị và báo cáo. Hiện nay, tại trạm đang lập hồ sơ sức khỏe cho 240 bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính. Riêng 6 tháng đầu năm, trạm thực hiện khám bệnh hơn 6.360 lượt, trong đó, các bệnh không lây nhiễm hơn 2.000 lượt”.
Bên cạnh đó, ngành Y tế huyện còn chú trọng công tác truyền thông, hướng dẫn người dân đến các trạm y tế để được khám sàng lọc và điều trị, nhất là các bệnh mãn tính như: tăng huyếp áp, đái tháo đường, tâm thần, hen, phế quản… thông qua nhiều hình thức như: tranh lật, áp phích, tờ rơi, băng hình, nói chuyện chuyên đề; trong đó tập trung tuyên truyền cho những người ở độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao, từ 40 tuổi trở lên. Ngoài ra, Trung tâm Y tế huyện còn thành lập các câu lạc bộ tăng huyếp áp, tổ chức tư vấn và trao đổi trực tiếp giữa bệnh nhân với thầy thuốc về dự phòng, điều trị đúng bệnh.
Nhờ thế, so với 3 năm trước, số lượng bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, không lây nhiễm đến khám và điều trị ở các trạm y tế tăng cao. Hiện nay, ngành Y tế huyện khám sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp ở 7 xã cho hơn 2.350 người. Có 8 xã triển khai khám sàng lọc, quản lý, tư vấn và điều trị đái tháo đường cho hơn 2.060 bệnh nhân. Có 14/14 xã triển khai khám và quản lý 406 bệnh nhân tâm thần; 250 bệnh nhân mắc hen, phế quản.
Bác sĩ Lê Thanh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện kiến nghị: “Hiện nay, hoạt động quản lý các bệnh không lây nhiễm ở tuyến cơ sở gặp nhiều khó khăn. Do nguồn kinh phí bị cắt giảm, nên nhiều trạm y tế không có kinh phí để in ấn các loại sổ sách quản lý bệnh nhân; mua vật tư duy trì các xét nghiệm định kỳ cho đối tượng tiền đái tháo đường. Các cấp liên quan cần sớm hỗ trợ kinh phí để các trạm y tế thực hiện tốt những hoạt động trên. Bởi mô hình này không những thuận lợi cho người dân, nâng cao chất lượng điều trị tại trạm y tế, mà còn giảm tải cho tuyến trên”.
C.Đan