Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đái tháo đường đang có tốc độ tăng nhanh trên toàn cầu. Đến năm 2020 sẽ có 438 triệu người mắc bệnh này, trong đó 50% là người châu Á. Theo đó, tỷ lệ đái tháo đường ở phụ nữ mang thai cũng tăng lên.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh đái tháo đường đang có tốc độ tăng nhanh trên toàn cầu. Đến năm 2020 sẽ có 438 triệu người mắc bệnh này, trong đó 50% là người châu Á. Theo đó, tỷ lệ đái tháo đường ở phụ nữ mang thai cũng tăng lên. Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ tăng từ 3,9% năm 2004 đến 20,9% năm 2017.
Đái tháo đường là nhóm những rối loạn chuyển hóa không đồng nhất gồm tăng glucose máu và rối loạn dung nạp glucose do thiếu Insulin, giảm tác dụng của Insulin hoặc cả hai. Đái tháo đường trong thai kỳ là sự tăng glucose máu được phát hiện lần đầu trong khi mang thai. Theo bác sĩ Lê Văn Đức - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, những thai phụ có yếu tố nguy cơ dễ mắc đái tháo đường thai kỳ là người béo phì; trước đó đã từng sinh con nặng trên 4kg, mẹ mang thai ở tuổi trên 35, mẹ có tiền sử bất thường về dung nạp glucose. Trong trường hợp có yếu tố nguy cơ cao, đa số phụ nữ có tiền sử rối loạn dung nạp glucose khi có thai đều bị đái tháo đường thai kỳ. Ngoài ra có các yếu tố nguy cơ khác như: mẹ có thai chết lưu không rõ nguyên nhân, con bị dị tật bẩm sinh, tiền sản giật, sinh non; mẹ có hội chứng buồng trứng đa nang.
Thai phụ khi mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong suốt quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường. Tai biến thường gặp là tăng huyết áp, gây biến chứng cho mẹ và thai nhi như: tiền sản giật, sản giật; tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tỷ lệ tử vong cao. Các tai biến khác là đa ối, sẩy thai, nhiễm khuẩn đường tiểu, về lâu dài có nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường týp 2 sau sinh.
Bác sĩ Đức cho biết, đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chủ yếu vào giai đoạn 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Giai đoạn 3 tháng đầu, thai có thể không phát triển gây sảy thai tự nhiên. Ở giai đoạn 3 tháng giữa, đặc biệt 3 tháng cuối thai kỳ có hiện tượng tăng tiết Insulin của thai nhi, làm thai nhi tăng trưởng quá mức. Có tỷ lệ từ 15% - 25% trẻ sơ sinh bị hạ glucose máu, mắc các bệnh lý chuyển hóa ở các người mẹ mắc đái tháo đường. Khoảng 30% trẻ tử vong ngay sau sinh do tình trạng thiếu oxy, ngoài ra, trẻ sơ sinh có thể gặp các biến chứng như: tăng hồng cầu; bị vàng da sơ sinh; về lâu dài trẻ dễ bị béo phì; mắc bệnh đái tháo đường ở độ tuổi 19 - 27.
Bác sĩ Đức khuyến cáo các thai phụ có nguy cơ cao nên tầm soát đái tháo đường thai kỳ. Thời điểm tầm soát từ tuần thứ 24 - 28 của tuổi thai, đây là thời điểm tốt nhất để phát hiện bất thường chuyển hóa carbohydrate trong thai kỳ. Để phòng đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ có thai, đặc biệt các thai phụ có nguy cơ cao bị đái tháo đường cần có chế độ ăn hợp lý và hoạt động thể chất phù hợp. Trước khi mang thai nếu bị thừa cân, béo phì thì thai phụ cần thực hiện các biện pháp giảm cân. Ngoài ra, thai phụ cần giảm ăn mặn, phòng tránh bệnh tăng huyết áp, nhiễm độc thai nghén, nên sử dụng dưới 5 gam muối/ngày và nên sử dụng muối i-ốt; không dùng các đồ uống kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc, giảm ăn các gia vị như ớt, tiêu, tỏi. Nên chọn môn thể dục phù hợp để vận động như: đi bộ, tập tay lúc ngồi với thời gian 30 phút/ngày. Những thai phụ có nguy cơ cao bị đái tháo đường nên chọn lựa thức ăn phù hợp để tránh dư thừa hoặc thiếu năng lượng cung cấp trong quá trình mang thai; nên chia nhỏ bữa ăn thành 3 bữa chính và 2 - 3 bữa phụ, mục đích điều hòa và tránh tăng glucose máu nhiều sau ăn. Đối với những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ cần có sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Tôn Thất Toàn
(Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe tỉnh)